Bạn tin rằng chúng ta làm chủ cuộc đời của mình và tự mình quyết định mọi thứ, tự mình lựa chọn cách phản ứng hành vi, lối sống.
Nhưng có khi nào bạn thử suy nghĩ xem mối tương quan giữa chính mình với những con người mình tiếp xúc hàng ngày, xã hội nơi mình đang sống có tác động làm ảnh hưởng đến cách chúng ta phản ứng hành vi hay không?
Liệu rằng quan điểm tập trung hoàn toàn vào bản thân sẽ làm chủ được cuộc sống có phù hợp không? Chúng ta cùng chiêm nghiệm qua câu chuyện kể lại về thí nghiệm nhà tù Stanford.
Năm 1971, nhà tâm lý học Philip Zimbardo và cộng sự đã thực hiện một thí nghiệm nghiên cứu tác động của việc trở thành tù nhân và quản ngục. Được công chúng biết đến với tên gọi Thí Nghiệm Nhà Tù Stanford, công trình này đã trở thành một trong những nghiên cứu nổi tiếng nhất trong lịch sử ngành tâm lý học.
Zimbardo, cũng là bạn học cũ của Stanley Milgram (người nổi tiếng với thí nghiệm về sự phục tùng) rất quan tâm đến việc mở rộng nghiên cứu của Milgram. Ông muốn đào sâu hơn nữa tác động của tình huống hay bối cảnh lên hành vi con người.

Nghiên cứu đi sâu tìm hiểu cách tham dự viên phản ứng khi được sắp xếp phân vai trong một môi trường nhà tù giả định.
Trong một bài phỏng vấn, Zimbardo đã từng nói: “Hãy cứ thử nghĩ xem bạn có con, con bạn khỏe mạnh, tâm sinh lý bình thường, và những bạn trẻ này sẽ đi đến một nơi có môi trường giống như nhà tù và ở đó, chúng phải hy sinh một số quyền công dân của mình. Vậy những con người tốt đẹp này, khi đặt trong một nơi tồi tệ, xấu xa, thì sự tử tế của họ liệu có còn chỗ đứng?”
Tham dự viên
Các nhà nghiên cứu đã thiết lập một mô hình nhà tù giả định tại tầng hầm tòa nhà khoa Tâm lý học của Đại học Stanford và chọn 24 sinh viên tham gia sắm vai tù nhân và quản ngục.
Tham dự viên được chọn lựa từ một nhóm lớn gồm 70 tình nguyện viên, những người này không có tiền án tiền sự, không có vấn đề về tâm lý cũng như không mắc bệnh lý đặc biệt nào. Tham dự viên tự nguyện tham gia vào thí nghiệm trong suốt 1-2 tuần với thù lao hỗ trợ là 15usd/ngày.
Bố trí và quy trình
Nhà tù giả định được bố trí bao gồm 3 phòng nhỏ, mỗi phòng dài 2,7m rộng 1,8m.
Mỗi phòng có 3 tù nhân và 3 chiếc giường xếp. Những phòng đối diện với phòng tù nhân được sử dụng cho quản ngục và nhân viên trong nhà tù. Có một không gian nhỏ được thiết kế để làm phòng biệt giam, cũng có một phòng nhỏ khác được sử dụng làm nơi sinh hoạt chung.
24 tình nguyện viên sau đó được lựa chọn ngẫu nhiên vào nhóm tù nhân hoặc nhóm quản ngục. Tù nhân sẽ ở trong nhà tù giả lập này 24 giờ/ngày suốt thời gian nghiên cứu.
Quản ngục được chia thành các nhóm 3 người trực mỗi ca 8 tiếng. Sau mỗi ca, quản ngục được phép về nhà cho đến ca trực tiếp theo.
Các nhà nghiên cứu đã quan sát được hành vi của tù nhân và quản ngục sử dụng các camera và microphone giấu kín.
