Hiểu biết hơn về bản thân và về người bạn đời.
Và ngươi sẽ biết sự thật
và sự thật sẽ làm cho ngươi tự do.
Mặc dù chúng ta đã đồng ý về nguyên tắc rằng người bạn đời của chúng ta có quan điểm riêng và những nhận thức vững chắc riêng của họ. Nhưng ở mức độ cảm xúc, chúng ta vẫn chấp nhận một cách miễn cưỡng sự thật giản dị này.
Chúng ta thích được tin rằng, ta nhìn thế giới như thế nào thì thế giới đúng là như vậy. Khi người bạn đời bất đồng với chúng ta, chúng ta nghĩ rằng họ bị thông tin sai lạc hoặc có quan điểm méo mó. Vậy điều đó đúng hay sai?
Một số người cố thủ trong quan điểm cá nhân của mình về thế giới. Tôi có một thân chủ tên là Gene, là một người như vậy.
Ông là giám đốc một công ty ăn nên làm ra, quen thống trị mọi thứ quanh mình với một trí thông minh sáng chói. Ông hoàn toàn che khuất bà vợ, một phụ nữ tốt bụng và lịch sự tên là Judy. Bà ta ngồi bên cạnh ông với cái đầu cúi gằm và hai vai rũ xuống như một đứa trẻ bị quở phạt.
Một trong những chủ đề của đợt chữa trị đầu tiên của tôi là nâng đỡ Judy để bà có đủ can đảm bày tỏ quan điểm của mình trước mặt ông chồng oai vệ. (Trong các sách giáo khoa tâm lý học, điều này được gọi là: “cung cấp cán cân điều trị”).
Thường thường, ngay khi bà thốt ra một vài câu, Gene đã lập tức bắt bẻ ý kiến của bà. “Sai! Hoàn toàn không đúng”, ông ta sẽ tuyên bố như vậy và bắt đầu bảo vệ vị trí của mình. “Đó không phải là ý kiến của tôi mà chỉ là một chuyện bịa đặt”.
Tôi có thể thấy ngay rằng ông ta tin tưởng chắc chắn quan điểm của mình là điều duy nhất đúng và chỉ một mình ông ta nắm chắc hiện thực. Tôi chẳng biết phải nói thế nào về nhãn quan hẹp hòi của ông ta, ông ta đã đưa cuộc đối thoại vào ngõ cụt.
Bắt đầu đợt tham vấn thứ 8 của chúng tôi, tôi chợt nảy ra một sáng kiến, Judy đánh bạo nói về vụ va chạm mới đây giữa Gene và bố ông ta.
Gene, Judy và ông bố của Gene cùng ăn bữa tối. Ông bố Gene đã nói điều gì đó với con trai và làm Gene tự ái. Judy cho rằng ông bố chỉ góp ý có tính cách xây dựng, còn Gene lại cho rằng thái độ của bố mình là thô bạo và thù địch. Gene lên giọng: “Em lại sai rồi, Judy. Sao em có thể mù quáng đến thế!”.
Tôi ngăn cuộc đối thoại ấy lại và bảo họ rằng tôi muốn họ tạm gạt những quan điểm khác biệt sang một bên và dành ra mươi phút nghe một băng nhạc cổ điển mà tôi đã chuẩn bị sẵn, đó là bản Sonate violon của Franck.
Tôi mở máy cassette, mời họ nghe bản nhạc và yêu cầu họ để ý đến những hình ảnh thoáng qua trong tâm trí. Họ bối rối một chút bởi đề nghị của tôi và dường như Gene có vẻ bứt rứt: nghe nhạc liệu có giúp gì cho việc giải quyết những khó khăn của họ? Nhưng giờ đây, Gene cũng đã ít nhiều tin cậy tôi sau vài đợt điều trị, ông nghĩ rằng tôi phải có lý do xác đáng nào đó mới đưa ra đề nghị như vậy.
Cả ba chúng tôi ngồi im lặng nghe nhạc. Tôi tắt máy khi bản nhạc sang chương 2 và biết rằng mình đang làm chủ tình thế, tôi lần lượt hỏi Gene và Judy xem họ nghĩ gì về bản nhạc.
Gene lên tiếng trước: “Bản nhạc thú vị và rất trữ tình. Tôi đặc biệt thích tiếng violon trong chương 1”. Ông ta nhai kẹo cao su và tôi có cảm tưởng rằng ông đang nhai những nốt nhạc trong trí nhớ. “Giai điệu thật đẹp”, ông tiếp tục. Theo như những định ngữ mà ông vừa dùng, có lẽ ông đang ở tâm trạng hứng khởi. “Không hiểu sao tôi hình dung ra một vùng biển rộng. Có điều gì đó gợi nhớ đến bản sonate của Debussy. Ngay cả khi Franck tỏ ra ít ấn tượng hơn, vẫn có những đoạn rất gợi cảm. Có lẽ nó thuộc về truyền thống Pháp”.
Tôi quay lại Judy và hỏi quan điểm của bà. “Thật dễ chịu”, bà nói với một giọng trầm ít thấy ở bà, “tôi có một cảm giác hơi khác khi nghe bản nhạc này”. Bà ngồi lún sâu hơn vào ghế bành và tỏ ra không muốn nói thêm. Không biết ông chồng sẽ lại chỉ trích như thế nào?
