Ốm nghén là tình trạng thường gặp khi phụ nữ khi mang thai. Tùy cơ địa của từng mẹ mà triệu chứng và mức độ ốm nghén sẽ khác nhau. Có mẹ bị nôn ói, chán ăn, có mẹ lại thèm ăn liên tục, có mẹ bị mất ngủ triền miên và cũng có không ít mẹ lại bị nghén ngủ.
Vậy nghén ngủ là gì? Nghén ngủ xuất hiện khi nào? Nghén ngủ là trai hay gái? Và làm sao để khắc phục việc ngáp liên hồi bất kể ngày đêm? Mời các mẹ cùng đọc để tìm câu trả lời nhé!
Nghén ngủ là gì?
Nghén ngủ là triệu chứng xuất hiện ở phụ nữ mang thai. khiến mẹ bầu buồn ngủ bất kể lúc nào trong ngày. Thậm chí mẹ bầu có thể ngủ ngon 10 đến 12 tiếng một lần.
Có nhiều mẹ còn gặp trường hợp chồng nghén ngủ thay vợ. Khoa học chỉ ra nguyên nhân có thể là do những va chạm về thể xác dẫn đến xuất hiện dòng điện sinh học. Hoặc do đồng cảm với vợ nên chăm sóc, đỡ đần vợ nhiều hơn dẫn đến mệt mỏi, buồn ngủ, chán ăn…
Nghén ngủ xuất hiện khi nào?
Hiện tượng này được lý giải là do sự gia tăng hooc-môn thai kỳ có tên là progesterone. Hooc-môn có tác dụng điều tiết chu kỳ sinh sản của người mẹ suốt 9 tháng thai kỳ và sẽ tăng lên trong thời gian mang thai.
Thông thường, tình trạng nghén ngủ sẽ xuất hiện ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Nguyên nhân dẫn đến nghén ngủ có thể là do sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai. Cụ thể là tăng cao nồng độ progesterone và beta HCG trong máu khiến cho thai phụ bị nghén ngủ.
Hormone progesterone không chỉ gây ra cảm giác mệt mỏi, khiến mẹ bầu dễ rơi vào trạng thái muốn được ngủ mà cũng là nguyên nhân làm mẹ bầu cảm thấy không ngon giấc vào ban đêm. Do đó, hầu hết mẹ bầu thường nghén ngủ nhiều vào ban ngày.
Triệu chứng của nghén ngủ thông thường đó là: mẹ bầu ngáp nhiều, ngủ nhiều và dài hơn bình thường, thường xuyên trong trạng thái lờ đờ buồn ngủ, giấc ngủ có thể kéo dài 10 – 12 tiếng mỗi ngày.
Ngoài vấn đề thay đổi nội tiết tố thì khi bước vào 3 tháng cuối thai kỳ, cảm giác lo lắng khi sắp sinh sẽ khiến mẹ bầu bị căng thẳng, mệt mỏi dẫn đến mất ngủ vào buổi tối và thèm ngủ vào ban ngày.
Nghén ngủ có tốt không?
Giấc ngủ không chỉ quan trọng giúp con người phục hồi sức khỏe sau một ngày dài làm việc mà còn giúp mẹ bầu dưỡng thai hiệu quả. Theo đó phụ nữ mang thai cần đảm bảo cả thời gian lẫn chất lượng giấc ngủ tốt suốt thai kỳ.
Mẹ bầu bị nghén ngủ trong 3 tháng đầu thường không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, do việc ngủ dành nhiều thời gian ở trên giường nên hạn chế vận động, tăng nguy cơ loãng xương sau sinh. Trong đó khu vực xương chậu là bị ảnh hưởng nhiều nhất khi vùng xương này cần có sức mạnh đủ nâng đỡ khi thai nhi lớn dần.
Thai phụ nằm trên giường nhiều sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, thiếu linh hoạt, làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch. Nguy hiểm hơn khi các khối tĩnh mạch ở chân di chuyển lên đến phổi gây thuyên tắc phổi với các triệu chứng: Thở dốc, khó thở, đau khi thở, ngất xỉu, mất ý thức, tim đập nhanh, môi và các đầu ngón tay bị tím do thiếu oxy.
