Con yêu đang phát triển như thế nào trong bụng mẹ luôn là điều mà mọi mẹ bầu thắc mắc và quan tâm.

Mỗi ngày trong thai kỳ, mẹ bầu cũng trải qua những cung bậc hồi hộp, lo lắng khác nhau khi bụng bầu to lên mỗi ngày như không biết phôi thai nhi hoàn thiện khi nào? Tuần này con yêu đã mở mắt chưa? Bao giờ thì con biết đạp bụng mẹ? Thai nhi bao nhiêu tuần thì phát triển toàn diện? Hay quá trình phát triển cân nặng của thai nhi như thế nào?

Hãy cùng Nga khám phá những điều thú vị về sự phát triển kỳ diệu của thiên thần bé nhỏ trong bụng mẹ sau đây nhé.

1. Phát hiện sự tồn tại của sinh linh bé nhỏ trong bụng mẹ

Mẹ bầu không thể xác định được quá trình thụ thai diễn ra khi nào, tuy nhiên dựa vào những sự thay đổi ở cơ thể người mẹ mà các chị em có thể nhận biết được sự tồn tại của con yêu trong bụng.

Trong vòng 3 ngày sau khi thụ thai, trứng đã thụ tinh sẽ phân chia rất nhanh tạo thành bào thai. Bào thai đi qua ống dẫn trứng vào tử cung và bám lên thành tử cung để phát triển.

Những dấu hiệu có thai sớm nhất có thể xuất hiện khoảng 7 ngày sau khi quá trình thụ thai diễn ra. Những dấu hiệu này bao gồm: mẹ bầu đi tiểu thường xuyên hơn, hiện tượng ngực căng tức, cơ thể mẹ bầu mệt mỏi, hay đặc biệt nhạy cảm với các mùi vị khác nhau.

Mẹ bầu cũng có thể tiến hành siêu âm phát hiện thai nhi sớm nhất khi thai nhi được 6 tuần tuổi. Bằng phương pháp siêu âm đầu dò âm đạo sẽ thấy hình ảnh túi thai, có kích thước 10-12mm và bên trong túi ối có thể thấy hình ảnh túi noãn hoàng.

2. Tai và mắt con được hình thành

Trong giai đoạn từ 6 đến 7 tuần tuổi, phôi thai và tim thai con yêu được hình thành.

Đến tuần thứ 8, đôi mắt con yêu mới bắt đầu được hình thành và phát triển.Tuần thứ 8 cũng là giai đoạn quan trọng của thai kỳ, khi não của bé trở nên phức tạp hơn khi dây thần kinh phân nhánh và kết nối với nhau, đồng thời cũng là tuần cuối cùng của giai đoạn phôi thai.

Vì bắt đầu từ tuần thứ 9 thai nhi của bạn sẽ không còn là phôi nữa mà sẽ là một bào thai. Điều này có nghĩa là các bộ phận cơ bản của cơ thể bé đã gần như ở đúng chỗ rồi đó nhé.

3. Con hình thành đủ các bộ phận

Bước sang tuần thứ 12, hầu hết các bộ phận của con yêu đều đã được hình thành và phát triển tương đối đầy đủ gồm cả ngón tay với móng tay, ngón chân và nhiều bộ phận khác. Các đặc điểm trên khuôn mặt của bé lúc này bắt đầu trông giống con người hơn rồi đó các mẹ ạ.

Lúc này, con yêu dài khoảng 5,4cm tính từ đỉnh đầu đến phần mông, tương đương chiều dài của một quả chanh và nặng nặng đến 14g.

Tuần thứ 12 cũng chính là dấu mốc quan trọng khi cơ quan sinh dục ngoài của con yêu có thể được nhìn thấy.

Mặc dù được hình thành từ tuần thứ 9, nhưng mãi cho đến tuần thứ 12 thai kỳ mới chính thức phân biệt được bộ phận sinh dục nam hay nữ. Đây chắc hẳn là tin vui đối với các mẹ bầu khi có thể sớm nhận biết giới tính con yêu phải không nào?

4. Những cử động đầu tiên

Vào tuần thứ 7-8 của thai kỳ, thai nhi có thể chạm tay quanh môi và má. Đến tuần thứ 11, con bắt đầu khám phá cơ thể và bụng mẹ của mình bằng miệng, bàn tay và bàn chân.

Ở giai đoạn này thai nhi liên tục chuyển động: chạm vào mông, nắm giữ dây rốn, quay tròn và di chuyển lên xuống. Trong môi trường gần như không trọng lượng đầy chất lỏng của túi nước ối, con sử dụng xúc giác để làm dịu và tự khám phá, tìm tòi.

Con cũng phản ứng mạnh mẽ với những cử động của mẹ. Tuần thứ 18 là giai đoạn quan trọng của thai kỳ khi mẹ có thể nhận biết những cử động đầu tiên của con yêu, những lần con máy. Tuy nhiên bố hoặc những người thân khác sẽ phải chờ thêm một thời gian nữa để cảm nhận được chuyển động của thai nhi từ bên ngoài.

Thai giáo xúc giác, nghệ thuật của sự tiếp xúc

5. Con nghe được âm thanh

Tuần 18 con có thể nghe những âm thanh trong cơ thể mẹ như tiếng nhịp tim của mẹ.