Kết quả thí nghiệm nhà tù Standford
Mặc dù Thí nghiệm Nhà tù Stanford ban đầu dự kiến kéo dài 14 ngày, nhưng nó đã phải dừng lại giữa chừng chỉ sau 6 ngày chính bởi những thứ xảy ra cho tham dự viên. Quản ngục chửi rủa và tù nhân bắt đầu cho thấy những dấu hiệu căng thẳng và lo âu nghiêm trọng.
Mặc dù tù nhân và quản ngục được phép tương tác theo bất cứ cách nào họ muốn, nhưng họ lại chọn hành sử đầy hận thù, thậm chí vô nhân tính. Quản ngục hành xử hung hăng và lăng mạ tù nhân, tù nhân thì thụ động, trầm uất. Năm tù nhân bắt đầu trải nghiệm những cảm xúc cực kỳ tiêu cực, họ khóc, lo âu quá mức và buộc phải ra khỏi nghiên cứu sớm.
Thậm chí bản thân các nhà nghiên cứu cũng bắt đầu mất đi óc nhìn thực tế về tình hình hiện tại. Zimbardo, đóng vai người giám sát tại nhà tù này, đã không nhìn nhận được những hành vi lăng mạ sỉ nhục của quản ngục. Mãi cho đến khi sinh viên Christina Maslach lên tiếng phản đối những điều kiện hiện tại trong nhà tù giả lập này và vấn đề về y đức khi nhóm nghiên cứu tiếp tục thực hiện thí nghiệm.
Sau này, Zimbardo viết lại trong cuốn sách “Hiệu ứng Lucifer” của mình: “Chỉ có một số người có thể cưỡng lại được sự thôi thúc từ tình huống nghiên cứu để vừa nhượng bộ trước quyền lực và sự thống trị vừa giữ lại được một chút gọi là đạo đức và tính đứng đắn; rõ ràng là, tôi không nằm trong tầng lớp cao quý đó.”
Kết quả của Thí nghiệm nhà tù Stanford nói lên điều gì?
Theo Zimbardo và cộng sự, thí nghiệm nhà tù Stanford mô tả vai trò mạnh mẽ của tình huống hay bối cảnh lên hành vi của con người.
Vì quản ngục được sắp xếp vào một tình huống nơi họ nắm quyền lực nên họ bắt đầu hành xử theo cách không giống như bình thường hay giả họ sẽ không làm như vậy nếu ở một tình huống khác.
Tù nhân, bị xếp vào một tình huống nơi họ thực tế không kiểm soát được gì, dần dà tự trở nên thụ động và trầm uất.
Các ý kiến phê bình thí nghiệm
Thí nghiệm nhà tù Standford thường được trích dẫn như một ví dụ về thí nghiệm thiếu tính đạo đức. Thí nghiệm không thể được nhân rộng trong giới nghiên cứu ngày nay bởi nó không thể đáp ứng được những tiêu chuẩn được thiết lập trong các bộ quy tắc đạo đức, bao gồm Bộ Quy Tắc Đạo Đức của Hiệp Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ.
Zinbardo đã thừa nhận những vấn đề về đạo đức tồn tại trong nghiên cứu này, ông cho rằng “mặc dù chúng tôi đã kết thúc nghiên cứu sớm hơn 1 tuần so với dự định nhưng thực sự như vậy đã là khá trễ rồi.”
Một số nhà phê bình khác còn cho rằng nghiên cứu thiếu khả năng khái quát hóa vì nhiều yếu tố khác nhau. Các mẫu tham dự viên không mang tính đại diện (hầu hết đều là nam, chủng tộc da trắng, tầng lớp trung lưu) nên rất khó để áp dụng kết quả cho nhóm quần thể rộng lớn hơn.