“Hãy nói cho tôi biết và thấy gì, Judy”, tôi động viên bà. “Tôi cũng muốn biết những điều bà nghĩ”.
“Được”, bà nói và hắng giọng. “Tôi có cảm tưởng bản nhạc như một cơn bão trong đầu tôi, đặc biệt là phần piano và dàn dây. Tôi hình dung những đám mây giông và gió thổi mạnh – một bầu trời tối sầm”.
“Em à, điều gì làm em hình dung một cách bi kịch như vậy?”, Gene hỏi với cái giọng kẻ cả quen thuộc ông vẫn dành cho vợ. “Anh chỉ cảm thấy êm đềm, dịu dàng thôi. Nghe kỹ lại nào, Judy, và em sẽ thấy là anh nói đúng. Đó là một trong những bản nhạc trữ tình nhất. Có đúng thế không, ông bạn?” (giống như nhiều người khác, ông ta luôn cố gắng kéo bác sĩ tâm lý về phía quan điểm của mình).
“Phải, tôi thấy như vậy”, tôi tán thành Gene. “Bản nhạc thật trang trọng, lãng mạn và có những đoạn rất êm dịu”. Rồi tôi quay lại Judy và nói. “Nhưng tôi cũng đồng ý với bà, Judy ạ. Có những đoạn đầy đam mê và bi kịch. Tôi nghĩ rằng cả 2 bạn đều đúng”. Gene gõ ngón tay trên thành ghế.
“Tôi có ý kiến”, tôi nói, “Tại sao chúng ta không nghe lại bản nhạc này lần nữa? Nhưng lần này tôi muốn các bạn tìm những bằng chứng không phải cho quan điểm của mình mà cho quan điểm của người kia. Gene, ông hãy chú ý những đoạn cao trào và nhiều kịch tính, còn Judy, bà có thể tìm những mảng tươi sáng, trữ tình”.
Tôi quay lại băng nhạc và họ nghe lần nữa. Và rồi tôi lại hỏi quan điểm của họ. Lần này cả hai chú ý lắng nghe những gì đã gây ấn tượng khác biệt ban đầu đối với họ.
Gene có một quan sát thú vị. Khi nghe bản sonate lần đầu, ông có sự quan tâm đặc biệt tới tiếng violon. Nhưng lần sau, khi chú ý hơn tới phần piano, ông hiểu tại sao ông và Judy lại có những quan điểm khác nhau. “Bản nhạc có nhiều sắc thái, đặc biệt là những hợp âm rải của piano ở đoạn mở đầu của chương 2. Đó là một trường đoạn hay mà lần nghe trước tôi đã bỏ qua. Tôi phải tĩnh trí để nghe lại và quả là nó có ấn tượng của giông bão”.
Judy cũng vậy, bà đã có thể hiểu các ấn tượng ban đầu của Gene. Bản nhạc dường như êm dịu hơn đối với bà ở lần nghe sau: “Quả là có những đoạn rất êm đềm, trữ tình, nhất là đoạn đầu tiên”.
Nhờ nghe bản nhạc trên quan điểm của người khác, họ đã hiểu rằng môt bản sonate cũng có thể trở nên phong phú hơn hẳn so với ấn tượng ban đầu của họ. Nó có những đoạn bi kịch và cả những đoạn trong sáng, nó phức tạp và đa diện.
Gene thốt lên: “Thật kỳ diệu nếu như chúng ta có thể trò chuyện với các nhạc sĩ để hiểu những ấn tượng của họ hoặc trao đổi với một nhà nghiên cứu âm nhạc. Mỗi người có thể bổ sung cảm nghĩ riêng của mình vào bản nhạc. Bản nhạc trở nên sâu sắc hơn và phong phú hơn”.
Tôi hài lòng với kết quả của cuộc thảo luận này, trò chơi đã thành tựu. “Đó chính là những gì mà tôi hy vọng ông cảm nhận được”, tôi nói với Gene. “Và đó cũng là mục tiêu của bài tập này.
Nếu cả hai bạn cùng có những quan điểm rộng rãi tương tự, các bạn sẽ nhận thức được hai điều: mỗi người đều có quan điểm vững chắc của riêng mình và thực tại rộng lớn hơn và phức tạp hơn những gì mỗi người có thể nhận thức được.
Mỗi người có thể có một ấn tượng về thế giới nhưng nếu mở rộng tầm mắt, bạn có thể tiếp cận sự thật gần hơn. Có một điều chắc chắn là nếu bạn tôn trọng quan điểm của người khác và xem nó như một cách mở rộng tầm mắt của mình, bạn sẽ thu nhận được một hình ảnh xác đáng hơn, rõ ràng hơn về thế giới”.
Được trang bị một tinh thần hợp tác mới mẻ, tôi hướng dẫn Gene và Judy quay lại thảo luận về cuộc va chạm giữa Gene và người cha.
Gene cũng đồng ý rằng đằng sau lời phê bình của cha mình có những thiện ý. Có lẽ ông ta đã nhìn nhận các ý kiến của cha mình theo hướng mà ông ta đã lắng nghe phần piano trong bản sonate của Franck vừa qua.
