Anh hùng làm trái tim ta cảm động, gột rửa ta trong sự ngưỡng mộ, khiến ta nhìn nhận lại thế giới quan của mình. Chỉ cần nhìn vào hàng tá những bộ phim về siêu anh hùng ngày nay, bạn sẽ thấy xã hội đang coi trọng và yêu thích anh hùng đến nhường nào.
Vậy điều gì khiến một số người “ra tay trượng nghĩa” khi đối mặt với nguy hiểm?
Ví dụ về những anh hùng
Khi bạn nghĩ về chủ nghĩa anh hùng, một vài ví dụ sẽ xuất hiện trong đầu bạn từ các bản tin hằng ngày.
Sau vụ xả súng diễn ra tại Aurora, bang Colorado thì trong suốt mùa hè năm 2012, có tới 3 người phụ nữ sống sót khỏi vụ xả súng kể lại rằng mình đã được bạn trai cứu sống. Ba người đàn ông đã dùng thân mình làm lá chắn cho bạn gái mình và sau đó cả ba anh này đều qua đời.
Trong một vụ xả súng khác vào năm 2012 tại đền Sikh, một người đàn ông đã hy sinh khi cố gắng tước vũ khí của tay súng trong khi một người khác lại bị thương rất nặng khi cố giúp đỡ người đàn ông này.
Ngày 02/01/2017, có khoảng 75 người đang chờ tại một ga tàu điện ngầm đông đúc chứng kiến một thanh niên đột nhiên bị co giật và ngã từ sân ga xuống đường ray. Những người quan sát lúc đó cực kỳ hoảng sợ nhưng chẳng thể làm được gì, thì một người đàn ông tên Wesley Autrey đã ra tay cứu giúp.
Trao lại hai đứa con gái nhỏ của mình cho hai người lạ trông nom, anh nhảy xuống đường ray và hy vọng mình sẽ có đủ thời gian để kéo người kia ra khỏi đường ray khi tàu đến. Và khi Autrey nhận ra rằng mình không còn thời gian để di chuyển người đàn ông kia, anh đã giữ người kia ở giữa đường ray và đoàn tàu đã băng ngang trên họ.
“Tôi không cảm thấy mình làm điều gì quá ghê ghớm; tôi chỉ nhìn thấy một người cần giúp đỡ. Tôi chỉ làm điều tôi tôi cảm thấy đúng mà thôi.”, Autrey nói với tờ New York Times sau khi sự kiện diễn ra.
Định nghĩa anh hùng
“Anh hùng thực sự sẽ là những người cực kỳ chuẩn mực, không tô vẽ. Anh hùng không phải là người có ham muốn mạnh mẽ trong việc qua mặt tất cả những người khác bằng bất cứ giá nào, mà là ở họ có sự thôi thúc giúp đỡ người khác bằng mọi giá.” – Arthur Ashe, vận động viên tennis chuyên nghiệp.
Chủ nghĩa anh hùng là một điều gì đó được coi trọng sâu sắc ở nhiều nền văn hóa, nhưng chính xác thì ta định nghĩa như thế nào là một anh hùng? Cái gì đã truyền cảm hứng để con người ta ra tay nghĩa hiệp?
Mặc dù các nhà nghiên cứu đã biết rất rõ những lý do khiến con người ta thực hiện những hành vi ác độc nhưng ta vẫn chưa thực sự hiểu rõ ràng về những thứ khiến người ta thành anh hùng, và định nghĩa về anh hùng có thể cũng khác nhau ở góc nhìn của mỗi người.
Theo Dự án Tưởng Tượng về Anh Hùng (HIP), một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào việc dạy cho con người ta trở thành anh hùng trong đời sống hằng ngày, thì chủ nghĩa anh hùng chính là một hành vi hoặc hành động thay cho người khác hoặc do bởi một lý do đạo đức nào đó.
HIP xác định các thành tố chính của chủ nghĩa anh hùng:
– Tự nguyện và có chủ đích.
– Thực hiện cho cộng đồng hoặc những người cần giúp đỡ.
– Đòi hỏi một số đánh đổi cá nhân hoặc nguy cơ phải đối mặt nhất định, có thể là về thể chất, xã hội, hoặc chất lượng cuộc sống.
– Được thực hiện không vì nhu cầu muốn được báo đáp hay thu lại điều gì.