Nghiên cứu cũng bị chỉ trích vì thiếu giá trị liên hệ sinh thái. Mặc dù các nhà tâm lý học đã cố hết sức tái lập bối cảnh của một nhà tù, nhưng nói chung ta không thể bắt chước y hệt hoàn hảo tất cả mọi yếu tố về môi trường và hoàn cảnh của đời sống nhà tù.
Mặc cho bị chỉ trích, thí nghiệm nhà tù Stanford vẫn là một nghiên cứu quan trọng giúp ta hiểu được cách tình huống có thể làm ảnh hưởng lên hành vi.
Nghiên cứu này gần đây lại thu hút sự chú ý của công chúng sau khi người ta ghi nhận vụ bạo hành tù nhân ở Aby Ghraib, Iraq. Nhiều người, bao gồm cả bản thân Zimbardo cho rằng vụ bạo hành ở Abu Ghraib có thể xem là ví dụ trong đời thực từ kết quả thí nghiệm của Zimbardo.
Thí nghiệm nhà tù Standford: 40 năm sau
Năm 2011, tạp chí Cựu sinh viên Stanford đã có một bài hồi tưởng thú vị về Thí nghiệm nhà tù Stanford nổi tiếng nhằm kỷ niệm 40 năm ngày diễn ra thí nghiệm. Bài báo liệt kê những bài phỏng vấn với một số người tham gia vào thí nghiệm năm ấy, bao gồm Zimbardo, những nghiên cứu viên khác và cả một số tham dự viên trong nghiên cứu.
Richard Yacco là một trong những người đóng vai tù nhân trong thí nghiệm và nay đang làm giáo viên tại một trường công. Ông chia sẻ một số trải nghiệm của một người trong cuộc:
“Tôi nghĩ có một điều khá thú vị về thí nghiệm này đó là giả sử, nếu bạn tin rằng xã hội đã định sẵn cho bạn một vai gì, liệu bạn có tự mặc định những đặc tính của vai trò đó vào chính mình?
Tôi dạy tại một trường trung học nội thành tại Oakland. Những học sinh của tôi đương nhiên không cần phải tham gia thí nghiệm và phải quan sát thấy điều gì quá kinh khủng khiếp.
Nhưng cái khiến tôi và đồng nghiệp đau đầu là chúng tôi đã tạo ra những cơ hội tuyệt vời cho chúng, cho chúng sự hỗ trợ tốt nhất, tại sao chúng không tận dụng? Tại sao chúng vẫn bỏ học? Tại sao chúng đến trường mà không chuẩn bị bài vở gì?
Tôi nghĩ một lý do lớn ở đây chính là cái mà thí nghiệm đã chỉ ra – chúng rơi vào một “vai” mà xã hội đã định ra cho chúng.”
Tham gia vào Thí nghiệm nhà tù Stanford là một điều mà tôi có thể dùng để chia sẻ với học sinh. Đó chỉ là khoảng thời gian 1 tuần trong đời hồi tôi còn là một cậu thanh niên. Nhưng dù cho đến bây giờ, 40 năm qua đi, thí nghiệm vẫn còn sức ảnh hưởng đủ để thu hút nhiều người. Bạn sẽ chẳng bao giờ biết được bạn sẽ tham gia và trải qua một điều mà sau này trở thành một khoảnh khắc giúp định hình cuộc đời bạn.”
Năm 2015, thí nghiệm được dựng lại trên màn ảnh rộng trong một bộ phim có tựa đề Thí Nghiệm Nhà Tù Stanford.
Tham khảo:
Interview with Philip Zimbardo. The Believer. Found online at http://www.believermag.com/issues/200909/?read=interview_zimbardo
The Stanford Prison Experiment: A Simulation Study of the Psychology of Imprisonment Conducted at Stanford University. Found online at http://www.prisonexp.org/
Zimbardo, P. (2007). The Lucifer Effect: Understanding how good people turn evil. New York, NY: Random House.
Nguồn: https://www.verywellmind.com/the-stanford-prison-experiment-2794995