Ngược lại, Judy cũng đánh giá đầy đủ hơn về sự khác biệt giữa hai thế hệ cha và con. Bà cũng nhìn nhận rõ ràng hơn câu chuyện giữa Gene và người cha trong bữa ăn, bà hiểu tại sao chồng mình lại bực bội, mà lúc đầu dường như bà không thể thông cảm.
Vậy là chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã có thể nhìn bằng hai con mắt thay vì một con mắt như trước.
Suối nguồn ẩn giấu Tri thức
Khi bạn thừa nhận một thực tại bị giới hạn trong nhận thức của mình và thừa nhận sự đúng đắn trong nhận thức của người bạn đời, một thế giới toàn vẹn sẽ mở ra trước mắt bạn. Thay vì thấy những quan điểm của người bạn đời như một nguồn gốc của xung đột, bạn sẽ thấy chúng như một nguồn gốc tri thức.
“Anh thấy những gì mà sao em không thấy?” hay: “Em biết điều gì mà sao anh không biết ?”. Hôn nhân mang lại cho bạn cơ hội để tiếp tục học hỏi trong thực tại của chính mình và trong thực tại của người khác.
Mỗi một mối tương giao hàm chứa một hạt mầm của chân lý, một mảnh của hiểu biết và một cái nhìn xuyên thấu cõi sâu kín và toàn vẹn của chính bạn. Khi bạn bổ sung nền móng tăng trưởng của tri thức, bạn cũng sáng tạo một tình yêu đích thực, một tình yêu đặt cơ sở trên sự thật hiển lộ ở chính bạn và ở người bạn đời chứ không phải trên một ảo tưởng lãng mạn nào.
Bạn cần nhận thức rõ ràng hơn về “chương trình” ẩn giấu mà bạn mang vào cuộc hôn nhân, về những tính cách bị chối bỏ của bạn, về thế giới nội tâm của người bạn đời và về tiềm năng chữa trị của quan hệ hôn nhân.
Khi bạn từ góc độ này xem xét mối quan hệ giữa Gene và Judy, chắc chắn câu chuyện sẽ mở rộng nhãn quan của bạn và bạn sẽ sẵn sàng công nhận giá trị cũng như học hỏi từ những nhận thức của người bạn đời. Một khi cả hai vợ chồng biểu thị mong muốn mở rộng ý niệm cá nhân về thế giới, mỗi chi tiết của đời sống hàng ngày sẽ trở nên một mỏ vàng của tri thức.
Một khu vực đặc biệt có ích đối với tôi về tri thức ẩn giấu này là những ý kiến chỉ trích, nói ra và không nói ra, về người bạn đời. “Anh không bao giờ về nhà đúng hẹn”, “Em không thể tin anh được”, “Em không thể nghĩ khác về anh được sao?”, “Anh thật ích kỷ”. Vào lúc mà bạn nói những lời đó, bạn tin rằng chúng mô tả xác đáng về người bạn đời. Nhưng sự thật là những lời nói đó lại thường mô tả một phần của chính con người bạn.
Xem xét ví dụ về một cặp vợ chồng, ta có thể rút ra nhiều kết luận từ một lời phàn nàn khó chịu lặp đi lặp lại.
Giả sử, một người đàn bà luôn miệng cằn nhằn chồng mình về tính cẩu thả: “Anh lúc nào cũng bừa bãi! Em không thể trông mong gì ở anh được!”. Khi chồng cô yêu cầu một dẫn chứng cụ thể, cô bắt bẻ chồng: “Đấy, kỳ nghỉ vừa rồi xem anh sửa soạn tệ như thế nào! Quên hết thứ này đến thứ khác. Đến sinh nhật con, anh cũng quên. Hễ vào bếp là anh lại làm lộn xộn bừa bãi mọi thứ!”.
Điều dễ hiểu người chồng sẽ đáp lại cả mớ những lời phê phán đó bằng sự phủ nhận hoàn toàn và còn trả đũa: “Không đúng. Em chỉ phóng đại mọi chuyện. Chính em cũng cẩu thả bừa bãi còn hơn cả anh nữa!”.
Vậy làm thế nào để biến những lời lẽ nặng nề ấy thành một thông điệp nhẹ nhàng dễ nghe?
Đầu tiên, người chồng cần xem lại chính mình, nếu như trong thâm tâm, anh ta thừa nhận rằng trong sự chỉ trích của vợ, có một vài sự thật nào đó. Hầu hết mọi người đều sành sõi trong việc phát hiện gót chân Achiles ở kẻ khác. Và đáng buồn thay, hầu hết đều sử dụng phát hiện đó để kết tội và như vậy sẽ lập tức đánh thức bản năng tự vệ của người bị chỉ trích.
Nếu như người chồng vượt qua được phản ứng tự vệ của mình, anh ta có thể nhận ra cuộc sống của anh ta quả là cũng có khá nhiều điều cẩu thả bừa bãi. Nỗi bực bội vì bị chỉ trích là một món nợ lớn, chính bởi sự xác đáng của lời phê bình. Nếu anh ta chấp nhận sự thật trong lời nhận xét, anh ta có thể nhận ra một nét tính cách bị chối bỏ của vợ mình.
