Ai có thể thực sự tỉnh như sáo trước những áp lực mạnh mẽ nhất? Câu trả lời đó chính là: Hải quân EOD. Có thể thấy rằng, khi các chuyên gia gỡ bom tiếp cận những quả bom nguy hiểm, nhịp tim của họ thực sự đã chậm lại. 

Hải quân EOD không giống như những đơn vị xử lý bom bình thường khác. Những anh chàng này xử lý ngư lôi – trong khi ở dưới nước. Họ đã vô hiệu hóa vũ khí sinh học, hóa học… thậm chí cả vũ khí hạt nhân. 

Vì lý do an ninh nên họ buộc phải giấu tên. Họ thậm chí còn nhận những nhiệm vụ ở cả Iraq và Afghanistan, phải đối mặt với những điều – mà theo đúng nghĩa đen – là cơn ác mộng diễn ra nhiều lần.  

Vậy chúng ta có thể học hỏi điều gì từ họ? Làm sao bạn giữ được sự bình tĩnh, tập trung và đưa ra những quyết định khó khăn khi phải đối mặt với những áp lực lớn nhất?

Chia sẻ với chúng ta, một sĩ quan phá bom đã tiết lộ 3 bí mật giúp bình tĩnh trước áp lực của mình. Vậy đó là gì?

1. Tránh “suy nghĩ lan man” và đánh giá mối đe dọa

Khi có điều gì không đúng xảy ra. Bạn trở nên lo lắng và tâm trí bắt đầu suy nghĩ lan man. Anh bạn thân mang tên “Lo lắng hoang mang” đã nhìn thấy bạn và muốn xích lại gần.

Não của bạn bắt đầu hỏi: “Nếu X xảy ra thì sao? Y xảy ra thì sao? Nếu thế này thì sao? Thế kia thì sao? Thế nọ thì thế nào?”

Hải quân EOD gọi điều này là “hang thỏ”. Và nếu bạn càng đi sâu vào đó, mọi thứ sẽ tệ đi rất nhanh. Dưới đây là chia sẻ của đội trưởng EOD:

“Với bất kỳ điều gì lo lắng tưởng tượng vô căn cứ, chúng ta gọi nó là ‘hang thỏ’. Thường thì khi đi sâu vào hang thỏ với những câu hỏi như: ‘Chuyện gì xảy ra nếu họ làm thế này? Nếu họ thêm cả đoạn mạch điện này, hay loại chuyển mạch này, hay thứ thiết bị mới kỳ lạ này, hay bảng mạch hoặc bất kỳ thứ gì khác, thì chuyện gì sẽ xảy ra?”.

Người ta có cả vạn cách để tạo nên một thiết bị nổ tự chế mới một cách khéo léo tài tình. Có thể khi nhìn vào thiết bị nổ tự chế đó, bạn sẽ hoang mang lo lắng: ‘Nó có thể là thế này, có thể là thế kia, có thể là cả 10.000 thứ khác nhau…’”

Bạn cần phải tránh đi vào “hang thỏ” và làm những gì hải quân EOD gọi là “đánh giá mối đe dọa”. Nó có nghĩa là hãy nhìn nhận tình hình một cách khách quan và tự hỏi: “Đây là loại vấn đề gì?”.

Hãy nghĩ về trường hợp tương tự mà bạn từng gặp trước đó. Bạn đã giải quyết nó thế nào? Có hiệu quả không? Có lẽ nó không hoàn toàn giống trường hợp lần này, nhưng đã được giải quyết ổn thỏa. Sau đó suy rộng ra. Bạn có thể đã từng giải quyết một vấn đề tương tự, hoặc nhìn thấy ai đó làm điều này.

Tận dụng kinh nghiệm đã giúp các lính hải quân EOD giỏi nhất giữ bình tĩnh, và đánh giá tình huống đáng sợ trước khi họ tiếp cận thiết bị nổ. Dưới đây là chia sẻ của đội trưởng EOD:

“Họ phát triển giác quan thứ sáu về những gì đang xảy ra. 

Một số người đã nhìn thấy và xử lý 300 hay 400 thiết bị nổ tự chế. Thật kinh ngạc khi họ có thể nói về chúng, dù lúc đó họ còn chưa nhìn thấy thiết bị ấy.”

