Chủ nghĩa tối giản là một lối sống/phong trào từng tồn tại trong nhiều thế kỷ, nó mạnh lên rồi yếu đi như một phần của hệ tư tưởng văn hóa thời đại. Vài năm trước, nó xuất hiện trở lại một cách mạnh mẽ. Điều gì khiến con người ngày càng văn minh lại càng thích sự tối giản?
Nhân sự kiện thế giới chìm trong biển dịch Corona 2020, tôi chia sẻ bạn chủ đề này như một thông điệp con người cần chậm lại để quay vào bên trong. Sự xa hoa bên ngoài đâu đó đánh mất đi những giá trị lõi bên trong, sống tối giản phần nào đó giảm thiểu sự chú tâm ra bên ngoài, tập trung cho những giá trị thật sự.
Nhìn chung tôi thực sự thích cái ý tưởng của chủ nghĩa tối giản. Có một điều gì đó rất truyền cảm hứng về cách sống đơn giản và chắc chắn bạn sẽ nhận được một số lợi ích khi sống như thế.
Nó giúp bạn không bị vướng vào cái bẫy của chủ nghĩa tiêu thụ, giữ cho cuộc sống và tâm trí của bạn thoát khỏi gánh nặng của đồ đạc thừa mứa, cho phép bạn sống linh động và đi du lịch một cách gọn nhẹ, giúp bạn tiết kiệm tiền bạc và tập trung vào những gì thực sự có giá trị.
Nhưng, chủ nghĩa tối giản là một trong những điều bị đẩy đi quá xa. Mặc cho khao khát của tôi đôi khi muốn ôm trọn chủ nghĩa tối giản thì vẫn có một vài thứ khiến tôi không thoải mái về nó:
Chủ nghĩa tối giản nghiêm ngặt phần lớn chỉ dành cho người giàu có …
Điều đầu tiên khiến tôi suy nghĩ nghiêm túc hơn về chủ nghĩa tối giản là một bài báo tôi đọc vài năm trước trên Thời báo New York, bắt đầu như vầy:
Tôi SỐNG trong một căn hộ studio rộng 420 mét vuông. Tôi ngủ trên một chiếc giường gập xuống từ bức tường. Tôi có sáu chiếc áo sơ mi. Tôi có 10 cái bát nông mà tôi dùng để đựng salad và các món ăn chính. Khi mọi người ghé qua ăn tối, tôi mở rộng bàn ăn ra. Tôi không có đĩa CD hay DVD nào …
Tác giả của bài báo, Graham Hill, sau đó tiếp tục giải thích cách sống hiện tại của anh ấy là một sự khởi đầu lớn so với cách anh ấy đã từng sống trước đây.
Vận may bất ngờ đến với anh sau khi bán một công ty khởi nghiệp về internet vào những năm 90, Hill đam mê mua sắm những vật dụng có giá trị cao và nhận thấy cuộc đời anh ngập trong đồ đạc.
Tất cả đã thay đổi khi anh yêu một người phụ nữ đến từ Andorra, và anh gói ghém tài sản của mình trong một chiếc ba lô để theo cô đi khắp thế giới. Bằng cách đi du lịch gọn nhẹ, anh có thể đánh giá lại về mối quan hệ của mình với đồ đạc, và bây giờ cố ý sống “tối giản.”
Tôi thấy hứng thú với câu chuyện của Hill và bị cuốn hút bởi nó, và tôi không thể tìm được lý do cho những phản ứng sau này của mình cho đến khi tôi đọc được một bài tiểu luận của Charlie Lloyd:
Giàu có không phải là một con số của những đồng đôla. Nó cũng không phải con số của những món đồ, tài sản. Giàu có tức là có nhiều sự lựa chọn và khả năng gánh lấy rủi ro.
Nếu bạn thấy ai đó trên đường phố ăn mặc như một người trung lưu (giả sử, họ mặc quần jean và áo sơ mi sọc), làm thế nào để bạn biết được họ thuộc tầng lớp trung lưu hay thượng lưu? Tôi cho rằng một trong những chỉ báo tốt nhất đó là số lượng vật dụng mà họ đang mang theo.
Gần đây tôi nằm trong nhóm tầng lớp xã hội trung lưu thấp. Tôi nghĩ về điều này khi tôi phải giải quyết với cái balo của tôi, thứ đồ bị xem là thuộc về những người ở tầng lớp xã hội thấp ở những nơi như bảo tàng nghệ thuật.