Nhận thức này sẽ loại bỏ nhu cầu trả đũa của anh ta, để phóng rọi nét tính cách ấy trở lại người vợ và mang đến cho anh ta một cơ sở cần thiết cho sự trưởng thành và thay đổi.
Quan sát trên đây về những tri thức ẩn giấu trong sự chỉ trích có thể được diễn đạt thành các nguyên tắc phổ biến như sau:
Nguyên tắc 1: Hầu hết các lời chỉ trích của người bạn đời nói về ta có những cơ sở hiện thực.
Một cặp vợ chồng có thể học được điều gì thêm nữa qua việc hoán đổi vị trí?
Một người phụ nữ đầu óc cởi mở có thể thu thập được một số thông tin bổ ích về những chấn thương tuổi thơ của chính mình. Cô có thể làm điều này theo một cách thức đơn giản. Đầu tiên, cô viết những lời chỉ trích của mình ra một tờ giấy: “Anh lúc nào cũng cẩu thả như thế!”. Rồi cô tự trả lời những câu hỏi sau:
– Tôi cảm thấy ra sao nếu chồng tôi cũng nói với tôi như vậy?
– Tôi nghĩ gì khi chồng tôi nói như vậy?
– Những xúc cảm sâu xa nào nằm bên dưới những cảm nghĩ ấy ?
– Phải chăng tôi đã có những cảm xúc và ý nghĩ ấy từ hồi ấu thơ ?
Qua tiến trình phân tích tâm lý đơn giản này, cô có thể nhận thức rằng: phải chăng thái độ của chồng cô đã gợi lên một hồi ức mạnh mẽ từ tuổi thơ của cô?
Chúng ta giả thiết là bài tập đã giúp người phụ nữ khám phá ra rằng: hồi còn nhỏ, cha mẹ cô cũng thường tỏ ra cẩu thả bừa bãi và dành rất ít thời gian cũng như công sức để quan tâm tới các nhu cầu của cô.
Điều dễ hiểu là khi chồng cô có những cung cách tương tự, cô lại cảm thấy nỗi sợ hãi mà cô đã có hồi thơ ấu. Ẩn giấu trong lời chỉ trích của cô đối với sự cẩu thả của chồng là tiếng khóc phiền muộn từ tuổi thơ: “Sao không một ai săn sóc quan tâm săn sóc đến tôi?”
Điều này dẫn chúng ta đến nguyên tắc thứ hai.
Nguyên tắc 2: Nhiều ý kiến chỉ trích cay đắng và dai dẳng của ta về người bạn đời là sự thể hiện (được ngụy trang) những nhu cầu không thỏa mãn của chính ta.
Một hiểu biết khác có thể rút ra từ những lời chỉ trích như vậy.
Lời chỉ trích của người phụ nữ đối với chồng có thể diễn đạt xác đáng về thói cẩu thả thì chính cô cũng cẩu thả bừa bãi như chồng. Nhận ra điều này, cô có thể tự hỏi mình một câu hỏi khá quen thuộc: “Làm thế nào mà những điều tôi chỉ trích chồng tôi lại cũng đúng với tôi như vậy?”
Cô đinh ninh rằng cung cách cẩu thả của cô khác hẳn cung cách của chồng cô. Cô có thể giữ bếp núc gọn gàng ngăn nắp, hoặc sửa soạn chu đáo cho kỳ nghĩ – những việc “hóc búa” đối với chồng – nhưng cô lại hết sức lúng túng trong công việc ở cơ quan hoặc chi tiêu bừa bãi ngân sách gia đình.
Với nhận thức mới này, cô có thể quyết định sẽ cố gắng xua đuổi bóng ma của phần bản ngã tiêu cực bà bị chối bỏ của cô bằng cách “ngoại hiện” nó, ánh xạ phần bản ngã vào chồng cô và rồi chỉ trích nó.
Nếu cô thấy điều đó là sự thật, cô sẽ có được hiểu biết cần thiết cho phép cô phân tích những tính cách tiêu cực của chính cô ra khỏi người bạn đời. “Tôi cẩu thả kiểu này, còn chồng tôi lại cẩu thả kiểu khác”.
Theo thuật ngữ tâm lý học, cô đã “thú nhận” và “rút bỏ” những xạ ảnh của mình. Jesus đã nói một cách thi ca hơn về điều này: “Các ngươi không thấy thanh xà trong mắt mình mà lại thấy hạt bụi trong mắt người anh em của các ngươi!”
Điều này dẫn chúng ta đến quan sát thứ ba về sự chỉ trích.
Nguyên tắc 3: Một số ý kiến chỉ trích cay đắng và dai dẳng của ta về người bạn đời có thể là một mô tả xác đáng phần bản ngã bị chối bỏ của chính ta.
Thường thường, khi một sự chỉ trích thường xuyên không phải là sự mô tả một phần bản ngã bị chối bỏ, nó sẽ mô tả một khía cạnh vô thức khác là phần bản ngã bị mất.
