Dạy trẻ kỹ năng giao tiếp xã hội là nền tảng giúp trẻ có cách ứng xử hòa nhã và hình thành thói quen tốt ngay khi bước vào cấp 1. Điều này còn có ảnh hưởng trực tiếp tới cả quãng đường sau này của trẻ.
Trong giai đoạn Tiểu học, trẻ sẽ bắt đầu làm quen với môi trường học tập mới và bạn bè mới. Vì vậy, việc trang bị đầy đủ các kỹ năng giao tiếp xã hội sẽ giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, trở nên tự tin hơn trong giao tiếp và được nhiều bạn bè, thầy cô yêu mến. Do đó, việc dạy trẻ các kỹ năng giao tiếp càng sớm càng tốt để giúp trẻ trở thành người khéo ăn nói và ứng xử.
Hôm nay, chúng ta sẽ cùng mách các mẹ 8 mẹo dạy trẻ kỹ năng giao tiếp xã hội cơ bản nhất để giúp trẻ trở nên tự tin và được mọi người yêu quý.
1. Không xem nhẹ việc trẻ cãi nhau
Với trường hợp này, không nên ngay lập tức lên án con, đánh con cho chừa. Bạn nên lắng nghe để hiểu suy nghĩ của con, đồng cảm với cảm giác nóng giận của con. Nhưng tránh việc vì bênh con mà phỉ báng trẻ khác. Nếu bạn cho rằng con mình bị đối xử bất công, mẹ hãy thử hỏi con về cảm xúc của bé kia, vì sao bạn giận con đến mức xảy ra đánh nhau.
Trẻ Tiểu học suy nghĩ đơn giản, chưa thể nhìn vấn đề nhiều chiều. Cách gợi ý và phân tích lý lẽ của mẹ sẽ giúp con, dần dà xây dựng cho con suy nghĩ tích cực và thấu hiểu người khác.
Khi hỏi nên khéo léo, đừng để con có cảm giác bạn đang đổ lỗi do con gây ra. Ví dụ: “Mẹ không biết vì sao Lan giận và xé vở của con, dẫn đến việc hai đứa đánh nhau. Nhưng mẹ nghĩ có thể Lan giận vì con và Hoa bo bo xì bạn”.
2. Lắng nghe trẻ kể về những rắc rối
Nếu là người mẹ quan tâm và lắng nghe, bạn sẽ được con kể rất nhiều về những rắc rối con gặp trong lớp: Bạn “bo xì” con rồi; Bạn A nắm tóc con; Con cố lắm rồi nhưng bạn B điểm cao hơn, con không thích chơi với bạn đó…. Rất rất nhiều vấn đề! Nếu bạn bày cho con nên làm cách gì, bạn đang ngụ ý con không đủ năng lực. Dần dần, con sẽ phụ thuộc vào mẹ với các vấn đề cuộc sống.
Thay vào đó, nên hỏi con xem có vấn đề gì làm bạn giận và muốn nghỉ chơi. Nếu vấn đề ở con, bạn giận vì con không chia đồ chơi, hoặc chỉ muốn bạn chơi với mình, con nên xem lại để xin lỗi bạn. Nếu vấn đề ở bạn, con đừng giận dữ hay tẩy chay, cứ vui vẻ chơi với bạn khác hòa nhã. Sẽ đến lúc bạn nghĩ lại và muốn giảng hòa.
Cách tốt nhất ở đây là giúp con xác định cảm xúc của trẻ, từ đó gợi ý để trẻ tự giải quyết vấn đề của mình. Ví dụ như việc con bị bạn nghỉ chơi, đừng cùng con “lên án” bạn và đặt suy nghĩ “Bạn nghỉ chơi mình hả? Đồ tồi, mình đi kiếm bạn khác đây!”.
3. Dạy trẻ khả năng tự điều chỉnh
Mọi đứa trẻ đều cần kỹ năng tự điều chỉnh. Bằng cách cùng bạn thương lượng, đặt ra luật chơi, con sẽ chủ động kiểm soát tình hình hơn. Ví dụ con muốn thi vật tay với bạn nhưng sợ đau. Con có thể cùng bạn đặt ra luật chơi, rằng nếu một trong hai bên bảo dừng nghĩa là chấp nhận thua và không tiếp tục vật nữa.
4. Biểu đạt nhu cầu thay vì cảm xúc tiêu cực
Trẻ trong độ tuổi Tiểu học chưa học được cách biểu đạt cho người khác hiểu nhu cầu của mình. Việc này là thử thách không nhỏ cho cha mẹ. Con yêu cần được hướng dẫn và thực hành nhiều lần. Nếu con hét vào bạn: “Cậu thật khó ưa!”, bạn nên nhỏ nhẹ “Mẹ biết con đang rất giận. Nhưng nếu mẹ là A mẹ sẽ bực mình, mà chẳng hiểu vì sao bị bạn nói như vậy. Con nên nói cho bạn biết con muốn gì, thay vì to tiếng và nói những gì con nghĩ về bạn”.
