Ngày nay các bậc phụ huynh thường tìm các phương pháp giáo dục sớm để kích thích trí thông minh của trẻ và được sử dụng phổ biến là phương pháp Glenn Doman. Các nhà khoa học nghiên cứu cho rằng, trẻ từ khi sinh ra đã có khối lượng tế bào não tương đối đầy đủ để nhận biết mọi thứ xung quanh nên các cha mẹ có thể kích thích các tế bào não của bé bằng các phương pháp giáo dục sớm giúp bé thông minh hơn.
Phương pháp Glenn Doman thích hợp cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi, được nhiều bậc phụ huynh áp dụng thành công. Để tìm hiểu kĩ hơn về Dot card Glenn Doman, bố mẹ cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé!
1. Glenn doman
Glenn Doman là phương pháp giáo dục sớm do giáo sư Glenn Doman cùng các cộng sự nghiên cứu ra. Phương pháp này ngày nay ngày càng được áp dụng phổ biến ở tất cả các nước phát triển như Anh, Mỹ, Úc, Canada, Nhật, Singapore… Và hiện tại đã tới Việt Nam.
Phương pháp nhằm kích thích trí thông minh tiềm năng của trẻ bằng các loại thẻ Flash Card và Dot Card cho bé học chữ cái, toán, hình ảnh… sẽ giúp bé tiếp nhận thông tin từ bên ngoài một cách cực kỳ tốt, giúp bé nắm bắt và ghi nhớ sâu hơn.
Phương pháp không bắt em trẻ phải nhớ mà thông qua các hành động đảo thẻ của ba mẹ mà bé sẽ tự nhớ bằng việc kích thích sự hoạt động của trí nhớ hình ảnh ở não phải.
2. Ưu điểm và nhược điểm của phương pháp
Ưu điểm
- Tạo cho trẻ nền tảng để phát triển toàn diện nhất
- Với sự tương tác trong quá trình giáo dục giữa mẹ- con, cha- con, cha mẹ- con, ông bà- cháu…. phương pháp này giúp gia đình bạn gần gũi nhau hơn, hiểu nhau nhiều hơn, sẻ chia nhiều hơn
- Qua đây bạn có thể hiểu được trẻ muốn gì, từ đó xây dựng phương hướng cho trẻ phát triển cả đức và tài
- Dĩ nhiên, bạn hiểu được bạn không dạy con mình một cách sai lầm.
Nhược điểm
- Phương pháp này đòi hỏi một quá trình lâu dài và kiên nhẫn.
3. Cách sử dụng thẻ chấm
Cách dạy của bố mẹ luôn là chìa khóa trong việc dạy bé. Trẻ thích học và học rất nhanh vì vậy chúng ta cũng phải tráo card thật nhanh. Người lớn thường suy nghĩ và làm quá chậm so với khả năng của trẻ. Chúng ta thường trông đợi trẻ sẽ ngồi ngoan một chỗ, nhìn vào các chấm toán và nhìn chăm chú như thể chúng đang quan tâm đến chấm vậy. Nhưng trẻ thì không nghĩ là cần phải mệt mỏi như thế.
Thường khi mẹ tráo thẻ nhanh, giọng nói của các mẹ thường luyến láy như có nhạc, điều này cũng rất tốt vì nó thu hút trẻ hơn. Sự yêu thích và thái độ của trẻ với toán học liên quan tới một số điều sau:
- Tốc độ trao thẻ của bố mẹ
- Số lượng thẻ mới
- Sự thích thú của bố mẹ trong khi dạy học
- Niềm tin của bố mẹ dành cho con
- Không gian học cần yên tĩnh, tối giản
Dot card là bộ thẻ học toán dành cho trẻ từ 0 đến 3 tuổi học theo phương pháp của giáo sư Glenn Doman. Sau 3 tuổi thì phương pháp này sẽ không còn phù hợp nữa, vì vậy bố mẹ áp dụng càng sớm càng tốt nhé!
Một bộ dụng cụ dot card gồm: 1 bộ dot card gồm 101 thẻ. Bố mẹ cùng Nga tham khảo cách dùng dot card qua các bước dưới đây nha.