Nếu người phụ nữ ấy xem xét kỹ càng hành vi của mình và thấy mình gọn gàng ngăn nắp trong mọi khía cạnh đời sống. Lời chỉ trích của cô về người bạn đời có thể là một ước muốn vô thức: ít phải gọn gàng ngăn nắp hơn, có nghĩa là thư giãn hơn, linh hoạt hơn và tự phát hơn. Khi cô chỉ trích chồng cô vì những hành vi buông thả, có thể là cô đang oán hận sự tự do của anh ta mà cô không biết.
Khi những người phối ngẫu chỉ trích nhau là hiếu động quá, lẳng lơ quá, ham vui quá, tham công tiếc việc quá thường là họ đang nhận dạng những khu vực bị dồn nén và không phát triển của chính tâm trí họ. Bây giờ chúng ta nói đến nguyên tắc thứ tư và là nguyên tắc cuối cùng.
Nguyên tắc 4: Một số ý kiến chỉ trích của ta về người bạn đời có thể giúp ta nhận dạng phần bản ngã đã mất của chính ta.
Ở chương sau, trong một bài tập có tên là bài tập Giải tỏa, tôi sẽ trình bày với các bạn một hiểu biết nhỏ, mà các bạn có thể thu nhặt từ những lời chỉ trích lẫn nhau và đưa nó vào một tiến trình hỗ trợ tăng trưởng hiệu quả.
Hiểu biết thế giới nội tâm của bạn đời
Việc xem xét những lời chỉ trích của bạn về người bạn đời sẽ giúp bạn thu thập tri thức về chính mình. Bạn có thể gia tăng hiểu biết của bạn về người bạn đời như thế nào?
Câu trả lời là: thông qua sự cải thiện các kênh giao tiếp.
Suốt quá trình quan hệ, người bạn đời đã mang lại cho bạn hàng ngàn giờ phút bằng chứng về những ước muốn, tư tưởng và cảm xúc của người ấy, nhưng chỉ một phần nhỏ những thông tin đó được thu nhận. Để đào sâu hiểu biết của bạn về thực tại chủ quan của người bạn đời, bạn cần phải tự đào luyện để có thể giao tiếp hiệu quả hơn.
Để làm điều này, bạn cần biết đôi chút về ngữ nghĩa học: ngay cả khi hai vợ chồng cùng nói một ngôn ngữ, mỗi người vẫn chỉ khoanh vùng trong một thế giới đặc thù của những ý nghĩa riêng tư. Lớn lên trong những gia đình khác nhau với những kinh nghiệm sống khác nhau sẽ mang lại cho mỗi người một ngữ vựng riêng.
Ngữ vựng
Một ví dụ thông thường, chúng ta hãy xem xét một mệnh đề đơn giản: “Chúng ta chơi tennis” có ý nghĩa như thế nào ở hai gia đình khác nhau.
Ở gia đình A, câu này được xác định ngầm đầy đủ như sau: “Chúng ta hãy nhặt cây vợt cũ vứt đâu đó quanh phòng, ra công viên quận, đánh trái banh nỉ qua lưới đến khi một trong hai người không muốn chơi nữa. Luật chơi là thứ yếu, chỉ để tập đánh thôi”.
Còn ở gia đình B, câu này có nghĩa khác hẳn: “Chúng ta dành ra vài giờ giải trí ở câu lạc bộ với những cây vợt giá 200 đôla, để quyết đấu, đến khi một bên chiến thắng mới thôi”.
Mark, thuộc gia đình A, sửng sốt vì tình gây gổ và quả quyết của vợ mình là Susan, vốn sinh trưởng trong gia đình B, khi chơi tennis.
Một ví dụ còn tầm thường hơn là sự liên tưởng của Mark và Susan với câu: “Chúng ta nói chuyện đó”.
Ở gia đình Susan, câu đó có nghĩa là: “Tất cả người lớn ngồi quanh bàn và thảo luận một cách bình tĩnh, hợp lý về những điểm bất đồng đến khi thỏa thuận được một chương trình hành động”.
Còn ở gia đình Mark, câu đó lại có nghĩa là: “Đây là một đề tài mà chúng ta sẽ bàn sơ qua và sẽ gác lại đến khi nào thuận tiện”. Ẩn bên dưới sự đề cập tùy hứng hơn của gia đình Mark là triết lý sau: ngay cả những vấn đề gay cấn nhất cũng có thể “tà tà” giải quyết.
Khi Susan đề nghị Mark “ nói chuyện đó”, thực sự chỉ là chuyện con họ bị điểm kém ở trường. Mark nói qua loa lăm câu rồi xem tivi, còn Susan thì tỏ ra giận dữ. Mark sửng sốt hơn nữa khi Susan bỏ ra ngoài với vẻ bực bội, vài giờ sau vẫn chưa thấy cô về. Anh làm điều gì sai trái? Điều sai trái của anh chỉ là ngỡ rằng hai vợ chồng nói cùng một ngôn ngữ.
Từ chối
Bên cạnh vấn đề ngôn ngữ riêng, còn một ngõ cụt khác của quá trình giao tiếp. Có lẽ cơ chế phổ biến nhất là sự từ chối: bạn chỉ đơn giản từ chối tin những gì người bạn đời nói.
