Tại sao trong những khoảnh khắc con gặp nguy cấp thì bố mẹ luôn có một sức mạnh “siêu nhiên” nào đó?
Tại sao chúng ta không kiềm chế nổi mỗi khi con khóc?
Tại sao con hành động vô lý khi tức giận?
Tại sao bố mẹ lại dễ nổi nóng khi con làm sai?
Tất cả những điều này đều được lý giải thông qua khoa học của não bộ. Và bố mẹ, chúng ta không cần là những nhà khoa học để hiểu được những điều này, chỉ với những kiến thức cơ bản sau đây thì bố mẹ đã có thể lý giải rất nhiều hành động của con và cả chính mình rồi đấy.
1.Hạch hạnh nhân (Amygdala)
Đây là phần cốt lõi nhất tạo nên cảm xúc của chúng ta trước những tác động từ yếu tố bên ngoài và được xem như một chiếc đồng hồ báo thức của não bộ.
Công việc chính của nó là phát hiện ra những mối đe dọa từ đó giúp chúng ta kịp thời phản ứng trong những trường hợp khẩn cấp. Phần não này sẽ được kích hoạt khi chúng ta trải qua cảm giác giận dữ, áp lực hay lo lắng.
Ưu điểm: Hạch hạnh nhân có thể báo động cho bạn kịp thời trong những tình huống nguy cấp.
Chẳng hạn như khi em bé của bạn đang chập chững băng qua đường, hạch hạnh nhân sẽ ngay lập tức tiết ra một lượng adrenaline (chất kích thích) giúp bạn lao nhanh đến giữ con lại.
Nhược điểm: Tuy nhiên không phải lúc nào hạch hạnh nhân cũng có thể phân biết rõ giữa tình huống nguy cấp và không nguy cấp.
Đối với những bố mẹ có ký ức đau buồn, bị stress,… hạch hạnh nhân có khả năng phản ứng thái quá. Ví dụ như xem một việc rất bình thường (như con không chịu đánh răng) là một chuyện rất nghiêm trọng, từ đó gián tiếp tạo áp lực không cần thiết lên con trẻ.
2.Vỏ não trước (Pre Frontal Cortex)

Đây chính là bộ phận phát triển cuối cùng của não bộ. Nó chỉ thực sự hoàn thiện khi chúng ta khoảng 25 tuổi. Ở đây là nơi diễn ra những hoạt động liên quan đến nhận thức như suy nghĩ, lên kế hoạch, đưa ra quyết định,… Qua thời gian, vỏ não trước có thể thông thạo với tất cả mọi thứ mà không cần đến “chuông báo động” (hạch hạnh nhân) nữa.
Ưu điểm: Tiến trình phát triển của vỏ não trước có thể chậm và không thống nhất, tuy nhiên khi con lớn hơn, nó sẽ hỗ trợ con trong việc đưa ra quyết định tốt, chọn con đường đúng đắn và giải quyết những tình huống khó khăn.
Nhược điểm: Khi hạch hạnh nhân “ngửi mùi” được một mối đe dọa thì ưu tiên hàng đầu được đặt ra là sự sống còn. Lúc ấy não bộ sẽ tự động đóng vỏ não trước lại.
Điều này có nghĩa là trong những giây phút kịch tính nhất, cảm xúc dâng trào nhất thì trẻ em khó có thể suy nghĩ, xử lý thông tin và đưa ra quyết định đúng đắn. Vậy nên điều bố mẹ cần làm là luôn bình tĩnh, tắt chuông báo thức đó đi và bật chức năng của vỏ não trước lên trước khi dạy con bất kỳ điều gì nhé.
3.Hệ thần kinh tự chủ (Autonomic Nervous System)
Não bộ có khả năng gửi nhiều tín hiệu đến cơ thể chỉ trong tích tắc. Trong những lúc nguy hiểm, não sẽ kích hoạt Hệ thần kinh giao cảm (Sympathetic Nervous System) hay còn gọi là phản ứng “chiến hoặc chạy” – xông vào khó khăn hoặc né tránh.
Nó khiến nhịp tim của bạn dồn dập, đồng tử dãn ra và ngăn hệ tiêu hóa hoạt động. Và khi mối đe dọa qua đi cũng chính là lúc Hệ thần kinh đối giao cảm (Parasympathetic Nervous System) hoạt động, cho phép cơ thể chúng ta trở về nghỉ ngơi, tiêu hóa và hít thở như bình thường.
