Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh có ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ cũng như sức khỏe con người. Cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Dopamine với não bộ

Các neuron Dopamine có phần thân nằm ở não giữa với các bó sợ thần kinh (gọi là sợi trục) kéo dài đến nhiều khu vực khác nhau của não, cho phép dopamine được truyền đi từ bộ phận này đến bộ phận kia của não, những kết nối này được gọi là các đường truyền dopamine.

Một đường truyền dopamine xuất phát từ một khu vực của não giữa gọi là vùng chất đen, đến hạch nền, nơi kiểm soát các chuyển động của cơ thể. Lượng neuron sản sinh dopamine trong vùng chất đen bị mất đi sẽ dẫn đến sự xuất hiện của bệnh Parkinson – một căn bệnh thần kinh mà người bệnh sẽ có chuyển động chậm chạp, hình thể cứng nhắc và cơ thể run rẩy ngắt quãng.

Các khu vực nhận truyền tín hiệu dopamine bao gồm phần vỏ não trước trán, một khu vực quan trọng ảnh hưởng đến khả năng giải quyết vấn đề, tư duy phức tạp, trí nhớ, trí thông minh và ngôn ngữ. Các đường truyền tín hiệu Dopamine có liên hệ với hạch hạnh nhân, hạch này đóng vai trò quan trọng trong quá trình xử lý cảm xúc và khả năng kiểm soát trí nhớ của đồi hải mã.

Ngoài ảnh hưởng đến các chuyển động cơ thể, cảm xúc và tư duy, neuron dopamine còn đóng vai trò chủ đạo trong việc kiểm soát động lực và cảm giác “tưởng thưởng”. Đây chính là lý do vì sao việc lạm dụng một số loại chất/ma túy nhất định, đặc biệt là cocaine và nocotine, có thể gây nghiện – vì những chất này kích thích hệ thống tưởng thưởng trong não do dopamine quy định (làm bạn cảm thấy sảng khoái, vui vẻ – NT).

Dopamine với sức khỏe

Bên cạnh bệnh Parkinson, nhiều loại bệnh tâm thần khác cũng có liên hệ với sự bất thường của dopamine trong não như các bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn giảm chú ý, rối loạn lưỡng cực và trầm cảm.

Ở mỗi bệnh này, dopamine lại có những tác động khác nhau.

Ví dụ, ở bệnh giảm chú ý, sự suy giảm của hệ thống dopamine sẽ khiến người bệnh không thể tập trung được. Đây là lý do vì sao mà một số loại chất kích thích, như các chất methyphenidate và các chất dạng amphetamine giúp cải thiện sự tập trung và làm tỉnh táo đầu óc, do các chất này làm tăng nồng độ dopamine trong não.

Mặt khác, đối với người bị tâm thần phân liệt, hệ dopamine hoạt động quá mức bình thường. Đây là lí do tại sao các loại thuốc ức chế thụ thể dopamine trong não (gọi là thuốc chống loạn thần) thường được sử dụng trong quá trình điều trị bệnh này.

Dopamine

Dopamine với Rối loạn Nhân cách ranh giới? 

Một số nhà nghiên cứu tin rằng sự bất thường của dopamine có thể có liên hệ đến sự phát triển của Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD). Quan điểm này khởi nguồn từ những nghiên cứu ủng hộ vai trò của dopamine trong quá trình suy nghĩ, điều hòa cảm xúc và kiểm soát ham muốn – tất cả những người mắc chứng rối loạn này đều gặp vấn đề với các chức năng này. Ngoài ra, thuốc chống loạn thần cũng có thể làm giảm một số triệu chứng của rối loạn này, đặc biệt là triệu chứng giận dữ và các vấn đề về nhận thức (như lối suy nghĩ hoang tưởng).

Một số người khác lại cho rằng thuốc chống loạn thần điều trị bệnh mà không tác động vào các đường truyền dopamine.

Nói chung, hiện tại vẫn chưa xác định rõ được tầm ảnh hưởng của dopamine trong quá trình phát triển chứng rối loạn nhân cách ranh giới. Chúng ta cần nhiều hơn các nghiên cứu để làm rõ vấn đề này.

Kết luận

Dopamine tồn tại thành một hệ thống rất rắc rối những cũng đầy thú vị, hệ thống này tham gia vào rất nhiều các chức năng tâm thần và thần kinh của cơ thể. Thông qua việc đánh giá vai trò của dopamine trong não, các nhà khoa học sẽ có được những thông tin họ cần để dựa vào đó hướng đến phát triển một mô hình điều trị bằng thuốc đầy đủ để những người gặp các bệnh liên quan đến dopamine có thể hồi phục sớm và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn.

Nguồn: https://www.verywell.com/dopamine-medical-glossary-definition-425296 

—————————————————————