Sau đây là một ví dụ: Joseph và Amira đến tham dự một khóa tham vấn cuối tuần của tôi. Joseph là một nhà báo 40 tuổi còn Amira là một diễn viên truyền hình 25 tuổi. Họ đều là những người hấp dẫn và thành đạt.
Một chiều thứ bảy, khi cuộc hội thảo diễn ra nửa chừng thì căn nguyên then chốt của mâu thuẫn giữa hai người bắt đầu lộ diện. Trong quá trình thảo luận, bỗng Joseph bộc lộ rằng anh mong muốn một cách tuyệt vọng tạo dựng một gia đình.
“Tôi đáng tuổi làm ông rồi mà vẫn chưa làm bố”, anh than thở. Nhưng Amira lại muốn trì hoãn có con. Sự nghiệp của cô chỉ mới khởi đầu, và cô không muốn mất nhiều thời gian cho con cái trước tuổi 35. Cô phản đối rằng, việc này cô đã nói với Joseph trước khi cưới nhau và cô không muốn có con nếu chưa phải là đã quá muộn. “Tôi đã khẳng định rõ ràng vấn đề này và đã nói với anh ấy không biết bao nhiêu lần mà anh ấy vẫn không chịu nghe. Chắc tôi sẽ phải mặc một chiếc T-shirt với mấy chữ to tướng: “Tôi không sẵn sàng có con”.
Joseph thừa nhận rằng Amira đã nói rõ quan điểm của cô với anh nhưng anh lại thuyết phục mình rằng cô sẽ không làm như cô nói: “Tôi tin chắc rằng cô ta chỉ tự đánh lừa mình thôi. Làm sao mà việc đóng một vai vớ vẩn trong một vở ca kịch tầm phào lại quan trọng hơn việc làm mẹ cơ chứ?”. Thỏa mãn nhu cầu khẩn thiết: có con, đối với anh là điều hết sức quan trọng và anh đã không đếm xỉa đến những quan tâm ưu tiên của vợ mình.
Chúng ta đều có những “điểm nóng” ngầm trong quan hệ vợ chồng, những điểm mà sự trông đợi của chúng ta ở người bạn đời bị xung đột với thực tại. Khi người bạn đời tỏ ra mâu thuẫn với điều “tâm đắc” của chúng ta, chúng ta có cả một kho vũ khí giúp ta bảo vệ ảo tưởng.
- Chúng ta kết tội họ: “Em thật tồi tệ (thô bạo, vô cảm, thù địch, dốt nát…) mới cư xử như vậy!”.
- Chúng ta còn “giáo dục” họ: “Em không thực sự cảm thấy như vậy. Điều mà em thực sự cảm thấy chính là…”.
- Chúng ta gạt bỏ họ: “Ái chà, thú vị đấy! Anh xin nói với em rằng…”
- Hoặc chúng ta mổ xẻ họ: “Lý do khiến em không chấp nhận là bao nhiêu năm trước mẹ em đã…”.
Trong tất cả các phản ứng này, điều mà chúng ta cố gắng làm là thu giảm cảm giác về bản ngã của người bạn đời và tái định vị nó với ảo giác tự tôn của chính chúng ta.
Thật đáng buồn, đó chính là điều đã xảy ra trong tuổi thơ ấu của người bạn đời. Hoặc kiểu này hoặc kiểu nọ, người nuôi dưỡng ngày xưa đã từng nói với người bạn đời của chúng ta rằng: “Chỉ có vài cảm xúc của con là đúng đắn. Chỉ có một phần nhỏ những cảm xúc và hành vi của con là được chấp nhận”. Thay vì giúp đỡ người bạn đời hàn gắn những vết thương cảm xúc ấy, chúng ta lại tiếp tục đưa ra lời phán xét.
Bài tập Soi gương
“Soi gương” là tên gọi một kỹ thuật giao tiếp với hai chức năng quan trọng:
1. Giúp giảm thiểu những dị biệt ngữ nghĩa giữa hai vợ chồng.
2. Rèn luyện khả năng lĩnh hội dễ dàng hơn những thông điệp ngôn ngữ của người bạn đời.
“Soi gương” là một bài tập có vẻ giản dị mà các nhà tham vấn hôn nhân thường sử dụng. Khi bạn có một điều gì đó để giao tiếp, một ý tưởng hoặc một cảm xúc, bạn diễn đạt nó đơn giản trong một câu thông báo ngắn bắt đầu với từ: “Tôi..” “Anh…” hoặc “Em…”.
Ví dụ: “Anh rất vui vì đêm qua chúng ta đã nói chuyện ấy”. Người bạn đời sẽ diễn giải ý kiến của bạn và yêu cầu bạn xác nhận: “Đêm qua anh thấy sung sướng vì chúng ta đã có dịp trò chuyện về những điều phiền muộn mới đây. Em hiểu như vậy có đúng không?”.
Hai bạn sẽ lặp lại tiến trình này tới khi người bạn đời của bạn đã hiểu rõ cả nội dung ngữ nghĩa lẫn nội dung cảm xúc của thông điệp mà bạn chuyển giao. Sau đó, bạn đưa ra một thông điệp khác. Tất cả chỉ có vậy, nhưng phong cách từ tốn chậm rãi này lại xa lạ với hầu hết các cặp vợ chồng vì nó đòi hỏi một quá trình thực hành thường xuyên.