Ba lô của tôi đựng chiếc máy tính xách tay dùng được 3 năm. Bởi máy đã dùng 3 năm nên pin không kéo dài được lâu nên tôi cũng mang theo cục pin sạc dự phòng. Balo cũng đựng cả giấy bút để phòng trường hợp tôi cần viết hay vẽ, mà việc này thì hiếm khi. Nó cũng đựng dây cáp để sạc chiếc điện thoại cũ của tôi. Và có cả kẹo cao su và 1 gói đồ ăn vặt. Kem chống nắng và một chai nước vào mùa hè. Một chiếc áo mưa và găng tay vào mùa đông. Có thể thêm 1 cuốn sách trong trường hợp tôi thấy chán và muốn đọc.
Nếu tôi giàu, tôi sẽ mang theo một chiếc MacBook Air, một chiếc iPad mini để đọc sách, và ví tiền. Ví tiền của tôi sẽ đảm nhận hết mọi vai trò của tất cả vật dụng có trong balo của tôi hiện giờ. Hãy ra ngoài đường mà quan sát, tôi dám cá rằng bạn sẽ nhìn thấy người giàu thường mang theo rất ít đồ đạc.
Cũng như việc mang vác theo nhiều đồ dùng, việc sở hữu chúng cũng tương tự. Người nghèo có căn phòng lộn xộn đầy đồ đạc không phải vì họ quá ngu đến nỗi không nhận ra lợi ích của lối sống đơn giản; mà họ có chúng để giảm thiểu rủi ro.
Khi người giàu bày tỏ quan điểm rằng họ đã học được cách sống nhẹ nhàng, như một nghịch lý, họ có được quan điểm đó nhờ sự chống lưng của tiền bạc. Bạn chỉ có thể có được kiểu sống gọn nhẹ đó bằng sự giàu có.
Nếu bạn mua thực phẩm với số lượng lớn, bạn cần một cái tủ lạnh lớn. Nếu bạn không đủ khả năng tài chính để thay thế mọi thiết bị trong nhà bạn thì bạn cần nhiều ngăn kéo đựng đầy thứ linh tinh.
Làm ơn đi, nếu bạn là người giàu có, đừng có đi giải thích cái ý tưởng về sự tự do thoát khỏi đống đồ đạc như thể đấy là một trò lừa mà bạn bằng cách nào đó đã chơi thành thạo.
Cách duy nhất để sở hữu cực ít đồ đạc mà vẫn an toàn là trở nên giàu có.
Về cơ bản, chủ nghĩa tối giản phần lớn là thứ mà chỉ những người khá giả mới có thể theo đuổi, bởi vì sự giàu có của họ mang đến một sự an toàn. Nếu họ vứt một món đồ nào đó và sau đó lại cần tới nó, họ chỉ cần mua lại là xong. Họ chẳng cần tay xách nách mang quá nhiều thứ ngoài một cái ví tiền khi họ ra ngoài và đi du lịch; nếu họ cần thứ gì đó, họ chỉ cần mua nó trên máy bay. Chẳng có gì phải lo lắng. Nếu bạn không khá giả thì việc thủ sẵn một món đồ sơ cua là cần thiết, ngay cả khi những bản sao lưu như vậy phá hỏng tính thẩm mỹ của việc chỉ sở hữu 100 tài sản.
…và các cử nhân triết học.
Đúng là đã có ngoại lệ cho quy tắc này trong suốt lịch sử – những người đàn ông vừa nghèo vừa cố tình sống tối giản. Họ đơn giản là không thèm quan tâm tới tài sản hay những gì sẽ xảy đến với cơ thể họ nếu họ mất chúng; nếu họ phải sống ngoài đường và xin ăn, đành vậy thôi. Chắc chắn là có một điều gì đó truyền cảm hứng về kiểu cam kết này, nhưng nó đi kèm với một vài cảnh báo.
Đầu tiên, những người đàn ông này gần như là những người độc thân – triết gia, tu sĩ, thầy giảng về tâm linh, và đại loại thế. Ngày nay, đại đa số các bậc thầy thiết kế lối sống và chuyển sang sống tối giản là đàn ông không có con.