Ưu điểm: Đây là tổ hợp các hệ thống được thiết lập để hoạt động cùng nhau từ lúc chúng ta cảm thấy áp lực cho đến khi thư giãn.
Tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng rơi vào trạng thái căng thẳng (phản ứng “chiến hoặc “chạy”), vậy nên khi bố mẹ hoặc con học cách nhận biết những dấu hiệu này, chúng ta hiểu rằng mình luôn có thể tìm cách trở về trạng thái bình tĩnh.
Nhược điểm: Rất nhiều hành động của chúng ta đến từ việc bộ não phản ứng với “chuông báo thức” của hạch hạnh nhân.
Và khi đó, cơ thể chúng ta luôn sẵn sàng cho việc “chiến hoặc chạy” để giành lấy sự sống còn nên rất có khả năng dẫn đến những hành động quá khích như đánh đập, la hét, cắn, cào cấu,… hoặc những hành vi trốn chạy, đổ lỗi,…
Bên cạnh đó, vì hệ thần kinh tự chủ ảnh hưởng rất nhiều đến cơ thể nên khi đau đầu, đau bụng, chóng mặt, nhịp tim tăng,… chúng ta rất dễ nhầm lẫn đó là dấu hiệu của stress hay vấn đề sức khỏe thực sự.
4.Cơ chế thần kinh mềm dẻo (Neuroplasticity)
Cơ chế này giải nghĩa cho việc bộ não có thể học rất nhiều điều mới thông qua luyện tập. Những việc bạn làm lặp đi lặp lại sẽ tạo ra những lối đi trong não bộ. Dần dần, bộ não không cần phải bỏ ra quá nhiều năng lượng để hoàn thành một nhiệm vụ nào đó nữa bởi những con đường ấy đã dần mòn rồi.
Ưu điểm: Bố mẹ có khả năng định hình não trẻ!
Chẳng hạn như khi bạn liên tục tập cho con cách phản ứng bình tĩnh, tự tin trước những cơn bão cảm xúc như tức giận, sợ hãi, tuyệt vọng,…, não bộ con sẽ hình thành một lối đi với ý nghĩa rằng “Những cơn bão cảm xúc này không phải là mối đe dọa ghê gớm, mình có thể bình tĩnh trở lại.”
Bố mẹ cũng có thể thay đổi lối đi trong não của chính mình và tạo ra những thói quen lành mạnh.
Nhược điểm: Điều này cũng có nghĩa là những thói quen tiêu cực cũng rất dễ gắn chặt vào não bộ, rất khó (nhưng không phải là không thể) để thoát ra, thay đổi suy nghĩ và hành vi.
Cũng giống như “Có công mài sắt có ngày nên kim”, chúng ta cần thời gian để não bộ thay đổi và hình thành những lối đi mới.
5.Nơ-ron phản chiếu (Mirror Neurons)
Những nơ-ron thần kinh này được kết nối với nhau nhằm bắt chước cảm xúc hay hành vi mà ta quan sát được. Chẳng hạn như khi con bạn đang cười thì bạn cũng có thể cười theo hay khi con cáu kỉnh, nhăn nhó thì chúng ta cũng sẽ cảm thấy khó chịu.
Ưu điểm: Nơ-ron phản chiếu có thể giúp ta học cách thấu cảm với trẻ dễ dàng hơn. Đặc biệt, khi chúng ta phản ứng trước những vấn đề với một thái độ bình tĩnh (thể hiện qua nét mặt, cử chỉ hay từ ngữ) thì trẻ cũng có cơ hội học tập theo.
Nhược điểm: Đây chính là lý do tại sao chúng ta luôn thấy khó khăn trong việc giữ bình tĩnh khi con khó chịu. Và cho dù chúng ta có cố tỏ ra mình “ổn”, “không giận tí nào” thì nét mặt cũng chẳng thể nào giấu nổi sự thật.
Vậy nên hãy cố truy tìm nguyên nhân tạ nên cảm xúc ấy, tắt “đồng hồ báo thức” đi, làm cho hệ thần kinh dịu lại để những cảm xúc của bạn không bị phản chiếu từ cảm xúc tiêu cực của con.
Tài liệu nghiên cứu:
Ref. List:
The Yes Brain: How to Cultivate Courage, Curiosity, and Resilience in Your Child Book
https://www.cyh.com/HealthTopics/
https://kidshealth.org/en/kids/brain.html
Imperfectfamilies.com
SINH TRẮC HỌC DẤU VÂN TAY HUMANO
Website: Humano.vn
Hotline: 19009421
Email: [email protected]
Tham khảo chuyên môn tại: Lindanga.com