Có ai đó nói với tôi rằng, khi bạn tự tin bạn đã dành hơn 50% chiến thắng. Ở hầu hết mọi tình huống, tự tin là điều tốt. Người tự tin hay gặp thành công hơn trong nhiều lĩnh vực.
Mọi người đều cảm nhận rõ ràng rằng sự tự tin và lòng tự trọng cho phép con người ta bước ra ngoài thế giới và đạt được mục tiêu của mình. Trong cuốn “Tự tin vào năng lực của bản thân: Tập cách kiểm soát”, nhà tâm lý học Albert Bandura giải thích rằng chính sự tự tin, hơn hết thảy những tính cách khác, góp phần vào kết quả tích cực trong quá trình đạt đến mục tiêu.
Nhưng bạn có đang quá tự tin? Phải chăng bạn đang thấy mình “quá chuẩn”?
Trong hầu hết mọi trường hợp, biết rõ thế mạnh của mình, có sự kiên định vững chắc và liều lĩnh chính là những phẩm chất đáng ngưỡng mộ. Nhưng khi sự tự tin vượt quá giới hạn khiến bạn thiếu linh hoạt, khiến bạn kháng cự trải nghiệm những điều mới mẻ, khiến bạn không thể lắng nghe người khác, thì nó lại thành một bất lợi cho bạn trên con đường chinh phục thành công và hạnh phúc.
Ảnh hưởng từ việc quá tự tin vào bản thân.
Quá tự tin vào bản thân có thể gây ra nhiều vấn đề trong cuộc sống cá nhân, xã hội và công việc.
– Bỏ lỡ nhiều cơ hội, như không đảm nhận dự án nào đó vì nó quá dễ hoặc dưới “cơ” bạn.
– Ôm đồm quá nhiều, như chấp nhận mọi đề xuất, kể cả cái bạn chẳng có đủ kỹ năng để hoàn thành.
– Hệ quả xã hội, như bị bạn bè cô lập vì cho rằng bạn kiêu căng ngạo mạn.
– Hệ quả công việc, như kiểu bạn bị quá tự cao tự đại mà không có lấy kỹ năng cần thiết.
– Hệ quả trong các mối quan hệ yêu đương, đây có lẽ là kết quả của việc quá quan tâm đến những khả năng và những điều mình làm được, đồng thời thiếu để tâm đến những điều đó ở đối phương.
Trong một bài tổng hợp những nghiên cứu trước đây về lòng tự trọng, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng lòng tự trọng cao có thể đôi lúc đưa đến hệ quả không mong muốn.
Đứa trẻ nào có lòng tự trọng càng cao thì lại càng dễ có các hành vi liều lĩnh. Người nào có lòng tự trọng cao thì các mối quan hệ của họ thường không mấy tốt đẹp vì họ hay đổ lỗi cho đối phương khi có bất kỳ vấn đề gì xảy ra với mối quan hệ của họ. Lòng tự trọng cao cũng có mối liên hệ với tần suất diễn ra cao của các hành vi bạo lực và hung hăng.
Nói như vậy không có nghĩa là lòng tự trọng và sự tự tin là những điều tệ hại. Trong một vài trường hợp, thậm chí là hơi quá tự tin cũng thực sự đưa đến thành công.
Người có lòng tự trọng cao đôi lúc có thể tự “chế” ra cách để xử lý tình huống, thuyết phục mọi người rằng họ thực sự có những năng lực ẩn đằng sau các tự cảm nhận bị thổi phồng này.
Trong một số trường hợp khác, sự tự tin quá mức có thể bị mọi người quy thành lừa dối, thậm chí là chứng ái kỷ (yêu mình quá mức), đây là dạng tính cách có thể khiến một người nhân viên không được những người tuyển dụng hiện tại và tương lai coi trọng.
Quá tự tin về năng lực của mình là điều xảy đến với tất cả chúng ta, không ít thì nhiều. Bạn có thể đánh giá quá cao năng lực hoàn thành một công việc nào đó của bản thân theo thời hạn, kiểu như hạn đến rồi mà bạn vẫn chưa xong.