Bây giờ mọi người có thể tranh luận cả ngày về việc liệu đây có phải là con đường mà ta nên đi hay không – giữ lấy sự tự do để làm bất cứ điều gì bạn thích, mãi mãi. Nhưng đối với những ai kiên định với niềm tin rằng gia đình tạo nên hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời, lối sống tối giản nghiêm ngặt trở thành điều bất khả thi, không được mong muốn. Tôi có thể cho các con tôi ngủ trong một hộp các tông và sử dụng một cành cây làm đồ chơi, nhưng có một số món đồ sẽ giúp việc nuôi nấng con cái trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Thứ hai, số lượng những người sống tối giản nghiêm ngặt trong lịch sử ít một cách khó tin. Chỉ lấy một ví dụ, Henry David Thoreau thường được coi là linh mục tối cao của chủ nghĩa tối giản (“Đơn giản hóa, đơn giản hóa, đơn giản hóa!”). Quả thực ông có rất ít đồ đạc khi sống ở cạnh đầm Walden (mặc dù gia đình ông thường mang đồ ăn cho ông ta), ông đã dành phần lớn thời gian còn lại của cuộc đời để chiếm giữ căn gác của cha mẹ ông trong một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi và an toàn. Ông ta tích lũy một bộ sưu tập lớn cả sách và mẫu vật tự nhiên làm bừa bộn khu nhà ở của mình, và ông ta rất yêu thích những bộ sưu tập này.
Chủ nghĩa tối giản vẫn biến đồ đạc thành tâm điểm trong cuộc sống!
Điều trớ trêu lớn của chủ nghĩa tối giản là trong khi nó có ý định giải phóng bạn khỏi sự tập trung vào đồ đạc, nó vẫn khiến đồ đạc trở thành tâm điểm của cuộc đời bạn!
Những người theo đuổi vật chất tập trung vào việc tích lũy mọi thứ, trong khi người tối giản tập trung vào việc thoát khỏi những thứ ấy…rốt cuộc cả hai đều tập trung suy nghĩ của họ vào đồ vật.
Nó giống như một người ăn uống vô độ và một người chán ăn. Một người thì rất thích ăn, và ăn ngập mồm bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu anh ta có thể. Người kia thì ghét ăn, ghét bản thân vì ăn và sau đó nôn ra hết. Nhưng cả hai đều bị ảm ảnh bởi thức ăn.
Sự thỏa mãn mà một người có được từ việc dọn dẹp đống lộn xộn từng khiến tôi cảm thấy hơi bối rối (dù bản thân tôi đã trải nghiệm điều đó!); bạn tích lũy đồ vật, và sau đó thích thú khi tống chúng ra khỏi cuộc đời bạn, rồi lặp lại chu kỳ đó một lần nữa. Thật là một hiện tượng kỳ lạ của Thế giới thứ nhất.
Chủ nghĩa tối giản ôn hòa
Như tôi đã nói lúc đầu, tôi nghĩ chủ nghĩa tối giản là một điều tuyệt vời, chỉ khi không bị đẩy đến mức cực đoan. Một người nên có mối quan hệ lành mạnh với tài sản của mình, và điều đó có nghĩa là có được thái độ đúng đắn về chúng, và không phải bận tâm quá nhiều về chúng.
Hầu hết những người đàn ông tuyệt vời mà tôi ngưỡng mộ trong lịch sử đều biết những gì họ cần và thích.
Họ tích lũy những thứ vừa thiết thực vừa đơn giản mang lại cho họ niềm vui.
Họ mua những món đồ chất lượng tốt và sẽ không phải thay chúng nhiều lần.
Họ không tích trữ hoặc vây quanh mình bằng những thứ đồ linh tinh.
Họ không vứt bỏ đồ vật và làm eo hẹp ngân sách của họ để theo kịp mọi người.
Và họ không cần phải biến triết lý về đồ vật thành trung tâm trong cuộc đời họ, vì họ có quá nhiều thứ khác cần để tâm.
Họ không có thời gian để lo lắng không biết liệu sở hữu 103 món đồ có phải là quá nhiều, hay liệu thư viện sách tại nhà của họ có nên giảm bớt, hay căn hộ studio của họ treo quá nhiều tranh nghệ thuật trông lộn xộn. Nhưng họ là những người tối giản ở những thứ quan trọng: trong việc giảm bớt những kẻ gây lãng phí thời gian và những kẻ rút cạn cảm xúc và năng lượng của người khác, kìm hãm họ tạo ra một di sản giàu có và nam tính.
Nguồn: https://www.artofmanliness.com/articles/the-problem-with-minimalism/
———————————————-