Định nghĩa của các chuyên gia về anh hùng
Các nhà tâm lý học và những nhà nghiên cứu khác định nghĩa như thế nào về anh hùng? Sau đây là một số phát biểu từ nhiều chuyên gia:
“Nói một cách đơn giản, chìa khóa của anh hùng là sự quan tâm dành cho người đang cần giúp đỡ – một sự quan tâm nhằm bảo vệ một nguyên nhân đạo đức nào đó, biết rằng bản thân sẽ gặp nguy hiểm nhưng vẫn làm mà không mong đợi phần thưởng báo đáp.” – Philip Zinbardo,
“Điều gì tạo nên một anh hùng?”
“Chúng ta thấy rằng niềm tin của con người về anh hùng có xu hướng đi theo một dạng thức có hệ thống. Sau khi thử nghiệm trên một số người, chúng tôi đã phát hiện ra rằng anh hùng được người ta xem là cái gì đó cực kỳ đạo đức, cực kỳ giỏi, hoặc cả hai.
Cụ thể hơn, người ta tin anh hùng sở hữu 8 đặc tính, gọi là Tám Đặc tính Vĩ đại. Những đặc tính này là: thông minh, mạnh mẽ, kiên cường, vị tha, quan tâm, lôi cuốn, đáng tin và tràn đầy cảm hứng. Thường thì ít có anh hùng nào hội đủ cả 8 đặc tính này nhưng, bọn họ đều có hầu hết những đặc tính này,” – Scott T. Allison và George R. Goethals,
Định nghĩa của chúng tôi về ‘Anh hùng: “… Dường như không có một đặc tính xác định riêng lẻ nào giúp phân biệt anh hùng và hành vi anh hùng. Anh hùng là một khái niệm đa dạng, và không có ranh giới rõ ràng nào tồn tại trong nhóm người này”.
Khái niệm anh hùng được tạo thành từ nhiều nhóm đặc tính không rõ ràng từ một số nguyên mẫu ban đầu (Fish & taylor, 2008; Hepper và cộng sự, 2012).
Đặc trưng nguyên mẫu nhất của anh hùng được tìm thấy trong các nghiên cứu của chúng tôi là sự dũng cảm, nhất quán về đạo đức, gan dạ, hay bảo vệ, niềm tin vững chắc, chân thành, vị tha, không vị kỷ, kiên định, cứu rỗi, đầy cảm hứng và hữu ích.” – Alaine L. Kinsella, Timothy D. Ritchie, và Erix R. Igou,
“Anh hùng từ con số không: Phân tích nguyên mẫu về các đặc tính của anh hùng.”
Những định nghĩa khác thường chia nhỏ anh hùng thành từng dạng hay từng mức độ nguy cơ và mức độ hy sinh cá nhân. Một số bao gồm cả những hành động cao cả như liều mạng để cứu người. Bên cạnh đó cũng có cả những hàng động nhỏ hơn, là những hàng động thực hiện hằng ngày để giúp những người đang cần hỗ trợ.
Nhà tâm lý học Frank Farley đã tìm ra sự khác biệt giữa cái mà ông gọi là “Đại anh hùng” và “Tiểu anh hùng”.
Đại anh hùng là những người có tính liều lĩnh cao dù cho bản thân có bị thương, có phải đi tù hay thậm chí là chết. Tiểu anh hùng thì ngược lại, họ làm những thứ mà hầu hết chúng ta đều làm mỗi ngày; như giúp ai đó, hành xử tử tế, dám đứng lên vì chính nghĩa. Những điều này không phải lúc nào cũng đòi hỏi sự hy sinh cá nhân từ chính chủ.
Tại sao ta thành anh hùng?
Bây giờ khi chúng ta đã hiểu hơn một chút về định nghĩa anh hùng thì câu hỏi tiếp theo sẽ là tại sao người ta lại trở thành anh hùng? Có đặc trưng tính cách chung nào của anh hùng xuất hiện ở những cá nhân này?
Farley cho rằng có hai yếu tố chủ chốt đằng sau hành động nghĩa hiệp của những vị anh hùng, và đều có liên quan đến nguy cơ làm tổn hại bản thân: hành vi liều lĩnh và sự rộng lượng.
Những người liều đánh đổi cuộc sống để làm điều tốt cho người khác, về bản chất, thườn là có tính liều lĩnh cao hơn và họ cũng sở hữu một lòng yêu thương, sự tử tế, sự thấu cảm và vị tha lớn lao.
Các nhà nghiên cứu từ rất lâu đã biết cả người và động vật đều sẽ có xu hướng giúp đỡ những sinh vật cùng dòng giống với mình, khái niệm này được biết đến với tên gọi là “Chọn lọc họ hàng”. Thông qua việc giúp đỡ những người cùng dòng giống gen, ta bảo đảm được khả năng những gen đó sẽ tiếp tục được truyền lại cho thế hệ sau.