Thông tin tốt ở đây là sự tự tin quá mức này thường được bản thân chủ thể tự điều chỉnh. Chỉ sau một vài lần nộp đề án trễ hay công việc kém chất chất lượng là đã đủ để bạn nhìn nhận một cách nghiêm túc về kỹ năng quản lý thời gian của mình. Lần tới khi sắp đến hạn hoàn thành công việc gì đó, khả năng cao là bạn sẽ cố gắng sắp xếp thời gian thông minh hơn và có cái nhìn thực tế hơn về khoảng thời gian bạn cần để hoàn thành công việc.
Chỉ khi nào sự tự tin quá mức này hóa thành thói quen thì những hệ quả nghiệm trọng và kéo dài mới xuất hiện.
Nguyên nhân gây ra sự tự tin quá mức?
Có nhiều yếu tố khác nhau có thể góp phần làm sự tự tin vượt quá mức. Quá trình nuôi dạy, văn hóa, tính cách, và những trải nghiệm trong quá khứ, hết thảy đều có thể đóng một vai trò nhất định ảnh hưởng lên cách ta cảm nhận về bản thân.
Chúng ta, về cơ bản, đều là trung tâm của vũ trụ của riêng mình, vậy nên chẳng có gì ngạc nhiên khi sự nhìn nhận, trải nghiệm, suy nghĩ, nhu cầu và mong muốn của chúng ta đều có xu hướng hiển hiện lù lù trong tâm trí ta.
Nhưng tại sao một số người lại hình thành cảm nhận thổi phồng quá mức về bản thân như vậy?
Nghiên cứu cho thấy có một số thiên kiến nhận thức có thể đóng vai trò góp phần hình thành những ý kiến và quan niệm quá mức tự tin. Những thiên kiến này khiến con người ta phiên giải các sự kiện và trải nghiệm phù hợp với thứ ta vốn đã tin, thái độ ta vốn đã có và ý kiến chúng ta vốn đã hình thành.
Kết quả là, mọi người thường có xu hướng tin vào cách nghĩ và cách hành xử của bản thân, cho rằng đó là tốt hơn và “đúng đắn” hơn người khác. Điều này có thể khiến con người ta không thể nhìn ra được những ý kiến có lợi, và thất bại luôn cả trong việc nhìn ra những hạn chế có thể có trong cách họ tiếp cận vấn đề. Ảo tưởng rằng bản thân không thể thất bại chính là cái góp phần gây ra tự tin quá mức.
Những góc nhìn về sự tự tin.
Vậy chúng ta xác định những cấp độ tự tin như thế nào cho phù hợp? Và những cấp độ đó có giống nhau cho tất cả mọi người và tất cả mọi tình huống không?
Tự tin không chỉ được kết cấu từ yếu tố tâm lý, mà nó còn bị ảnh hưởng lớn bởi văn hóa. Ví dụ, nền văn hóa cá nhân có xu hướng tưởng thưởng cho lòng tự tin hơn những nền văn hóa tập thể. Những mong đợi từ xã hội dành cho mức độ tự tin mà con người thuộc xã hội đó nên thể hiện tạo ra một ảnh hưởng mạnh mẽ lên cách ta nhìn nhận về sự tự tin cả ở chính chúng ta và ở người khác.
Ví dụ, trong suốt nửa đầu thế kỷ XX, tự tin đôi lúc bị coi là một sự phương hại, tùy vào bạn là ai. Xã hội mong đợi mọi người phục tùng những người nắm quyền hành, bao gồm cả những người lớn tuổi hơn hay người có địa vị xã hội cao hơn. Tự tin ở trẻ em và phụ nữ cực kỳ không được tán thành, vì trẻ em và phụ nữ thường bị quy định là phải nghe lời và cung kính.
Khi những làn sóng văn hóa xoay vần, những mong đợi từ xã hội về sư tự tin cũng thay đổi theo. Con người ta được tạo điều kiện và được động viên để sống độc lập hơn và lòng tự trọng đã trở thành một đặc trưng tính cách được khen ngợi. Cha mẹ muốn con trẻ phải tự tin, muốn chúng biết được điều chúng muốn, và muốn chúng có động lực đạt được mục tiêu của mình.
Những quy chuẩn xã hội ảnh hưởng lên cách nhìn nhận về sự tự tin.