Tận dụng kinh nghiệm có sẵn (hay kinh nghiệm của những người khác) cho phép não bạn tránh xa một kịch bản đáng sợ, và xem nó như một phiên bản khác của vấn đề đã từng được giải quyết trước đó. Nó cho phép bạn tiếp tục công việc trong khi đang sợ hãi.

Được rồi, bạn đã né hố thỏ và đánh giá mối đe dọa. Nhưng loại tư duy nào bạn cần có để giữ được bình tĩnh và tập trung trước khi hành động – hoặc trước khi bạn cắt dây màu đỏ?

2. Tập trung vào yếu tố tích cực và những điều trong tầm kiểm soát

Có một lần sĩ quan cao cấp của EOD đã kể ông nghe một câu chuyện về tháo ngòi nổ địa lôi trong khi ở dưới nước, ông nhận ra mình đã bị mắc kẹt, không thể di chuyển bàn tay hay bàn chân của mình. Vậy ý nghĩ tiếp theo xuất hiện trong đầu người đội trưởng này là gì?

“Tôi vẫn thở được, tốt thật. Bây giờ, tôi còn có thứ hữu ích nào nữa không?”

Đó là thứ bạn gọi là “nhìn vào mặt tích cực”. Steven Southwick và Dennis Charney đã nghiên cứu những người có tính kiên cường trong suốt 20 năm. Họ đã phỏng vấn các tù nhân chiến tranh Việt Nam, người huấn luyện Đặc Công và thường dân, những người từng kinh qua trải nghiệm khủng khiếp như các vấn đề y tế, lạm dụng và chấn thương. Vậy điều gì đã giúp tất cả những người này sống sót?

Đó là sự lạc quan.

Bằng cách nhìn nhận điều tích cực nhưng có tính thực tế về tình hình hiện tại, những người lính EOD của chúng tôi đã có thể giữ bình tĩnh và tập trung vào những điều mà anh ta có thể kiểm soát, bắt đầu thực hiện các bước giúp giải quyết tình thế. Sĩ quan EOD chia sẻ:

“Nếu còn có thể lắc lư ngón tay mình, thì cho dù dây thép đang quấn quanh người hay bạn đang trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu bạn có thể thực hiện bất cứ việc nhỏ nào để mọi việc trở nên tốt hơn dù chỉ là một chút, hãy làm điều đó. Nếu có thể thực hiện một việc khác nữa và khác nữa, thì bạn có một tinh thần tích cực đối lập hoàn toàn với vòng xoáy tiêu cực.” 

Bạn phải nắm rõ các thông số kỹ thuật của công việc mình đang làm, sau đó phải đi thực hiện nó, bạn sẽ tự đặt câu hỏi: “Đây có phải là tình trạng khẩn cấp? Đúng rồi, nhưng nó chỉ khẩn cấp nếu tôi không thể tìm ra giải pháp. Vậy bước tiếp theo để khiến tình hình tốt hơn một chút là gì?”

Quay trở lại câu chuyện: Sĩ quan EOD phải ở dưới nước, không thể di chuyển bàn tay hay bàn chân của mình, kế bên là một thiết bị nổ. Nhưng ông không xem đây là một tình trạng khẩn cấp.

Nó chỉ là một trường hợp khẩn cấp khi ông không thể tìm ra giải pháp. Nghe thật điên khùng, phải không?

Bạn đang di chuyển với tốc độ 105 km/h hướng về phía một bức tường bê tông. Có vẻ đáng sợ nhỉ? Nếu bức tường bê tông đó là một đoạn cong trên đường cao tốc và bạn chỉ cần xoay tay lái chiếc xe của mình nhẹ nhàng về bên trái, bạn sẽ cảm thấy không có gì phải sợ hãi.

Trên thực tế, bạn luôn làm được điều này mà chẳng cần phải động não. Đó không phải là một trường hợp khẩn cấp.

Sinh tử sẽ không là gì nếu bạn lạc quan và cảm giác được mình có khả năng kiểm soát tình hình.

Thời khắc phải hành động đã đến. Bạn cần phải vào trong đó và giải quyết vấn đề bằng chính đôi tay mình. Làm thế nào để giữ bình tĩnh và tập trung khi bạn đang mắc kẹt?

