AQ là viết tắt của Adversity Quotient, là chỉ số đo khả năng đối diện và xoay sở của một người trước các thay đổi, áp lực và các tình huống khó khăn.
Tại sao một số người trở nên xuất chúng, rất thành công, trong khi những người khác lại nản lòng, thất bại cho dù họ có thừa thông minh hoặc tư cách tốt? Điểm khác nhau giữa họ chính là sự chênh lệch về AQ – khả năng đương đầu và đương đầu có hiệu quả trước bất hạnh và nghịch cảnh.
AQ là gì? đó là phương thức phản ứng đối với những tình huống khó khăn của cuộc đời; đó là năng lực về phương diện tâm lý, giúp con người tìm ra lối thoát trong những tình huống khó khăn, bế tắc và vượt qua những chướng ngại trên đường đời.
AQ là tổng hoà của ý chí và trí tuệ. Dựa vào AQ có thể dự đoán và nhận biết: Trong quá trình theo đuổi mục tiêu, ai là người tích cực tiến thủ, có khả năng khắc phục khó khăn, kiên trì đến cùng, phát huy được tiềm năng và giành được thành công: Ai là người không chịu nổi thử thách và nửa đường bỏ cuộc; Ai là người bó tay đầu hàng và chẳng làm nổi việc gì.
Chỉ số vượt khó AQ – bản lĩnh vào đời
Nhà tâm lý học Paul G. Stoltz (Mỹ), tác giả của AQ, đã cho phát hành tác phẩm Adversity Quotient trên mạng Amazon.com vào tháng 5-1999. Tác phẩm đó ngay lập tức làm nức lòng giới tâm lý học và cả những nhà doanh nghiệp tầm cỡ.
Paul Sloltz đã phát triển khá nhiều ý tưởng của mình từ những nhà tâm lý học đi trước, như Abraham Maslow, tác giả của tháp Maslow nổi tiếng; từ Martin Seligman, tác giả của sách “Học lạc quan”, và Stephen R. Covey, tác giả của “7 thói quen của người thành đạt”.
Nhiều nhà tâm lý đã ủng hộ rất nhiệt tình cho thuyết AQ này. Điều này góp phần khẳng định, việc lượng hóa những phẩm chất tâm lý bậc cao là một điều có thề làm được như đã từng làm với trí tuệ (IQ) và cảm xúc (EQ).
Paul Sloltz cho rằng, những người có AQ thấp thường dễ xúc động và dễ buông xuôi trước nhiều vấn đề trong cuộc sống. Trong khi, những người có AQ cao sẽ ít khi đầu hàng và dễ dàng trở thành lãnh đạo trong tương lai.
Ông phân định ra 3 dạng người dựa trên cách thức họ đối diện với những khó khăn, thử thách trong cuộc đời. Đó là: Quitter, Camper và Climber.
- Quitter: Là những người dễ buông xuôi. Họ dễ dàng nản chí, dễ dàng từ bỏ việc theo đuổi 1 công việc, 1 dự định và cao hơn là 1 mục đích sống. Và, kết quả là thường giữa đường đứt gánh, và nhận thất bại, hoặc kết quả không như ý.
- Camper: Là những người chịu khó, làm việc chăm chỉ, có ý thức phấn đấu rèn luyện bản thân, và sẽ làm nhiều thứ để đạt tới 1 mức độ nhất định nào đó trong cuộc sống. Tuy nhiên, họ dễ hài lòng và thoả hiệp với bản thân để thấy như vậy là đủ.
- Climber: Là những người có sự kiên định và hoài bão lớn. Họ luôn học hỏi, rèn luyện bản thân, nỗ lực cố gắng để đạt tới những mức độ tốt nhất có thể trong khả năng. Họ cũng thường là tuýp người không chấp nhận 1 tình thế sẵn có, và tìm cách xoay sở để cải thiện nó tốt hơn.
Theo đó, ông coi chỉ số đo khả năng vượt qua những điều kiện khó khăn là yếu tố lớn nhất trong những phẩm chất tạo nên sự thành công cho con người.
Theo Paul Sloltz, chỉ số AQ có thể đo mức độ hoài bão, nỗ lực, sự sáng tạo, năng lượng, sức khoẻ lý tính, xúc cảm và hạnh phúc của một người. Nó cũng chính là một chỉ báo về 4 mức độ cao thấp của bản lĩnh sống:
Chỉ số AQ và chất anh hùng
Các nhà tâm lý học ứng dụng đã hoan nghênh sự ra đời của chỉ số AQ. Họ cho rằng đây là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển tâm lý học cuối thế kỷ 20. Nó chứng tỏ việc lượng hóa những phẩm chất tâm lý bậc cao là một điều có thể làm được, như đã từng làm với trí tuệ (IQ) và cảm xúc (EQ).
Tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng những ý tưởng có liên hệ đến AQ từ xa xưa đã được thể hiện trong những thiên anh hùng ca. Đặc trưng chung của những thiên anh hùng ca bản lĩnh, khí phách của con người trước nghịch cảnh là ý chí không đầu hàng trước số phận. Chất anh hùng ấy ít nhiều đều có trong mỗi người nếu biết khơi dậy.
Chất anh hùng của những người lặng thầm càng có giá trị nhân bản, nghĩa là càng có cả chiều cao lẫn chiều sâu của chỉ số AQ. Họ không xưng danh mà thực chất là những anh hùng vô danh. Đó là những người đã vượt lên nghịch cảnh của chính mình, vượt qua số phận mà định mệnh đã cay nghiệt đè nặng lên mình.
Dù họ có thể không làm nên lịch sử gì to tát cho xã hội, nhưng họ đã tự khẳng định được giá trị bản thân từ nghịch cảnh. Theo nghĩa đó, họ cao cường hơn những người bình thường rất nhiều. Đó là nhờ chí khí của họ đã vượt trội, được chính họ rèn giũa để nâng cao.
Như vậy, chỉ số AQ bậc cao vẫn có trong đời thường, trong những người bình dị mà cao cả (dù hữu danh hoặc vô danh) chứ không chỉ tồn tại trong các bậc anh hùng xuất chúng. Bill Gates (chủ tịch Tập đoàn Microsoft) có nói: “Những ai tự chế được bản thân hoặc tự vượt lên chính mình dù chỉ trong khoảnh khắc cũng đều có “máu” anh hùng. Những lúc như vậy, chỉ số AQ nơi họ tăng đột biến”.
Nhờ rèn luyện và “tiêm nhiễm” từ những tác động tích cực, từ những môi trường tích cực (nhất là môi trường giáo dục nhân bản), con người có thể được “truyền máu” anh hùng từ tuổi thơ. Cuộc khảo sát của các nhà tâm lý trong suốt 15 năm theo dõi 10 đứa trẻ đã chứng minh điều đó.
Thường những ai có chỉ số EQ cao thì AQ cũng có phần cao. Nhưng không phải bao giờ và ở ai giữa EQ và AQ đều có tỉ lệ thuận. Thực tế cho thấy rất nhiều người tốt về cảm xúc, tốt về nhân cách nhưng… việc không thành, cuộc đời vẫn lắm bất hạnh. Nói như tác giả của chỉ số AQ (Paul G.Stoltz): “Người tốt vẫn có thể là người không bền lòng theo đuổi mục đích.
Dù biết đó là mục đích cao đẹp nhưng họ không đủ can trường để đi tới. Bởi vì, bao giờ cũng vậy, mục đích cao đẹp luôn đi kèm với những thử thách cực kỳ khó mà chỉ ai dám vượt khó mới có thể tới đích”.
Nói cách khác: Nếu không tự nâng cao chỉ số AQ, người thông minh và người hiền thục vẫn có thể là người bất hạnh, không vượt qua được nghịch cảnh. Sự thành đạt hay niềm hạnh phúc khi thành công, bao giờ cũng có “giá” phải trả. Giá càng “đắt” và càng chính đáng (ngay thẳng) thì hạnh phúc càng lớn và càng đáng để ta tự hào. Chỉ số AQ còn có một ý nghĩa như thế.
Khi đo về sức bật kiên cường của con người trước nghịch cảnh, chỉ số AQ xem xét sức bật đó có thể “động” (gây tiếng vang) mà có thể “tĩnh” (rất âm thầm). Như sự vượt khó, sự hi sinh lặng lẽ của các bà mẹ VN anh hùng: “ba lần tiễn con đi, trăm lần khóc thầm lặng lẽ…”, nhưng “nước mắt của mẹ thường nuốt vào trong để tạo nên sự rắn rỏi, kiên cường ngoài da thịt, để cứng hơn sắt, để vững hơn đồng…, để vượt qua bão táp chiến tranh”. Đấy là biểu hiện cao về chỉ số AQ của nhiều bà mẹ VN.
Những bà mẹ ấy yếu về thể chất nhưng rất mạnh về tinh thần. Chỉ số AQ là số đo về sức mạnh tinh thần theo hướng chân – thiện – mỹ (nghĩa cao, chí lớn). Anh hùng có trong nhân dân, vì nhân dân nói chung có một sức mạnh tinh thần rất to lớn, đè bẹp được cường quyền và bạo lực.
Bạn có thể tìm hiểu về chỉ số vượt khó bẩm sinh AQ của mình qua bài phân tích sinh trắc dấu vân tay tại Humano.