Nhưng cách ta nhìn nhận về sự tự tin không phải lúc nào cũng giống nhau giữa cá nhân này và cá nhân khác. Ví dụ, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nhà lãnh đạo nữ nào hành xử hệt như nam giới sẽ dễ bị coi là hống hách, hành xử theo cảm tính hay hung hăng. Tiêu chuẩn “kép” này về sự tự tin khiến nữ giới gặp khó khăn hơn trong quá trình thăng tiến nơi làm việc và trong quá trình họ vươn đến những vị trí lãnh đạo. Những hành động cần có để thành công thì cũng là những thứ khiến phụ nữ thường bị trừng phạt nhất khi thể hiện ra.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chúng ta có xu hướng trừng phạt người khác khi họ hành xủ theo những cách bị xem là vi phạm những quy chuẩn xã hội. Quy chuẩn dạy rằng đàn ông phải tự tin và quyết đoán, còn phụ nữ thì phải ấm áp và bảo bọc. Hành xử khác với những quy chuẩn này có thể gây nhiều hệ lụy cho cả đàn ông và phụ nữ. Đàn ông thiếu quyết đoán thường bị coi là yếu đuối hoặc nhút nhát, còn phụ nữ quá quả quyết thì bị coi là hống hách.
Tự tin có thể đưa đến hệ quả như thế nào về mặt xã hội?
Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên tại Đại học Yale, đàn ông thể hiện sự tức giận thực sự có thể đẩy mạnh địa vị trong mắt người khác. Phụ nữ thể hiện sự tức giận tương tự, trái lại, bị xếp vào nhóm năng lực kém hơn và vì vậy chịu mức lương và cấp bậc thấp hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng sự tức giận của phụ nữ có xu hướng bị quy chụp cho những đặc tính bên trong con người họ (“Cô ta là người hay nóng giận”) trong khi đó, cơn giận của đàn ông thì lại bị đổ cho hoàn cảnh bênh ngoài. Điều thú vị là việc ta đưa ra một số cách giải thích dựa trên các yếu tố bên ngoài giải thích cho cơn giận đã xóa bỏ đi những thiên kiến về giới này.
Vậy nên trong nhiều trường hợp, có thể không phải là người ta quá tự tin. Mà là vì những quy chuẩn và khuôn mẫu định kiến về giới khiến con người ta, đặc biệt là phụ nữ, bị phán xét là quá tự tin khi họ thực sự chỉ đang thể hiện một mức độ quyết đoán bình thường mà thôi.
Tuy nhiên, một số cách thể hiện sự tự tin nhất định lại không đưa đến những nguy cơ về công việc và xã hội giống những những cách thể hiện khác. Nhà nghiên cứu Melissa Williams và Laisa Tiedens phát hiện ra rằng phụ nữ thể hiện ưu thế qua ngôn ngữ cơ thể và cử chỉ nét mặt, như đứng thẳng, nói to dõng dạc, sẽ không gặp phải những tổn thất tương tự như những gì người khác nhìn nhận về họ.
Mặc dù điều này rõ ràng không giải quyết được vấn đề định kiến giới, nhưng những nghiên cứu như vậy thực sự giúp chỉ ra cách giúp ta vẫn thể hiện được sự tự tin mà không bị gắn mác là “tự tin quá lố.”
Trẻ em ngày nay quá tự tin?
Một ví dụ khác về cách ta nhìn nhận về sự tự tin có thể bị ảnh hưởng bởi văn hóa đó là nhận xét của người lớn dành cho trẻ nhỏ. Những chỉ trích về giới trẻ, cho rằng trẻ em ngày nay cứ tham gia sự kiện “là có cúp”, “có chơi có thưởng”.
Nói cách khác, trẻ được tán dương khen thưởng đơn giản chỉ vì chúng tham gia vào hoạt động, chứ không phải vì nội dung thực sự mà chúng thể hiện. Những lời khen ngợi như vậy giúp xây dựng sự tự tin và lòng tự trọng nơi trẻ.
Nhiều người chỉ trích cho rằng cách làm này dẫn đến việc trẻ sẽ cảm thấy mình có quyền hay thậm chí là sinh ra sự sự tin không do năng lực của bản thân. Rồi trẻ lớn lên và vẫn tin rằng chỉ cần có mặt thôi là đủ để thành công, từ đây chúng khó mà chấp nhận được sự thật là thành công chẳng bao giờ đến dễ dàng.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu như Carol Dweck đã phát hiện ra rằng việc khen ngợi đóng một vai trò mấu chốt trong quá trình xây dựng cái gọi là tư duy cầu tiến. Tư duy là một niềm tin ẩn sâu về sự thông minh và quá trình học hỏi. Những người có tư duy bảo thủ có xu hướng tin rằng thông minh là đặc tính bẩm sinh. Tất cả những ai có tư duy cầu tiến tin rằng mình có thể trở nên thông minh hơn qua từng bước nỗ lực.