Sau đây là một ví dụ về một số trục trặc có thể xảy ra khi thực hành bài tập “Soi gương”. Cuộc đối thoại sau đây là ở một đợt chữa trị cuối tuần, khi tôi yêu cầu một cặp vợ chồng tình nguyện ra trước cả nhóm và nói về một đề tài nhạy cảm, y hệt như khi họ ở nhà với nhau. Đó là Greg và Sheila, một đôi vợ chồng trẻ mới chung sống với nhau được vài tháng. Greg khởi đầu cuộc đối thoại:
Greg: Sheila, anh cảm thấy buồn phiền vì em hút thuốc lá và anh muốn em tỏ ra tế nhị hơn khi hút thuốc bên cạnh anh.
Vì tôi đã hướng dẫn Sheila và Greg thực hành bài tập “Soi gương” nên Sheila, theo bản năng, đã đáp lại Greg với thái độ tự vệ.
Sheila: Anh biết là em hút thuốc từ khi anh hỏi cưới em. Anh chấp nhận điều đó ngay từ đầu. Vậy tại sao anh cứ luôn luôn chỉ trích em? Anh nên chấp nhận em đúng như con người em. Còn em, anh cũng thấy là em đang cố bỏ thuốc.
Greg – cũng do bản năng, nhắc lại nhận xét của mình với giọng điệu chỉ trích mạnh mẽ hơn. Cuộc đối thoại giống như một ván tennis: Anh công nhận rằng em đang cố gắng hút ít hơn. Nhưng có điều đáng lưu ý là khi tới đây, thấy tấm bảng ghi “Không hút thuốc”, em cũng thôi không hút. Nhưng ở nhà thì khói thuốc tràn ngập mọi chỗ.
Sheila: Đúng vậy, đây không phải là nhà mình. Nhưng em cho rằng em có quyền hút thuốc trong ngôi nhà của mình chứ!
Sheila đưa ra thông điệp cuối cùng này với đôi chút bực bội và có những tiếng thì thầm trong đám đông bên dưới. Đây là lúc tôi tham gia vào câu chuyện.
Bác sĩ: OK. Chúng ta bắt đầu lại lần nữa và xem thử, nếu như chúng ta thực hành bài tập giao tiếp không có sự đối đầu thì sẽ như thế nào. Greg, anh có thể nhắc lại thông điệp mở đầu của anh được chứ?
Greg: Anh rất thích thú khi chúng ta ở nhà với nhau, nhưng về chuyện em hút thuốc thì quả thật anh đã không lường hết những nỗi phiền muộn đối với anh.
Bác sĩ: OK. Bây giờ tôi muốn anh nói lại điều này một cách giản dị để người nghe thấy dễ hiểu hơn.
Greg: Để tôi xem nào… Việc em hút thuốc làm anh buồn phiền. Anh đã không hình dung được chuyện ấy, nhưng rồi nó đã xảy ra.
Bác sĩ: Tốt. Nào, Sheila, tôi muốn cô diễn giải ý kiến của Greg, soi trong gương những ý nghĩ và cảm xúc của cô, nhưng đừng chỉ trích. Greg cũng đừng tự vệ. Rồi cô hỏi lại Greg xem cô có hiểu đúng ý kiến của anh ấy không?
Sheila: Em thực sự buồn vì việc hút thuốc của em đã làm ảnh hưởng…
Bác sĩ: Không, tôi không yêu cầu cô xin lỗi. Cô chỉ đáp lời Greg, tỏ ra là cô hiểu và chấp nhận những cảm nghĩ của anh ấy.
Sheila: Anh ấy có thể nhắc lại lần nữa được không ?
Greg: Việc em hút thuốc làm anh buồn phiền. Anh đã không hình dung được chuyện ấy nhưng rồi nó đã xảy ra.
Bác sĩ: Nào, hãy đáp lời anh ấy với thái độ chấp nhận và thiện ý.
Sheila: Em nghĩ rằng tốt nhất là em cai thuốc.
(Đám đông cười lớn)
Bác sĩ: Hít một hơi thở sâu và hãy nhận thức rằng anh ấy cảm thấy không thoải mái vì một thói quen của cô. Nên lắng nghe thông điệp này như một lời phê bình về hành vi của cô và nghe với thiện cảm. Dù đó có là lời phán xét hay không, anh ấy cũng đã cảm thấy không thoải mái và cô hãy quan tâm đến anh ấy. Tôi biết điều đó không dễ làm trước một đám đông như thế này và đối với cô, quả là một điều nhạy cảm.
Sheila: Có thể là em…
Bác sĩ: Không, đừng cố gắng giải quyết vấn đề. Cô chỉ diễn giải thông điệp của anh ấy cùng nội dung cảm xúc đằng sau nó để anh ấy biết rằng cô hiểu những gì anh ấy cảm nhận.
Sheila: (lấy một hơi thở sâu) OK. Tôi sẽ làm việc ấy bây giờ… Em hiểu rằng anh thực sự buồn phiền vì em hút thuốc. Anh đã không hình dung ra điều đó sẽ làm anh buồn phiền đến thế nào cho đến khi chúng ta sống với nhau. Bây giờ anh cảm thấy băn khoăn vì nó. Có phải anh định nói như vậy không?
