Thông thường, có nhiều người lại rơi vào một trong ba nhóm người sau:
Nhóm thứ nhất: gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền và thích áp đặt con cái.
Nhóm thứ hai: vô tâm, sao nhãng trong việc giáo dục con, gần như giao toàn bộ trách nhiệm đó cho vợ.
Nhóm thứ ba: nhóm này cũng có nhưng ít hơn, coi con như báu vật, trung tâm của vũ trụ nên luôn cung phụng và chiều chuộng theo mọi mong muốn của con.
Cha tôi cũng không ngoại lệ, ông thuộc nhóm người hơi vô tâm. Tính ông xuề xòa, hướng ngoại nên gần như giao mọi trọng trách giáo dục con cái cho mẹ tôi. Từ bé tôi đã quen với điều đó nên cũng không ngạc nhiên lắm. Chỉ đến khi lớn lên tôi mới thấy mình đúng là cũng có chút thiệt thòi.
Có nhiều đứa trẻ luôn đứng về phía mẹ trong mọi trường hợp bất kể đúng sai, đôi khi chúng còn thể hiện thái độ không ưa bố ra mặt, càng lớn chúng càng phớt lờ hoặc vùng vằng trước ý kiến của bố.
Đáng ngạc nhiên là mẹ bọn trẻ lại có vẻ tự hào về điều bất hợp lý đó. Đơn giản vì họ là người đảm nhận gần như tất cả mọi việc trong gia đình như đối nội, đối ngoại, dọn dẹp, cơm nước, con cái, nhà cửa… trong khi vẫn phải chu toàn việc cơ quan.
Bố bọn trẻ hiếm khi về nhà trước 9 giờ tối với đủ các lý do như bận việc, họp hành, giao lưu, bia bọt, thể thao… Buổi tối, ngôi nhà gần như thiếu hơi ấm của người cha.
Khi các bà vợ lên tiếng phàn nàn thì các ông chồng luôn viện đủ lý do và họ tự ngụy biện rằng họ là trụ cột của gia đình nên còn mải mê, bận rộn với những việc phụ nữ không sao hiểu nổi.
Jean Jacques Rousseau, triết gia vĩ đại đã nói rằng: “Các bà mẹ sai khi họ nuông chiều con, nhưng có lẽ ít sai hơn các vị cha là người làm hư hỏng con.
Người mẹ muốn con mình hạnh phúc và muốn nó được hạnh phúc ngay từ bây giờ. Trong việc này họ đúng, nếu họ nhầm lẫn về cách thức cần phải chỉ bảo cho họ.
Sự tham vọng, chuyên chế, lo xa giả tạo, sự hờ hững, sao nhãng, vô cảm của người cha còn có hại cho trẻ gấp trăm lần tình yêu thương mù quáng của các bà mẹ.” (Trích: Émile hay là về giáo dục).
Vượt qua thời gian 250 năm, từng dòng trong tác phẩm bất hủ của ông vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Ông nhấn mạnh vai trò của người cha trong gia đình cũng như sự giáo dục đầu tiên và quan trọng nhất với trẻ đều bắt nguồn từ gia đình.
Đừng để con bạn lớn lên mà thiếu vắng sự quan tâm của người cha
Tôi có quen một chú thống đốc ngân hàng, chú ấy là người bận rộn và cực kỳ thành công trong sự nghiệp. Gia đình chú gần như là một hình mẫu gia đình hoàn hảo không thiếu thứ gì chỉ trừ sự ngoan ngoãn của đứa con.
Trong lĩnh vực ngân hàng của mình chú thành công bao nhiêu thì trong sự nghiệp làm cha chú thất bại bấy nhiêu. Vì quá bận rộn với công việc, chú vô tình sao nhãng vai trò làm cha, có khi cả ngày con trai chú không gặp cha được quá 15 phút.
Con trai chú là một đứa “phá gia chí tử” điển hình: chơi bời, cờ bạc, nghiện ngập đủ cả, không thú vui nào là không biết và phải ra hầu tòa vào ngày sinh nhật thứ 20. Chú tức giận đến nỗi tuyên bố sau này không để lại cho con một xu nào.
Một thời gian sau, thấy con có vẻ hồi tâm chuyển ý, chú đổi ý bảo sau này sẽ giao lại gia sản cho con quản lý mong con làm lại cuộc đời và thu hẹp khoảng cách cha con.