3.  Biết rõ bước tiếp theo

 

Chúng ta đều sợ hãi những điều mập mờ. Vì bộ não của bạn sẽ tự biên tự diễn và lo lắng. Và điều này sẽ đưa bạn xuống hang thỏ. Bí quyết để giữ bình tĩnh và tập trung đơn giản là ra quyết định sẽ làm gì tiếp theo. Điều này ngăn chặn việc tự suy diễn và lo lắng. Dưới đây là chia sẻ của đội trưởng EOD:

“Khi bạn có một điều gì đó để tập trung , tâm trí sẽ luôn tập trung vào nó cho dù bất kể vấn đề gì đang xảy ra. Nếu có một số loại thiết bị trước mặt và bạn cần làm một điều gì đó khi đang ở trong tình huống nguy hiểm, bạn cần biết bước tiếp theo là gì.

Nếu bạn đang ngồi đó và không biết phải làm gì, đó thực sự là một điều đáng sợ. Khi tâm trí biết rõ bước tiếp theo, bạn nên tập trung vào nó.”

Có thể bước tiếp theo chỉ là một bước nhỏ. Nhưng ít nhất nó hiệu quả. Có thể nó vượt xa khả năng của bạn, vì vậy bước tiếp theo chỉ là “yêu cầu sự giúp đỡ”. Đây thực sự là một điều tốt. Bạn không cần phải sửa chữa tất cả ngay tức khắc. Bạn chỉ cần biết bước tiếp theo và nhờ đó có thể giữ bình tĩnh được.

Khi cân nhắc bước tiếp theo của mình, bạn cần nghĩ một cách nghiêm túc và kỹ càng để không bị hoảng loạn. Và biết ơn vì không phải đối mặt với những tình huống như người bạn của chúng ta – ở dưới mặt nước 39,6 m khi thiết bị thở bị hỏng:

“Thiết bị lặn của tôi có một lỗi lắp ráp điện tử cơ bản, nghĩa là nó không còn cung cấp đủ lượng oxy mà tôi cần. Theo định nghĩa, đây là một trường hợp khẩn cấp, nhưng khi bạn biết cách hệ thống làm việc, khi bạn biết rằng có thể chỉnh lại bằng tay. Bạn có thể tự cung cấp cho mình oxy và có thể thực sự điều khiển thiết bị, sau đó mọi việc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Khi bạn nghĩ về những sự việc này, bạn nên tránh việc gắn nhãn cho tình trạng đang diễn ra, thay vào đó hãy giải quyết nó theo một thứ tự hợp lý, sau đó mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Bạn không tập trung vào sự sợ hãi. Bạn hãy tập trung vào ‘Bước tiếp theo của tôi là gì?’”

Các nhà theo chủ nghĩa khắc kỷ thời xưa thường tránh những cảm xúc tiêu cực bằng cách tập trung vào quá trình, không tập trung vào kết quả. Và đó là những gì bạn cần làm. Tập trung vào bước tiếp theo, sau đó là bước tiếp theo và bước tiếp theo nữa…

Có lẽ một số người đang nghĩ: “Nhưng nếu tôi không biết bước tiếp theo của mình? Làm thế nào để tôi cảm thấy bình tĩnh?”

Người bạn EOD của chúng ta đã từng ở đó. Và anh ấy thấy một quả bom trước mặt mình:

“Thời điểm duy nhất tôi thực sự cảm thấy tê tái vì sợ là thời điểm tôi không biết làm gì tiếp theo cả. 

Chúng tôi đang ở trong một tình huống có một thiết bị và nó nguy hiểm hơn chúng tôi tưởng. Tôi đã không làm tốt công việc vì đã không chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Lần đầu tiên trong cuộc đời làm sĩ quan, tôi giống như “không biết phải làm gì”. Tôi lo lắng cho đội của mình. Tôi sợ hãi cho chính bản thân mình.”

Bạn nên làm gì khi không biết làm gì tiếp theo và có đầy những suy nghĩ lo lắng? Có một câu trả lời mà các tu sĩ Phật giáo và tiến sĩ khoa học thần kinh sẽ đồng ý: Hãy quán xét những suy nghĩ chạy loạn trong đầu và tự hỏi: “Chúng hữu ích không?”. Và sau đó, đưa ra quyết định.

