Mỗi chúng ta đều từng là một đứa trẻ. Đứa trẻ đó bây giờ đã được thay thế bởi hình hài của một người trưởng thành có thể gọi là hoàn hảo, một người trưởng thành gánh vác trên vai biết bao nhiêu là trách nhiệm.

Tuy nhiên, đứa trẻ mà bạn đã từng là, vẫn còn tồn tại trong con người bạn.

Một số người có một tuổi thơ khắc nghiệt đầy những tổn thương, bên ngoài trông giống một người trưởng thành, nhưng bên trong là một đứa trẻ năm tuổi đầy những giận giữ, mất lòng tin vào thế giới, có thể “bùng nổ” bất cứ khi nào.

Đó là vô thức của bạn.

Để chữa lành đứa trẻ bên trong đang giận dữ, đang tủi thân, trước hết bạn phải khám phá những tổn thương, những cảm xúc tiêu cực mà đứa trẻ trong bạn đã được dạy rằng phải kiềm nén. Tiếp theo là dành thời gian để tiếp xúc, trò chuyện, lắng nghe và nuôi dưỡng đứa trẻ ấy, bạn có thể chữa lành gốc rễ các vấn đề của chính mình trong tương quan với bản thân và với người khác.

Làm cách nào để chữa lành đứa trẻ bên trong?

 

CHỮA LÀNH ĐỨA TRẺ BÊN TRONG

1. Đối thoại với đứa trẻ bên trong.
2. Viết lại những điều mà bạn đã cảm nghiệm về đứa trẻ bên trong mình.
3. Tĩnh tâm/thiền để cảm nhận được sự kết nối với đứa trẻ bên trong.
4. Tưởng tượng đứa trẻ bên trong mình là một người bạn qua hình ảnh búp bê, thú bông… để trò chuyện.
5. Cho phép bản thân làm những việc mà bạn yêu thích khi còn nhỏ.
6. Chăm sóc và yêu thương bản thân.
7. Tìm đến các chuyên gia tâm lý.

Những điều này nghe có vẻ kỳ quặc, thế nhưng lợi ích thực sự của những điều này là gì?

1. Tìm lại những ký ức bị kiềm nén đang níu giữ bạn.
2. Trải nghiệm lại cảm xúc sau nhiều năm bị tê liệt.
3. Củng cố nội lực bản thân.
4. Cảm thấy yêu thương bản thân, bao dung với chính mình.
5. Tận hưởng cuộc sống và cảm thấy có ý nghĩa.
6. Có được sự tự tin trong bản thân.

Tại sao đứa trẻ bên trong của bạn luôn phải đè nén cảm xúc?

 

Tổn thương thời thơ ấu khiến một đứa trẻ xấu hổ, điều đó có nghĩa là trẻ sẽ cảm thấy chúng phải che giấu trải nghiệm và /hoặc cảm xúc của mình để sống sót.

Nếu bạn bị cha mẹ kiểm soát, hoặc nếu bạn được dạy để tin rằng bạn chỉ có thể chấp nhận và đáng yêu nếu bạn là người tốt, thì bạn sẽ học cách che giấu những cảm xúc như buồn bã hoặc tức giận mà có thể khiến bạn gặp rắc rối.

Nếu bạn trải qua sự từ chối, từ bỏ hoặc lạm dụng, bạn sẽ học cách che giấu nỗi đau và nỗi sợ hãi để không bị tổn thương hoặc bị từ chối một lần nữa.

Những cảm xúc bị kìm nén ảnh hưởng đến con người trưởng thành. Bạn có khuynh hướng nuôi dạy con theo cách mà từ bé bạn từng ao ước; cảm giác bị bỏ rơi sẽ khiến bạn buông xuôi, từ chối bất cứ ai muốn gần gũi bạn để né tránh cảm giác bị bỏ rơi.

Ví dụ, nếu bạn được dạy để kìm nén nỗi đau, bạn có thể chạy trốn khỏi những mối quan hệ tốt hơn để không cho phép bản thân bị tổn thương lần nữa. Kết quả cuối cùng là bạn luôn cảm thấy cô đơn. Hoặc, nếu bạn được dạy, bạn phải luôn luôn làm hài lòng người khác để giành tình yêu, bạn tất bật thu gom tất cả công việc cho mình, đáp ứng vô vàn đòi hỏi từ người khác để có cảm giác có giá trị trong mắt người khác.

Chữa lành đứa trẻ bên trong giúp bạn đón nhận được cảm xúc của mình, đón nhận những tổn thương, những ưu – khuyết điểm. Cuối cùng, bạn trở thành một người trưởng thành biết tôn trọng và chăm sóc các nhu cầu của riêng mình.

—————————————