Chú ấy có phải là người cha tồi không khi sự vô tâm của chú gây ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời con mình. Thật ra, câu hỏi này tôi không dám trả lời vì thực tế còn bao nhiêu yếu tố dẫn đến sự hư hỏng của một đứa trẻ mà chỉ có những người trong cuộc mới biết rõ nhất nhưng có một điều tôi chắc chắn chú sẽ còn tiếp tục phải khổ tâm về con của mình.
Người ngoài nhìn vào thường nói rằng nguyên nhân là do bản thân đứa trẻ không tốt hoặc do người mẹ quá nuông chiều, bao bọc con bằng vật chất. Thế nhưng, sự thật thì không nhiều người nhìn ra rằng chúng bị thiếu thốn tình cảm.
Những đứa trẻ ấy sẽ mãi mãi không bao giờ biết được nguyên nhân sâu xa đó từ nhỏ, nó sẽ chỉ biết sống theo bản năng đến lúc cuộc đời trở lên tồi tệ, các mối quan hệ đổ vỡ; nó sẽ tìm cách đổ lỗi cho các thứ xung quanh.
Cho nên các ông bố đừng bao giờ ngụy biện rằng mình còn bận việc đại sự. Người xưa có câu: “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.” Thế nhưng, nếu bản thân một người đàn ông chưa lo tốt việc “tề gia” thì làm sao có thể làm được chuyện đại sự.
Việc kiếm tiền chẳng qua giống con ong hút mật, con kiến tha mồi về tổ mà thôi. Nếu bây giờ mình không dành nổi 15-20 phút một ngày cho con thì sau này khi về già cũng đừng trách con vô tâm, bất hiếu.
3 CÁCH ĐỂ KHÔNG BIẾN MÌNH THÀNH MỘT NGƯỜI CHA VÔ TÂM
Cho nên muốn sau này không phải hối hận, các ông bố hãy:
Thứ nhất: Dành thời gian trò chuyện với con
Việc này nghe có vẻ đơn giản nhưng thực sự không đơn giản chút nào. Vì bạn phải lắng nghe mà KHÔNG PHÁN XÉT. Bạn cần tuyệt đối không giáo điều, lý thuyết, áp đặt định kiến của bản thân và xã hội vào câu chuyện của con.
Không chỉ lắng nghe bằng tai mà phải nghe bằng TRÁI TIM, thể hiện bằng ngôn ngữ cơ thể như giao tiếp bằng mắt, hướng người về phía trước, gật gù đồng tình.
Bên cạnh đó là thêm vào các từ ngữ thể hiện sự quan tâm như “Ồ”, “À”, “Thế cơ à”, “Rồi sao nữa con”, … Ví dụ
+ Con (Học sinh lớp 10): Bố ơi, bạn con làm bạn gái nó có bầu rồi
– Bố: Thể hả con. Tội nghiệp hai đứa còn trẻ quá nên chưa biết cách phòng tránh. Thế các bạn có hướng giải quyết gì chưa con?
+ Con: Chưa bố ạ. Nó tâm sự với mỗi con. Không dám nói với gia đình vì sợ bị mắng.
– Bố: Con bảo các bạn về nói chuyện với gia đình dần đi. Mắng chửi chỉ là nhất thời thôi. Bao giờ bố mẹ cũng là người yêu thương con nhất, không ai bỏ rơi con mình lúc khó khăn này cả; còn phải nghĩ cho tương lai của hai đứa nữa. Con trai dám làm dám chịu có gì đâu mà phải sợ.
+ Con: Bố không thấy các bạn ấy hư hỏng ạ?
– Bố: Nó là chuyện sinh lý bình thường mà có gì đâu mà hư hỏng. Các con cũng lớn cả rồi. Một phần lỗi cũng là của bố mẹ chưa quan tâm đúng mức đến các con để các con thiếu hiểu biết, thiếu sự chuẩn bị nên mới thế. Ơ! Mà con đang kể chuyện của bạn con hay của con đấy?
+ Con: Bạn con ạ. – Bố: (Thở phào) Bố có mấy quyển sách về giáo dục giới tính lát bố đưa cho con xem. Có gì khó hiểu cứ nói với bố bố sẽ giải thích rõ cho, đừng ngại.
+ Con: Vâng ạ.