BƯỚC 1: DẠY BÉ NHẬN DIỆN SỐ LƯỢNG
Ngày đầu tiên:
Cho bé xem 5 thẻ, từ 1 đến 5, mỗi thẻ 1 giây, ngày 3 lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 30 phút (tuy nhiên không nhất thiết là lần nào cũng phải cho xem hết các thẻ). Nguyên tắc là bé phải nhìn, nếu bé không nhìn nữa là ngưng, chỉ cần 1,2 hay 3 thẻ thôi cũng được.
Khi cho bé xem thẻ, bạn để thẻ cách mắt bé 25-30cm, đọc to, rõ ràng số trên thẻ cứ như vậy cho đến hết 5 thẻ.
Lần đầu tiên (trong 3 lần) cho bé xem bố mẹ để các thẻ theo đúng thứ tự, sau đó, mỗi lần lặp lại trong ngày hãy xáo trộn các thẻ để bé xem ngẫu nhiên.
Thẻ chấm lớn nên để xa hơn thẻ chấm nhỏ, để mắt bé có thể nhìn hết được, như vậy mới có thể chụp hình được (điều này rất quan trọng).
Cách tốt nhất để tráo thẻ là lấy từ sau ra trước, như vậy bạn sẽ nhìn được số ghi ở phía sau của thẻ và đọc chính xác số chấm thể hiện trên thẻ, đồng thời bạn cũng có thể quan sát được mặt của bé.
Kết thúc bài học, bạn hãy dành cho bé những cử chỉ yêu thương, khuyến khích.
Ngày thứ hai:
Lặp lại các thẻ của ngày đầu tiên 3 lần, bổ sung thêm 5 thẻ mới từ 6 đến 10 tương tự như ngày đầu. Như vậy, tổng cộng bạn cho bé xem 6 lần riêng biệt trong ngày này.
Ngày thứ ba:
Tiếp tục cho bé xem các thẻ của ngày 1 và 2 nhưng trộn lẫn và chia lại. Việc xáo trộn này sẽ giúp bài học luôn mới và hấp dẫn đối với bé. Duy trì cho đến hết ngày thứ 5.
Ngày thứ sáu trở đi:
Bắt đầu thêm 2 thẻ mới và rút bớt 2 thẻ cũ mỗi ngày. Cách thức như sau: rút 2 thẻ có số nhỏ nhất trong 10 thẻ bạn đã dạy bé, bỏ thêm 2 thẻ mới có số tăng dần (VD: ngày thứ 6, bạn rút hai thẻ 1 và 2, bổ sung thêm hai thẻ mới là 11 và 12).
Số lượng thẻ mới bổ sung và thẻ cũ rút ra có thể tăng dần tuỳ vào mức độ tập trung của bé.
Khi cho bé xem đến thẻ 70, thỉnh thoảng nhắc lại các thẻ cũ để bé không quên.
Chương trình sơ lược bắt đầu từ ngày thứ 2 được mô tả ngắn gọn như sau:
Một số tiêu chuẩn kỹ thuật cần đảm bảo khi dạy trẻ mỗi ngày (Bắt đầu từ ngày thứ 2)
– Số set/ngày: 02 set
– Mỗi lần dạy: 01 set (5 thẻ)
– Số lần dạy/ngày: 3 lần/set à tổng cộng 6 lần/2 set
– Độ lớn của chấm: 0.75 inch (~2cm)
– Thời gian dạy: 5 giây/lần
– Số thẻ mới: 2 thẻ/ngày (mỗi set 1 thẻ) (Số này có thể nhiều hơn tuỳ vào sự tập trung của bé)
– Số thẻ cũ rút ra: 2 thẻ có số chấm nhỏ nhất
– Số lần tối thiểu bé xem 1 thẻ: 3 lần mỗi ngày x 5 ngày = 15 lần
+ Cứ tiếp tục dạy bé theo cách đã hướng dẫn ở trên cho đến khi hết thẻ số 100
+ Khi bé học đến thẻ số 20, bắt đầu dạy bé Bước 2 – Dạy bé làm toán
Lưu ý:
– Đừng kiểm tra xem bé đã biết gì sau khi hoàn thành giai đoạn này
– Đừng sử dụng lại các tài liệu cũ, điều này sẽ làm bé chán và không muốn tập trung vào thẻ nữa.