Quán xét những suy nghĩ của bản thân và cân nhắc tính hữu ích của nó

Khi tôi nói chuyện với Joseph Goldstein – chuyên gia hàng đầu trong lãnh vực hướng dẫn chính niệm – về làm cách nào để đối phó với những suy nghĩ quấy rầy, ông nói:

“Ý nghĩ này có ích hay không? Có giúp ích cho tôi và người khác hay không? Hay chỉ gây ra nỗi sợ hãi hoặc sự phán xét, không mang lại lợi ích gì cho bản thân hay người khác?”

Và đoán xem những chuyên gia xử lý bom đã làm gì để giải quyết tình trạng này? Anh ấy không phải là chuyên gia về chính niệm, nhưng ông biết cách xử lý khi nỗi sợ hãi xuất hiện. Đội trưởng EOD nói:

“Sau đó, tôi nghĩ: ‘Điều này không hiệu quả. Không ý nghĩ nào trong số ấy hữu ích. Tôi phải làm gì bây giờ?’. Tiếp theo đó, tôi nghĩ: ‘Đây là điều cần xảy ra. Chúng tôi cần phải thực hiện cuộc gọi radio. Những người bên dưới cần tiến hành hoạt động này. Chúng tôi cần hối thúc nhóm người này. Chúng tôi cần di chuyển nhóm’. Sau đó, tất cả bỗng dưng thay đổi, tôi suy nghĩ lý trí trở lại và loại bỏ bất kỳ nỗi sợ hãi ích kỷ nào.“

Những suy nghĩ này có hữu ích không? Câu trả lời là không. Vì vậy, dùng hết khả năng của mình, anh đã quyết định bước tiếp theo là gì. Và nghiên cứu khoa học thần kinh cho thấy việc ra quyết định làm giảm sự lo lắng và bối rối, cũng như giúp bạn giải quyết các vấn đề.

Đưa ra các quyết định bao gồm việc tạo ra các ý định và đặt mục tiêu— cả ba đều là một phần của cùng mạch thần kinh và tham gia vào hoạt động của vỏ não trước trán theo cách tích cực, làm giảm lo lắng và lo âu.

Đưa ra quyết định cũng giúp chiến thắng hoạt động ở thể vân, thường lôi kéo bạn đến những thôi thúc và thói quen tiêu cực. Cuối cùng, việc ra quyết định làm thay đổi nhận thức của bạn về thế giới— tìm các giải pháp cho vấn đề của bạn và xoa dịu hệ viền của não bộ.

Tóm tắt

Dưới đây là những điều bạn cần biết để có thể bình tĩnh trước áp lực, từ một chuyên gia phá bom hải quân:

  • Tránh “hang thỏ” và thực hiện đánh giá rủi ro: Bỏ qua câu hỏi “Nếu như?”. Tự xét xem vấn đề tương tự bạn đã xử lý là gì? Tận dụng kinh nghiệm trước đó sẽ giúp bạn bình tĩnh trước áp lực.
  • Tập trung vào mặt tích cực và những gì bạn có thể kiểm soát: Hãy dành vài giây nghĩ xem lái một chiếc xe nguy hiểm thế nào. Nhưng nó không làm khó bạn. Cảm giác bản thân có khả năng kiểm soát tình hình sẽ tạo nên sự khác biệt.
  • Bí mật để trở nên bình tĩnh và tập trung là biết rõ bước tiếp theo: Loại bỏ những suy nghĩ không hữu ích. Ra quyết định. Tập trung vào bước tiếp theo và bạn sẽ không cảm thấy hoảng sợ.

Có thể nói, nghề tháo gỡ bom mìn là một công việc không chắc chắn với mức đánh cược mạng sống cao nhất. Nhưng phải có người đảm nhận nó. Và, những người làm công việc này không được mơ hồ khi làm việc. Họ không suy nghĩ vẩn vơ – vì đó là cái hang thỏ. Họ đặt bản thân mình vào công việc.

Còn bạn thì sao? Bạn muốn né tránh vấn đề? Bạn muốn trở nên bình tĩnh trước áp lực khi có vấn đề xảy ra? Hãy thực sự đặt bản thân mình vào việc thực hiện giải quyết nó.

Theo https://www.bakadesuyo.com/2017/01/calm-under-pressure/

—————————————