Trong gia đình cũng vậy, khi con bảo “Mẹ thật quá đáng!”, bạn nên hướng cho con nói ra những việc làm con không hài lòng. Chẳng hạn mẹ hứa cho đi chơi mà giờ lại bảo bận, con muốn uống Coca Cola mà mẹ không cho,… Khi nói ra những điều con muốn được thực hiện, người khác mới biết con cần gì, có thể thương lượng để cả hai vừa lòng về nhau.
5. Dạy trẻ kỹ năng thương lượng
Nếu bạn học muốn áp đặt con chơi theo, con có thể thương lượng “Tụi mình chơi búp bê từ sáng tới giờ rồi. Giờ mình thấy bớt vui, mình muốn chơi nhảy dây. Bạn muốn chơi trò gì, tụi mình đổi trò khác đi nha!”.
Trẻ vừa vào Tiểu học cư xử còn theo bản năng, rất ngây ngô. Con muốn được tự mình khẳng định cái Tôi, nhưng vẫn muốn bạn bè chơi theo cách của mình. Học cách đàm phán, thương lượng để hòa hợp với bạn học là kỹ năng quan trọng ở tuổi này. Mẹ có thể giúp con bằng cách đặt câu hỏi, hướng dẫn con giải quyết vấn đề.
6. Không nên phủ nhận cảm nhận của trẻ về bạn bè
Trẻ con có lý lẽ riêng, và con sẽ nghĩ mình đúng, không muốn người lớn can thiệp vào. Con đang cãi nhau với bạn và muốn gạch tên bạn khỏi danh sách mời dự sinh nhật. Bạn thấy bé thật trẻ con và vô lý, bạn tự cho mình hành xử người lớn hơn bằng cách bảo con: “Mẹ không nghĩ bạn làm gì sai cả, con không thể không mời bạn”. Con yêu của bạn sẽ thấy… sụp đổ, vì rõ ràng con đang tổn thương.
Thay vì vậy, mẹ giúp con cảm thấy trẻ được thấu hiểu: “Mẹ nghe kể rằng bạn A nói xấu con trước mặt nhóm bạn, làm con khó mà tha thứ cho bạn được. Mẹ hiểu vì sao con không muốn mời A đến dự sinh nhật…”. Với cách nói này, con cảm thấy được an ủi và tự vượt qua sự tổn thương. Quyết định sau đó cũng nên dành phần con, mẹ đừng can thiệp mọi chuyện. Con sẽ học cách đối diện với rắc rối riêng và tự hồi phục.
7. Hãy giúp trẻ hòa nhập nhóm
Nếu con khó nói chuyện với người khác, khó biểu đạt nhu cầu và cảm xúc với bạn bè, mẹ có thể dùng thú nhồi bông, cho trẻ tưởng tượng đó là bạn mình. Mẹ sẽ thay bạn đáp lời con. Cách nói chuyện tưởng tượng vui nhộn đó giúp con bớt căng thẳng, biết cách ứng xử tốt hơn.
Mỗi đứa trẻ có cá tính khác biệt nhau, và thường bộc lộ khi cùng chơi đùa. Có những bé khó hòa nhập với bạn bè, chưa biết cách học các kỹ năng giao tiếp ứng xử. Vài trẻ khác chỉ muốn chỉ huy, không thích làm theo ý kiến của bạn bè. Cha mẹ nên quan sát khi trẻ chơi, xác định những điểm được – chưa được của con để có hướng giúp trẻ.
8. Giúp trẻ nghĩ ra nhiều giải pháp
Trẻ con rất bộc trực. Thông thường, trẻ nghĩ gì làm nấy, không suy nghĩ sâu xa. Mẹ có thể giúp con nghĩ theo nhiều giải pháp khác nhau, gợi ý cho con làm. Con có lúc sẽ bảo “Con hết giận bạn Sang rồi, con sẽ qua nói chuyện lại với bạn”. Nhưng con chưa biết bạn có hết giận con không, nếu bắt chuyện lại bạn có dễ dàng tha lỗi hay không.
Lúc này, con cần những gợi ý khéo léo của bạn. Thay vì con đến chỗ bạn và nói “Mình hết giận rồi. Mình chơi lại nha”, mẹ có thể gợi ý cho con tặng bạn vài viên kẹo, hỏi thăm xem bạn có xem bộ truyên Doreamon mới chưa. Cùng nói về nhân vật yêu thích, sở thích chung giúp trẻ làm hòa nhau nhanh chóng.
Hy vọng với những mẹo dạy trẻ kỹ năng giao tiếp xã hội mà chúng tôi vừa chia sẻ trên sẽ giúp trẻ trở thành một học sinh ngoan ngoãn, tự tin và được tất cả thầy cô, bạn bè yêu mến. Tuy nhiên, kỹ năng giao tiếp cần phải được học tập lâu dài mới hình thành được thói quen và nhân cách của trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên dạy trẻ càng sớm càng tốt và có những cách dạy phù hợp, hiệu quả. Đừng quên đồng hành với lindanga.com để có thêm thật nhiều kiến thức hữu ích khác nữa nhé.
————————————————