BƯỚC 2: DẠY BÉ CỘNG/TRỪ/NHÂN/CHIA
Khi bé học hết thẻ 20 chấm (ngày thứ 10), bắt đầu giới thiệu bé PHÉP CỘNG.
Mỗi ngày cho bé xem 3 lần, mỗi lần 3 phương trình khác nhau. (VD: 3+5=8, 10+6=16, 4+7=11). Bạn cũng có thể cho bé xem ít hơn 1 phương trình /lần nhưng không được nhiều hơn. Như vậy 1 ngày trẻ sẽ được xem 10 thẻ và 9 phương trình.
Cách cho xem phương trình như sau: cầm thẻ 1 lên đọc “một”, bỏ thẻ 1 xuống đọc “cộng”, cầm thẻ 2 lên đọc “hai”, bỏ thẻ 2 xuống đọc “bằng” cầm thẻ 3 lên đọc “ba”.
Phép cộng chỉ nằm trong khoảng 20 thẻ đầu.
Sau 2 tuần dạy bé phép cộng, bắt đầu chuyển sang dạy bé PHÉP TRỪ.
Cách dạy tương tự như dạy phép cộng.
Đến đây, bạn có thể dạy bé các phép trừ với các thẻ > 20 (vì bé đã được làm quen với các thẻ >20 chấm), đồng thời, ngưng không dạy phép cộng nữa.
Như vậy, mỗi ngày bạn sẽ cho bé xem 3 bài, mỗi bài 3 phép trừ khác nhau.
Sau 2 tuần dạy bé phép trừ, bắt đầu chuyển sang PHÉP NHÂN.
Cách dạy tương tự như dạy phép cộng và phép trừ
Số lượng lần dạy và số phương trình giống như phép cộng và phép trừ
Ngưng không dạy phép trừ trong giai đoạn này
Tiếp tục dạy bé phép nhân đồng thời với thẻ dot cho đến khi đến thẻ 100
Trong giai đoạn này, cho bé xem thêm thẻ 0 (thẻ trắng 28x28cm, không có chấm) trong các phương trình cộng/trừ/nhân.
Sau 2 tuần dạy bé phép nhân, bắt đầu chuyển sang PHÉP CHIA.
Cách dạy, số lượng lần dạy và số phương trình giống như phép cộng và phép trừ, phép nhân
Khi đã cho bé xem đến thẻ 100 thì ngưng ko cho bé xem thẻ dot nữa (không cho xem lại thẻ cũ)
Sau 2 tuần dạy bé phép chia, kết thúc bước 2, chuyển sang bước 3.
Lưu ý:
- Không được xếp 3 phép cộng/phép trừ/phép nhân theo thứ tự liên tiếp như sau: 1+1=2, 1+2=3, 1+3=4/ 2×3 = 6, 2×4 = 8, 2×5 = 10. Các phép tính phải được xếp ngẫu nhiên.
- Không được cho bé xem lặp đi lặp lại các phương trình cũ. Các phương trình mỗi ngày phải khác nhau
- Bạn có thể chuẩn bị “giáo trình” để dạy bé phương trình bằng cách liệt kê các phép cộng/trừ/nhân/chia khác nhau vào mặt sau của Dot card. “Giáo trình” này cần được chuẩn bị và sắp xếp trước khi cho bé xem. Có như vậy bạn mới thể đọc chính xác phương trình khi cho bé xem thẻ.
BƯỚC 3: DẠY BÉ GIẢI CÁC PHÉP TOÁN (PROBLEM-SOLVING)
Tiếp tục cho bé xem 3 phương trình (2 phần tử) mỗi lần, mỗi ngày 3 lần. Các phương trình trong 1 lần dạy bao gồm phép cộng, phép trừ, nhân, chia từ 1 – 100. Không cho bé xem lại các phương trình đã cho xem trước đó.