Lười vận động cũng là nguyên nhân làm gia tăng mức đường huyết gây tiểu đường thai kỳ. Ngoài ra, quá trình vượt cạn của mẹ sẽ kéo dài hơn và khó khăn hơn do không đủ sức khỏe cũng như sức chịu đựng những cơn đau khi sinh thường.
Phụ nữ mang thai ngủ quá nhiều dễ có cảm giác mệt mỏi kéo dài, dễ cáu gắt, khiến trí óc không được linh hoạt, hay quên, thiếu minh mẫn. Nếu tình trạng tinh thần này không được giải tỏa, phụ nữ mang thai dễ bị trầm cảm, thường xuyên lo lắng, suy nghĩ tiêu cực khi mang thai và sau sinh.
Nghén ngủ trong 3 tháng cuối thai kỳ có nhiều nguy cơ, rủi ro hơn. Theo 1 số nghiên cứu, mẹ bầu ngủ giấc dài trên 9 tiếng và không tỉnh giấc thường sẽ có nguy cơ thai lưu cao hơn. Để hạn chế những nguy cơ do nghén ngủ gây ra thì mẹ bầu nên đặt báo thức trước khi đi ngủ, sau khi thức dậy nên di chuyển từ 5-10 phút mỗi lần.
Nghén ngủ là trai hay gái?
Một số quan niệm cho rằng bà bầu nghén ngủ sẽ sinh con gái. Bởi thai nhi cùng hoocmon với mẹ nên không ảnh hưởng nhiều đến cơ thể của người mẹ, giúp mẹ nghỉ ngơi nhiều hơn.
Cũng có những quan niệm trái chiều cho rằng, dấu hiệu bà bầu buồn ngủ nhiều cho thấy thai nhi là con trai vì tình trạng này làm mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi và hay thức giấc vào ban đêm.
Tuy nhiên, hiện chưa có kết quả nghiên cứu khoa học nào chứng minh được việc bà bầu bị nghén ngủ là sinh con trai hay con gái.
Giới tính thai nhi đã được hình thành ngay tại thời điểm trứng và tinh trùng gặp nhau và mẹ sẽ biết được em bé trong bụng là trai hay gái ở tuần thứ 12 với độ chính xác khoảng 70% và nếu siêu âm thai ở tuần 16 với những bác sĩ giỏi thì độ chính xác sẽ là 100%.
Cần làm gì khi mẹ bầu nghén ngủ?
Mặc dù cơn buồn ngủ là không thể khống chế, nhưng mẹ hoàn toàn có thể sử dụng các cách dưới đây để giảm thiểu tối đa những cơn triệu chứng này trong suốt quá trình mang thai.
Điều chỉnh chế độ sinh hoạt hợp lý
Ngủ đúng giờ, dậy đúng giấc, mẹ bầu nên ngủ nhiều vào buổi tối với thời gian ít nhất 8 tiếng. Mẹ cũng nên tranh thủ nghỉ ngơi chợp mắt thêm vào buổi trưa để bổ sung năng lượng cần thiết.
Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất
Việc buồn ngủ thường xuyên đôi khi có thể do mẹ thiếu các dưỡng chất trong quá trình nuôi thai nhi. Hãy cố gắng nạp nhiều năng lượng, các loại vitamin, khoáng chất… sẽ giúp mẹ trở nên khỏe khoắn hơn.
Uống đủ nước vào ban ngày, hạn chế uống nước vào ban đêm để tránh tình trạng đi tiểu thường xuyên gây mất ngủ.
Vận động
Đừng quên luyện tập thể dục thể thao với những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga để tăng tường sức khỏe cho cả mẹ và bé. Nếu có thể, mẹ hãy san sẻ bớt công việc nhà để có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn.
Ngoài các biện pháp trên, các mẹ còn có thể sử dụng trà gừng hoặc nước chanh muối để đẩy lùi tạm thời cơn buồn ngủ.
Tóm lại, hiện tượng nghén ngủ khi mang thai không gây hại nhiều cho bà bầu, trái lại điều này còn có lợi cho người mẹ vì được ngủ, nghỉ nhiều hơn. Tuy nhiên, để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ nên biết cân bằng, điều chỉnh giấc ngủ một cách hợp lý.
————————————————