Bạn xem, ông bố vừa rồi không những lắng nghe không phán xét còn hỏi han quan tâm thực sự đến câu chuyện của con và đưa ra hướng giải pháp hợp tình hợp lý nữa. Với một cuộc trò chuyện cởi mở như vậy thì hiển nhiên là sau này sẽ chẳng có chuyện gì mà con bạn không thể chia sẻ với bố của mình.
Thứ hai, dành thời gian chơi đùa với con
Ngày bé tôi rất thích được bố đón ở lớp về, chở đưa đi dạo phố một vòng rồi ăn kem nhưng chưa bao giờ tôi nói với bố điều đó vì cảm thấy rất khó mở lời. Bên cạnh đó, nhà tôi cũng ở gần trường nên toàn tự đi về. Thi thoảng, buổi chiều nhìn bạn bè được bố đưa đón trong lòng tôi thầm có chút ghen tị.
Tôi còn nhớ trong một bài diễn thuyết của TED về sự cân bằng trong công việc và cuộc sống. Nigel Marsh kể về một câu chuyện, một ngày vợ anh giao cho anh việc đón con trong khi còn bận rộn chăm sóc 3 đứa trẻ ở nhà.
Anh đi đón con sớm một tiếng, bước dọc theo công viên, xích đu và mấy đám đồ chơi ngớ ngẩn rồi cùng con đi lên đồi tới quán cà phê ăn pizza và uống trà. Tối anh tắm cho con, mặc cho nó bộ pajamas người dơi cho con lên giường đọc truyện trước khi đi ngủ, sau đó kéo chăn đắp cho con, hôn lên trán chúc con ngủ ngon rồi bước ra khỏi phòng.
Các bạn có biết con anh ấy đã nói gì với anh ấy không? “Bố ơi, hôm nay là ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời con!”
Các bạn có tưởng tượng được không, một ngày với toàn những điều nhỏ nhặt lại là ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời của đứa trẻ từ khi nó sinh ra. Không cần đồ chơi đắt tiền, không cần những kế hoạch to lớn chỉ cần được ở cạnh bố, hai bố con cùng chơi những trò trẻ con đơn giản lại là ngày hạnh phúc và vô cùng đáng nhớ với bọn trẻ. Hơn nữa, những khoảnh khắc đó sẽ khắc sâu vào tiềm thức của đứa trẻ, tạo ra những ký ức đẹp trong thời thơ ấu.
Thứ ba, điều tốt nhất một người cha có thể làm cho đứa con của mình là thực sự yêu thương mẹ của chúng!
Nếu người chồng thực sự yêu thương vợ của mình, họ sẽ miễn nhiễm với những thú vui tầm thường bên ngoài. Họ sẽ dành thời gian để cùng gánh vác công việc với vợ mình để cô ấy đỡ vất vả. Khi người phụ nữ trở về đúng nghĩa người vợ thì người đàn ông cũng trở về đúng nghĩa người chồng.
Còn gì tuyệt vời hơn khi đứa trẻ được sống trong một mái ấm gia đình có sự yêu thương và chia sẻ của cả cha lẫn mẹ. “Khi đó sự quấy rầy của trẻ con mà ta tưởng là phiền nhiễu lại trở lên dễ chịu. Khi gia đình trở lên sống động và linh hoạt thì những sự chăm sóc gia đình hay công việc bận bịu và thân thương nhất của người vợ và là thú vui êm đềm của người chồng.” (Émile hay là về giáo dục).
Trẻ con chỉ có một lần trưởng thành, nếu cha mẹ giáo dục sai cách sẽ khiến con không có cơ hội làm lại. Học cách để không trở thành một người cha vô tâm chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng cũng chẳng hề khó.
Khoảng thời gian ngắn ngủi ngắm nhìn con bạn trưởng thành sẽ trôi qua trong nháy mắt. Khi bạn dành thời gian cho con, chơi đùa trò chuyện với con bạn sẽ thấy ánh mắt lấp lánh niềm vui khôn tả của đứa trẻ.
Cho nên các ông bố xin đừng vô tâm, hãy luôn đồng hành cùng mỗi bước đi của con mình để sau này khi nhìn lại bạn sẽ thấy rằng mình đã không bỏ lỡ khoảng thời gian tươi đẹp và hạnh phúc nhất của cuộc đời mình!
————————————————