Những người có tư duy bảo thủ thường nhượng bộ khi đối mặt với thử thách vì họ tin rằng đơn giản là mình thiếu những đặc tính và kỹ năng bẩm sinh cần để thành công.
Những người có tư duy cầu tiên, ngược lại, có sự tự tin và họ hiểu rằng mình có thể vượt qua thử thách bằng quá trình học hỏi, thực hành và không ngừng nỗ lực.
Vậy đâu là cách tốt nhất để xây dựng sự tự tin và một tư duy cầu tiến? Dweck cho rằng những nỗ lực khen ngợi chính là chìa khóa, chứ không phải là kết quả. Khen ngợi giúp trẻ nhận ra những nỗ lực và hành động của bản thân sẽ quyết định kết quả, cái gì giúp trẻ gặt hái được sự tự tin trẻ cần để vững bước về phía trước dù cho có phải đối mặt với thách thức. Cũng không có nghĩa là cứ “hoang phí” lời khen ngay cả khi trẻ chẳng làm gì. Thay vào đó, khen ở đây là công nhận nỗ lực của trẻ chứ không phải chỉ tập trung vào kết quả.
Vậy tại sao những người lớn lại nghĩ thanh thiếu niên bây giờ quá tự tin? Trẻ em ngày nay liệu có quá tự tin vào năng lực của mình?
Quan niệm này xuất hiện có thể là vì những thay đổi trong mong đợi và quy chuẩn văn hóa. Những thế hệ trước được dạy là nên yên lặng, vâng lời, và đừng “chõ” vào việc người khác. “Có mặt thôi chứ đừng có lên tiếng” sẽ là một mô tả lý tưởng khi nói về trẻ con. Văn hóa cũng chuyển dịch, và hiểu biết của chúng ta về sự phát triển và nhu cầu của trẻ cũng thay đổi theo. Vậy nên có lẽ không phải vì trẻ ngày nay quá tự tin – chúng có lẽ chỉ đang thể hiện bản thân ở một mức độ mà vào cái thời là trẻ con, những người lớn bấy giờ không dám tận hưởng.
Tạo dựng sự tự tin đúng nghĩa.
Có thể bạn đang quá tự tin vào bản thân? Đối với nhiều người, câu trả lời có lẽ là không. Trong thực tế, mọi người thường gặp phải vấn đề ngược lại – quá ít tự tin. Vậy nên nếu bạn có niềm tin vững chắc về bản thân và sự quyết đoán để theo đuổi thứ bạn muốn trong đời thì quá tốt! Nếu bạn cảm nhận bản thân là người quan tâm và gắn kết với đời sống của mọi người thì mức độ tự tin của bạn đang ở mức hợp lý rồi đấy.
Nếu bạn chỉ tập trung vào bản thân mình và chừa chỗ quá ít cho người khác thì đây hẳn là một vấn đề. Chẳng có gì sai với việc thể hiện sự tự tin, nhưng nếu sự tự tin này được thể hiện tiêu cực theo hướng ái kỷ hay thổi phồng đến mức làm hủy hoại những mối quan hệ của bạn thì mức độ tự tin trong bạn đang ở mức “quá lố”, hoặc rằng bạn đang thể hiện sự tự tin này theo một cách không tốt cho sức khỏe và những mối quan hệ của bạn.
Khi giúp trẻ hình thành mức độ tự tin và tự trọng hợp lý thì khen ngợi những nỗ lực của trẻ chỉ là một phần của tranh ghép hình. Tự tin cũng đến từ việc nhận được tình yêu thương và hỗ trợ từ những người chăm sóc mà trẻ tin tưởng, cũng như những chỉ dẫn dạy dỗ vững chắc giúp cân bằng phần thưởng trẻ nhận ở ranh giới thích hợp. Khi đó, trẻ có thể khám phá thế giới, phát hiện ra những thế mạnh và hạn chế của bản thân, và phát triển khả năng tự điều chỉnh mình.