Đến giai đoạn này, không cần cho bé xem đủ 3 thẻ của 1 phương trình, chỉ cần cho xem thẻ kết quả. Ví dụ: Bạn cho bé xem phương trình 22/11=2, chỉ cần nói “Hai mươi hai chia mười một bằng hai” và đưa cho bé xem thẻ số 2 đồng thời với thời điểm nói câu trả lời.
Ở giai đoạn này, ngoài dạy bé phương trình, thêm phần dạy bé nhận biết thẻ và kết quả của phép toán sau mỗi lần cho bé xem phương trình.
Bắt đầu với việc dạy bé nhận biết thẻ số: Bạn giơ 2 thẻ lên trước mặt bé (VD: thẻ 15 và 32), hãy hỏi bé “Đâu là thẻ 32?”. Nếu bé nhìn hoặc cầm lấy thẻ 32 thì không có gì phải bàn.
Nếu trẻ không có phản ứng với câu hỏi của bạn. Hãy đưa thẻ số 32 lại gần hơn với bé và nói “Đây là số 32”, sau đó đưa thẻ còn lại và nói “Đây là số 15”. Sau đó kết thúc việc cho bé xem và nhận biết thẻ.
Phải nhớ luôn luôn thư giãn và thoải mái khi cho bé nhận biết các thẻ (kể cả khi bé không phản ứng hoặc chưa nhận biết được các thẻ). Việc dạy bé nhận biết thẻ số sẽ diễn ra trong vòng 1 tuần. Cách này cũng được sử dụng để nhắc bé các thẻ đã được học.
Sau 1 tuần, dạy bé nhận biết kết quả phương trình: chuẩn bị 3 thẻ của phương trình và thêm 1 thẻ để bé lựa chon trong phần trả lời.
Ví dụ: bạn muốn bé nhận biết thẻ số 6 là kết quả của phương trình 3×2 à Chuẩn bị thẻ 2, 3 và 6, 10. Bạn đọc và giơ thẻ cùng lúc “ hai nhân ba bằng” à bỏ thẻ 3, giơ hai thẻ 6 và 10, bạn hỏi bé xem 2×3 bằng mấy?.
Nếu bé không có phản ứng bạn đọc kết quả và giơ thẻ cho bé xem.
Lưu ý, đừng bao giờ nêu ra câu hỏi mở để bé trả lời, luôn luôn đưa ra các đáp án để bé lựa chọn. Ban đầu là 2 đáp án, sau đó có thể tăng lên 3 hoặc 4.
Tiếp tục bổ sung thêm các phần tử trong các phép toán. Sau vài tuần, thêm phép toán nữa vào các phương trình mà bạn đang cho bé xem. Sau đó, bạn có thể tuỳ thích kết hợp các phương trình không liên quan đến nhau cho bé xem như sau:
Đến lúc này bạn có thể tạo thêm các tài liệu cho bé xem với các gợi ý như sau:
– Chuỗi phương trình
– Lớn hơn, nhỏ hơn
– Đẳng thức, bất đẳng thức
– Bản chất của con số
– Phân số
– Đại số đơn giản
– vv…
BƯỚC 4: DẠY BÉ CHỮ SỐ
Phương pháp dạy bé các chữ số giống như dạy bé các thẻ dot (xem BƯỚC 1 – NHẬN DIỆN SỐ LƯỢNG)
Chia thẻ từ 1 -10 thành 2 bộ, mỗi bộ 5 thẻ (1-5 và 6-10). Cho bé xem mỗi bộ 3 lần/ngày. Lần đầu tiên cho xem theo thứ tự, các lần sau xáo các thẻ để bé xem ngẫu nhiên.
Mỗi ngày rút 2 thẻ cũ và thêm 2 thẻ mới, phải đảm bảo rằng mỗi bộ sẽ được bổ sung 1 thẻ mới và rút bớt 1 thẻ cũ.mỗi ngày.