Tuần 27-29 là lúc thính giác của con phát triển hoàn thiện hơn giúp con nghe được những âm thanh của thế giới bên ngoài. Lúc này, thai nhi đặc biệt rất nhạy cảm với giọng nói của ba mẹ, và có thể máy phản ứng lại khi nghe giọng ba mẹ đó.

Từ 30 đến 32 tuần, con thường nghe được tiếng nói hoặc âm nhạc − mẹ có thể nhận thấy con đá hay giật mình vì tiếng sập cửa hoặc chuông báo động. Trò chuyện với con yêu giúp con ghi nhớ được giọng nói của ba mẹ khi chào đời.

Trong giai đoạn con phát triển thính giác mẹ có thể thực hành thai giáo âm nhạc, thai giáo ngôn ngữ để giúp não bộ của con phát triển tốt hơn.

6. Con tập thở

Từ tuần 25 cho đến tuần 27, con yêu bắt đầu thực hiện một số hoạt động thở, mặc dù phổi của bé vẫn chứa đầy nước và không hề hít oxy.

Trong vài tuần tới, con sẽ tiếp tục “luyện tập” cho cuộc sống bên ngoài bằng cách hít vào và thở ra trong nước ối; ngủ và thức dậy đều đặn.

7. Con cảm nhận mùi vị

Vị giác của trẻ sơ sinh bắt đầu phát triển từ khi ở trong bụng mẹ. Khi mang thai được 9 tuần, miệng và lưỡi của bé đã hình thành cùng với các nụ vị giác đầu tiên.

Từ tuần thứ 16, con có thể làm quen với các hương vị thức ăn thông qua việc nuốt dịch nước ối trong bụng mẹ. Vào tam cá nguyệt thứ hai, vị giác của thai nhi trông gần giống như của người trưởng thành.

Đến tuần thứ 28 của thai kỳ, các giác quan của bé đã phát triển đầy đủ và bé hoàn toàn có thể cảm nhận được mùi vị từ các món ăn mà mẹ hấp thụ mỗi ngày rồi đó.

Giai đoạn mang thai, mẹ thực sự đang ăn cho cả hai người và con thì luôn bắt chước theo khẩu vị của mẹ. Con thường có xu hướng thích ăn hoặc quen thuộc hơn với các món ăn mà mẹ thường xuyên ăn trong thai kỳ.

Mẹ bầu nên tạo thói quen ăn uống ngon miệng, đa dạng khẩu vị để giúp con phát triển vị giác tốt nhất. Vì thế, một chế độ ăn lành mạnh là ưu tiên hàng đầu của mẹ. Tuy vậy, mẹ cũng đừng quá căng thẳng và gò ép bản thân nếu thực sự không thể ăn nổi một món nào đó được xem là tốt cho sức khỏe.

8. Con nhìn thấy ánh sáng

Từ tuần thứ 15 dù mắt vẫn nhắm nhưng con đã cảm nhận được ánh sáng mạnh yếu từ bên ngoài. Nếu dùng đèn pin chiếu vào bụng mẹ, con có thể sẽ quay đầu đi để tránh ánh sáng mà con cảm thấy lạ lẫm, khó chịu này. Mặc dù không nhìn thấy nhiều, nhưng con đang phát triển và hoàn thiện chức năng thị giác.

Từ 23 đến 25 tuần, đôi mắt của con được hình thành và con bắt đầu nháy mắt.

Ở tuần thứ 26-27 trở đi của thai kỳ, con yêu đã có thể mở mắt và quay đầu về phía có nguồn phát ra sáng ánh sáng liên tục.

Trong giai đoạn này, mẹ bầu nên thường xuyên tắm nắng sớm để hở bụng để bé nhận biết ánh sáng. Hoặc luyện tập cho bé sáng tối bằng cách dùng một miếng vải đen phủ kín trước bụng mẹ rồi lại bỏ ra, cứ lặp đi lặp lại nhiều lần.

Thai giáo bằng ánh sáng từ tháng thứ 7 trở đi

9. Con quay đầu xuống dưới

Nhiều trẻ đã có thể quay đầu xuống dưới sớm nhất là vào tuần thứ 28 của thai kỳ, đối với những đứa trẻ khác thì tuần việc quay đầu ngược xuống dưới là vào tuần 37-38.

Từ tuần thai thứ 38 này trở đi, lượng nước ối trong tử cung của mẹ bầu sẽ bắt đầu giảm dần. Lúc này, mẹ có thể sẽ chào đón con yêu bất cứ lúc nào.

10. Con yêu chào đời

Từ tuần 36 của thai kỳ, em bé trong bụng mẹ bầu đã sẵn sàng và có thể được sinh ra bất kỳ lúc nào vì lúc này con yêu đã phát triển hoàn thiện về mọi mặt và đủ khả năng sống độc lập bên ngoài tử cung mẹ.

Các mẹ bầu cũng đừng nên quá lo lắng nếu hết tuần thai này mà con yêu mãi chưa chịu ra. Vì thống kê cho thấy chỉ có khoảng 4% trẻ sơ sinh được sinh ra vào đúng ngày sinh dự kiến, còn lại đa số trẻ sẽ được sinh ra sớm hơn hoặc muộn hơn thời gian này. Thậm chí trẻ sơ sinh được sinh ra từ tuần thai thứ 40 đến 42 vẫn được coi là đang trong tháng thai kỳ.

Trên đây là toàn bộ những mốc phát triển quan trọng nhất của con yêu trong thai kỳ. Mong rằng những thông tin hữu ích với các mẹ. Chúc các mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh, hạnh phúc.

————————————————