Vấn đề khi con người quá tự tin là nó thường thổi phồng cách nhìn nhận về bản thân một cách khá rỗng tuếch. Những người nghĩ mình là nhất, thông minh nhất hay giỏi giang nhất, rốt cuộc có khi sẽ là người tệ nhất, ít hiểu biết nhất, và kém năng lực nhất. Trừ khi những người này bị bao quanh bởi những người cũng chẳng nhìn ra được những sai sót này, còn không Hiệu ứng Dunning-Kruger sẽ xuất hiện.
Trong một số trường hợp khác, tự tin quá mức còn là việc ta bỏ qua những nhu cầu của người khác để chỉ chú tâm vào nhu cầu của chính mình. Điều này sẽ dẫn đến những vấn đề lớn trong tất cả các mối quan hệ, bao gồm tình cảm yêu đương, bạn bè, gia đình. Rốt cuộc thì ai sẽ muốn dành thời gian với người mà lúc nào cũng nghĩ mình tốt hơn người khác và người chỉ nghĩ đến bản thân mình?
Vậy ta có thể làm gì để đảm bảo rằng sự tự tin của mình vừa thực tế, đúng nghĩa và được mọi người chấp thuận?
– Tập trung vào nỗ lực, không phải vào kết quả. Dù là bạn đang đánh giá thành công của mình hay khen ngợi con trẻ, hãy cố đặt trọng tâm vào những công việc đưa đến kết quả, thay vì vì tập trung vào kết quả. Bạn không thể lúc nào cũng kiểm soát được mọi chuyện diễn ra như thế nào, nhưng cái bạn có thể kiểm soát được là khối lượng công việc, công sức bạn bỏ ra để đạt được mục tiêu.
– Không ngừng học hỏi cái mới. Dù cho bạn có tự tin đến đâu về kỹ năng của mình thì hãy không không kiếm tìm thử thách mới. Ta sẽ dễ bị tự tin quá mức nếu ta nghĩ ta biết tuốt mọi thứ của một lĩnh vực nào đó. Tìm ra thử thách để vượt qua không chỉ mài giũa kỹ năng của bạn mà nó còn nhắc nhở bạn rằng có rất nhiều cách tươi mới để nghĩ về mọi thứ.
– Lắng nghe những gì người khác bắt buộc phải nói. Tự tin quá mức có thể đôi lúc khiến ta trở nên cứng nhắc và thậm chí là giáo điều. Thay vì cứ mặc định cách của mình là đúng và cách mình là duy nhất, hãy cố giữ một tâm trí rộng mở. Bạn có thể không phải lúc nào cũng đồng ý với người khác nhưng việc lắm nghe để nắm bắt góc nhìn mới là rất quan trọng.
Kết luận.
Tự tin thường là thứ mà mọi người đều muốn cải thiện, tuy nhiên đôi khi tự tin quá mức có thể là một vấn đề. Khi sự tự tin trở thành tự kiêu, nó có thể làm mọi người cô lập bạn và khiến bạn khó đạt thành công trong công việc và xã hội. Hình thành một cảm nhận đúng đắn về lòng tự tin là rất quan trọng giúp bạn chạm đến thành công. Tự tin đúng nghĩa sẽ giúp ta tin vào khả năng đương đầu với thách thức và vượt qua trở ngại của mình. Hãy nỗ lực đạt đến sự cân bằng hợp lý, cảm nhận mạnh mẽ về sự tự tin mà không rơi vào vòng xoáy, coi mình là trung tâm của vũ trụ.
Tham khảo. View Article Sources
- Brescoll, V. L., & Uhlmann, E. L. Can an angry woman get ahead? Status conferral, gender, and expression of emotion in the workplace. Psychological Science. 2008;19(3): 268-275. doi: 10.1111/j.1467-9280.2008.02079.x
- Stanovich, K. E., West, R. F., & Toplak, M. E. Myside bias, rational thinking, and intelligence. Current Directions in Psychological Science. 2013;22(4): 259-264.
- Williams, M. J., & Tiedens, L. Z. The subtle suspension of backlash: A meta-analysis of penalties for women’s implicit and explicit dominance behavior. Psychological Bulletin. 2016;142(2):165. doi: https://doi.org/10.1037/bul0000039.
Nguồn: https://www.verywellmind.com/can-you-have-too-much-self-confidence-4163364