Bác sĩ: Tuyệt. Tôi như nghe thấy nỗi phiền muộn của Greg phản ánh trong giọng nói của cô. Hãy kiểm tra lại xem, Greg? Đó có phải là những điều anh nói không?
Greg: Đúng! Chính là những gì tôi cảm thấy. Thật sự nhẹ nhõm! Đây là lần đầu tiên cô ấy thực sự để tâm nghe tôi.
Như phản ứng của Greg đã thể hiện, có một sự thỏa mãn kỳ lạ trong việc anh được lắng nghe, khi biết rằng thông điệp mà anh gửi đi đã được nhận một cách chính xác. Đó là một hiện tượng hiếm hoi trong hầu hết các cuộc hôn nhân. Sau khi trình diễn bài tập này trước cả nhóm điều trị, tôi trả các cặp vợ chồng về nhà họ để họ có thể thực hành việc gửi và nhận những thông điệp đơn giản. Hầu hết khi trở lại nhóm, họ đều thông báo rằng đó là một thử nghiệm thú vị và đầy phấn khích. Được người bạn đời chăm chú lắng nghe quả là một niềm vui bất ngờ.
Các cặp vợ chồng thường có những phản ứng khác nhau và đáng ngạc nhiên đối với bài tập này. Khi một đôi thực hành “soi gương” có hiệu quả, họ cảm thấy hứng khởi ngay lập tức. Tôi nhận thấy sự hưng phấn này không những ở các cặp vợ chồng đã thực hiện tốt kỹ thuật “soi gương” mà ngay cả ở những đứa trẻ.
Một ngày khác, Leah, con gái tôi chạy vào văn phòng của tôi và nói với tôi về bộ phim nó vừa xem có tựa đề “Hòn đảo cá heo xanh”. Nó kêu lên: “Bố, con vừa xem phim về một con cá xanh rất lớn”.
Tôi có thể trả lời nó nhiều cách khác nhau. Hoặc là tôi nói cho qua chuyện: “Thế à!” và mỉm cười với nó. Tôi có thể bảo nó bình tĩnh và nói chậm hơn. Nhưng tôi đã nói với nó cũng hào hứng chẳng kém: “Thế à! Con vừa xem bộ phim về con cá xanh khổng lồ ư?”
Nó nhào vào hai cánh tay tôi và reo lên: “Vâng! Con vừa xem xong. Con thích lắm bố ạ!”
“Con thích bộ phim ấy lắm phải không?” Tôi nói, cố gắng khích lệ sự hứng khởi của nó.
“Vâng! Con thích lắm!” nó kêu lên. Leah giờ đây đầy vui sướng, sống động. Cha nó không những đã lắng nghe nó mà còn hiểu nó, phản ánh cả sự phấn khích của nó.
Trong tương quan giữa người lớn, chúng ta học được cung cách thủ thế khi đáp ứng người khác, nhưng cũng không thể phủ nhận được niềm hưng phấn tràn ngập trong ta khi người bạn đời thấu hiểu những ý tưởng và cảm xúc của ta. Ta cảm nhận đầy đủ hơn về bản thân và thấy gần gũi hơn với người bạn đời.
Một kết quả quan trọng hơn và xa hơn của bài tập “Soi gương” là nó khởi đầu việc hàn gắn những vết thương thơ ấu.
Chúng ta bị thương tổn lúc còn thơ bởi cha mẹ, thầy giáo hay một ai đó đã nói với chúng ta rằng: “Con đâu có nghĩ như vậy!”, “Con không cảm thấy như thế mà!”
Một khi cha mẹ chúng ta ra khỏi “dàn đồng ca” phủ nhận này và bảo chúng ta rằng: “Bố hiểu là con thực sự cảm thấy như thế và con nghĩ như vậy là đúng”, khi ấy, thực thể toàn vẹn của chúng ta được chấp nhận.
Chúng ta không còn thấy rằng mình đã phải cắt bỏ một phần bản thân để được yêu và được chấp nhận. Chúng ta có thể bắt đầu tiến trình trở thành một con người đa diện và phức tạp – mà chúng ta thực sự là như vậy – và vẫn tìm thấy sự chấp nhận trên thế gian.
Xây dựng Hình mẫu
Khi các cặp vợ chồng đã nắm vững kỹ thuật giao tiếp cơ bản này, tôi hướng dẫn họ sử dụng một công cụ thu thập tri thức khác, một bài tập hướng dẫn trí tưởng tượng sẽ giúp tiếp cận sáng suốt hơn các thương tổn tuổi thơ.
Khi bài tập hoàn tất, tôi yêu cầu hai vợ chồng chia sẻ những điều quan sát được cho nhau bằng kỹ thuật “soi gương”. Đây là cách thức hiệu quả để hai vợ chồng nhìn nhận con người thực của nhau như những thực thể bị tổn thương đang khao khát tìm kiếm sự toàn vẹn tinh thần.
[Sách dịch] Getting The Love You Want
SINH TRẮC HỌC DẤU VÂN TAY HUMANO Website: Humano.vn Hotline: 19009421 Tham khảo chuyên môn tại: Lindanga.com