Trong một số trường hợp khác, ta giúp người vì mong chờ rằng một ngày nào đó họ sẽ giúp để đáp trả, ta gọi đây là “vị tha có qua có lại”.
Nhưng điều gì, kiểu vị tha nào khiến con người ta không còn chăm chăm vào việc giúp cho họ hàng hay mong đợi được đền ơn? Ở những trường hợp như vậy, các yếu tố khác biệt về tình huống, văn hóa, tính cách có thể đóng vai trò trung tâm.
Sau khi con người ta có hành vi nghĩa hiệp, họ thường nói rằng họ không nghĩ mình là anh hùng, cho rằng mình chỉ đơn giản là làm những thứ mà bất cứ ai cũng sẽ làm khi ở tình huống ấy thôi. Trong những khoảnh khắc sống chết gang tấc, sức mạnh và sự khẩn cấp của tình huống lúc đó có thể tạo cảm hứng để họ hành động.
Nhân cách có thể ảnh hưởng lên tính anh hùng?
Những tác động từ một tình huống giống nhau có thể kích thích người này ra tay nghĩa hiệp nhưng lại thực sự có thể ngăn trở một số người khác làm điều tương tự.
Khi tình huống nguy cấp xảy ra khi có sự có mặt của nhiều người, ta thường rơi vào một cái bẫy thụ động khi cho rằng một ai đó khác sẽ giúp đỡ, hiện tượng này có tên là Hiệu ứng người ngoài cuộc (hay Hiệu ứng bàng quan). Vì trách nhiệm cá nhân bị phân tán cho nhiều người có mặt nên ta cứ tưởng rằng ai đó sẽ lãnh trách nhiệm làm anh hùng thay ta.
Một số người có thể cũng có một số đặc điểm tính cách dẫn dắt họ hành xử vì người khác và theo những cách thực sự nghĩa hiệp.
Các nhà nghiên cứu cho rằng những người có đầu óc đặc biệt khiến họ hành xử tự tin và có đạo đức hơn trong những tình huống khó khăn thường thực hiện những hành động đó tức thời và vô thức khi tình huống khẩn cấp vừa xuất hiện.
Bẩm sinh và nuôi dưỡng
Một trong những câu hỏi lớn nhất mà các nhà nghiên cứu đã thu gọn lại về chủ đề muôn thuở giữa “Bẩm sinh và Nuôi dưỡng”. Liệu anh hùng có tự sinh ra không, hay anh hùng là một cái gì đạt được quá quá trình học tập? Nó còn tùy thuộc việc bạn đang hỏi chuyên gia thuộc ngành nào, nhưng ý kiến dưới đây cũng đáng để lưu tâm:
“Một số người cãi rằng có người sinh ra đã tốt và có người đẻ ra đã xấu; Tôi nghĩ điều đó thật vớ vẩn, Philip Zinbardo giải thích.
“Khả năng cực kỳ cao ở đây là chúng ta đều có thể sinh ra để thành bất cứ cái gì – do bởi gia đình hoặc nền văn hóa hoặc thời điểm ta trưởng thành, tai nạn lúc sinh đẻ; liệu ta có lớn lên ở hai chiến tuyến giữa chiến tranh và hòa bình; ta lớn lên trong nghèo đói hay sang giàu….
Vậy nên mỗi chúng ta đều có thể sở hữu một năng lực làm những điều khủng khiếp. Nhưng mỗi người cũng đều có một anh hùng bên trong mình; nếu được khơi lên, người anh hùng nội tâm ấy sẽ thể hiện sự tử tế với mọi người.”
Tham khảo. View Article Sources
Allison ST, Goethals GR. Our Definition of “Hero.” Published October 15, 2015.
Buckley C. Man Is Rescued by Stranger on Subway Tracks. The New York Times. Published January 3, 2007.
Farley, F. The Real Heroes of “The Dark Knight.” PsychologyToday.com. Published July 27, 2012.
Kinsella EL, Ritchie TD, Igou ER. Zeroing in on Heroes: A Prototype Analysis of Hero Features. Journal of Personality and Social Psychology. 2015;108(1):114–127.
The Heroic Imagination Project. About Us.
Zimbardo P. What Makes a Hero? Greater Good Magazine. Greater Good Science Center at UC Berkeley. Published January 18, 2011.
———————————————————