Nếu bé bắt đầu mất tập trung, lập tức tăng số lượng thẻ mới cho bé xem mỗi ngày bằng cách rút 2/3/4/… thẻ cũ và bổ sung số lượng thẻ mới tương ứng. Nếu bạn nhận thấy tần xuất cho bé xem 3 lần/ngày/bộ là khá nhiều thì có thể giảm xuống 2 lần/ngày/bộ.
Tuỳ vào mức độ tập trung và sự yêu thích của bé mà bạn điều chỉnh chương trình dạy bé cho phù hợp.
Thông thường sẽ mất khoảng 50 ngày để bạn hoàn chỉnh phần dạy bé các chữ số từ 0 – 100. Đến lúc này bạn có thể tha hồ cho bé xem các chữ số cao hơn 100.
Lưu ý: lúc này bạn có thể cho bé xem các chữ số bất kỳ mà không cần theo thứ tự vì bé đã được học các số cơ bản từ 0 -100 (chẳng hạn như 200, 300, 400, 500 và 1000. Sau đó hãy quay lại cho bé xem 210, 315,…).
Khi cho bé xem đến chữ số 20 cũng là lúc bạn bắt đầu dạy bé mối liên hệ giữa chữ số và số lượng thực tế mà nó tượng trưng (số lượng chấm). Có rất nhiều cách để làm điều này, một trong những cách đơn giản nhất là trở lại với các phép so sánh (bằng, lớn hơn, nhỏ hơn) trong đó vừa sử dụng thẻ chữ số vừa sử dụng thẻ chấm. Cụ thể như sau:
- Lấy thẻ chữ số 10 đặt xuống sàn nhà, sau đó đặt dấu “không bằng”, sau đó đặt thẻ chấm 35 và nói “10 không bằng 35”.
- Nếu có thể, hãy để bé tham gia trò chơi sắp xếp như trên theo ý của bé.
Học các chữ số là bước rất đơn giản, do vậy, hãy dạy bé nhanh và chuyển sang bước 5 trong thời gian sớm nhất có thể.
BƯỚC 5 – PHƯƠNG TRÌNH VỚI CHỮ SỐ
Các vật dụng cần chuẩn bị: thẻ kích thước 18×4 inch (~46x10cm), chữ cao 2inch (~5cm), rộng 1inch (~2.5cm).
Ở giai đoạn này, chuyển màu chữ từ đỏ sang đen.
Thực hiện các hướng dẫn như ở BƯỚC 2, chỉ có điều thay vì thực hành các phương trình với thẻ chấm thì bây giờ bạn thực hiện với các chữ số.
Sau khi hoàn chỉnh như hướng dẫn ở bước 2, chuyển sang BƯỚC 3. Ở bước 3 của giai đoạn này, bạn cần điều chỉnh tài liệu để dạy bé cách giải phương trình cho phù hợp. Lúc này bạn cần chuẩn bị thêm một số thẻ chứa phương trình mà không có kết quả. Lưu ý, viết các đáp án của phương trình ở phía sau của thẻ để đảm bảo rằng bạn luôn đọc đúng kết quả.
Tiếp tục sử dụng kích thước chữ số là 2 inch (~5cm). Khi chương trình bạn dạy bé diễn ra suôn sẻ, bắt đầu giảm dần dần kích thước chữ số.
Ở giai đoạn này, hãy để bé thử kết hợp các thẻ chữ số và các dấu (=, -^, +, -, x, ÷) để tạo ra các phương trình cho bạn trả lời. Hãy để bé làm điều đó như 1 cách để dạy bé giải phương trình, đồng thời hãy chuẩn bị máy tính ở bên bạn, bạn sẽ cần đến nó.
Hy vọng với Dot card Glenn Doman phương pháp giáo dục sớm cho trẻ từ 0 – 6 tuổi thông minh trên đây các bậc phụ huynh sẽ có thêm phương pháp dạy trẻ, giúp bé phát triển trí thông minh một cách toàn diện nhất trong độ tuổi của mình. Chúc các bé luôn khỏe mạnh, phát triển một cách toàn diện mỗi ngày và hãy luôn đồng hành cùng Nga để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!
————————————————