Hội chứng tổ ấm trống trải là hiện tượng khi các bậc cha mẹ cảm thấy cô đơn, buồn bã sau khi con trẻ trưởng thành và rời khỏi gia đình.

Định nghĩa

Hội chứng tổ ấm trống trải bao gồm cảm giác trầm cảm, buồn bã và/hoặc đau khổ ở những cha mẹ hay người chăm sóc sau khi con trẻ đến tuổi trưởng thành và rời khỏi ngôi nhà chúng lớn lên. Hiện tượng này xuất hiện khi con cái đi học đại học hoặc kết hôn.

Nữ giới có khả năng bị tác động bởi hội chứng này nhiều hơn nam giới. Thường thì lúc trẻ rời khỏi nhà, người mẹ cũng có thể đang trải qua một sự kiện mang tính bước ngoặt khác trong cuộc sống, ví dụ như giai đoạn mãn kinh hoặc phải chăm sóc cho ông bà. Nam giới cũng trải nghiệm những cảm giác mất mát tương tự khi con trẻ rời đi.

Hội chứng này không phải là một bệnh lý được chẩn đoán lâm sàng mà thay vào đó, nó mô tả một giai đoạn chuyển tiếp khi con người trải qua những cảm xúc cô đơn hoặc mất mát. Mặc dù nhiều bậc cha mẹ khuyến khích con mình phải trở thành người lớn, phải sống tự lập thì bản thân việc đẩy con xa rời mình có thể là một trải nghiệm khá không vui.

Triệu chứng

Cảm giác buồn bã hay mất mát là chuyện bình thường khi một đứa con rời khỏi nhà. Cha hoặc mẹ sẽ nhớ mối quan hệ thân thiết với con hoặc việc tiếp xúc hằng ngày với con mình, họ cũng có thể cảm thấy cô đơn trống vắng khi không có sự hiện diện của con.

Nếu bạn trải nghiệm hội chứng tổ ấm trống trải, hãy kiểm soát phản ứng của mình và khoảng thời gian xuất hiện phản ứng ấy. Nếu bạn thấy chán nản vì nghĩ rằng cuộc sống mình đã không còn ý nghĩa gì nữa hoặc nếu bạn buồn và khóc nhiều đến nỗi chẳng muốn gặp gỡ ai hay đi làm thì bạn nên cân nhắc tìm kiếm hỗ trợ từ chuyên gia.

Nguyên nhân

Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng chất lượng mối quan hệ cha mẹ – con cái có thể đưa đến hệ quả quan trọng cho cả hai bên khi con cái rời khỏi nhà.

Cha mẹ sẽ đạt được sự cân bằng và lợi ích lớn về mặt tâm lý từ cuộc chuyển tiếp vào “tổ ấm trống trải này”, một khi thành công, họ sẽ phát triển và duy trì được mối quan hệ tốt đẹp và ổn định với con cái.

Sư chống đối, mẫu thuẫn hoặc xa cách cực đoan trong các mối quan hệ cha mẹ – con cái có thể làm giảm sự hỗ trợ giữa các thế hệ. Đặc biệt là khi con trẻ cần hỗ trợ nhất trong năm tháng trưởng thành đầu tiên và sự hỗ trợ này cũng cần thiết cả cho những bậc cha mẹ đang dần đối mặt với tuổi già.

Đã có lúc, nhiều người nghĩ rằng phụ nữ sẽ đặc biệt dễ bị trầm cảm khi trẻ rời khỏi nhà, họ sẽ là những người chịu đựng nỗi mất mát lớn lao, mất đi mục tiêu sống và chính bản thân con người họ. Tuy nhiên, các nghiên cứu không chỉ ra sự chênh lệch nào về bệnh trầm cảm ở nữ giới trong giai đoạn này của cuộc đời.

Điều trị

Khi việc con cái rời xa gia đình làm xuất hiện nỗi buồn đau quá lớn thì cần cân nhắc điều trị. Hãy trao đổi những cảm xúc của mình với bác sĩ càng sớm càng tốt. Tâm lý trị liệu được áp dụng để giúp khách hàng hiểu và quản lý cảm xúc, và thuốc điều trị có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng của trầm cảm có thể xuất hiện trong giai đoạn này.

Hỗ trợ xã hội sẽ cực kỳ hữu ích trong những khoảng thời gian căng thẳng và cô đơn; mỗi người nên ưu tiên tự chăm sóc bản thân trong những khoảng thời gian chuyển tiếp khó khan này. Bạn cũng có thể làm một số điều thiết thực giúp chuẩn bị hoặc kiểm soát quá trình chuyển tiếp khi trẻ rời gia đình.

Ví dụ, thời gian và công sức bạn dành ra cho con bây giờ có thể dành cho những hoạt động khác trong cuộc sống. Có lẽ đây sẽ là cơ hội để bạn khám phá sở thích mới hoặc quay lại sở thích trước đây, những hoạt động bạn vẫn làm trong thời gian rảnh hoặc tiếp tục theo đuổi sự nghiệp.

Đây cũng là lúc điều chỉnh vai trò của bạn trong cuộc đời con trẻ cũng như thay đổi vai trò làm cha mẹ. Mối quan hệ của bạn với con sẽ giống như bạn bè hơn, và khi bạn cho con nhiều sự riêng tư hơn, thì bạn cũng nên cho chính mình điều đó.

Nhiều người khuyên rằng ta nên chuẩn bị cho giai đoạn tổ ấm trống trải ngay từ lúc con cái vẫn còn ở với mình. Đầu tư nhiều hơn cho những mối quan hệ bạn bè, sở thích, sự nghiệp và cơ hội học hành.

Hãy lên kế hoạch với gia đình ngay từ khi mọi người vẫn còn chung sống dưới một mái nhà, cả nhà hãy trải qua những kỳ nghỉ cùng nhau, nói chuyện với nhau lâu hơn và cân bằng thời gian làm việc để ở cạnh gia đình và ghi lại những ký ức đẹp.

Ngoài ra, hãy lên kế hoạch cụ thể cho những khoản tiền, thời gian, và không gian còn lại khi con cái không còn ở nhà và dựa dẫm vào bạn nữa.

 

Tài liệu tham khảo. References

Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, Fifth Edition

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/conditions/empty-nest-syndrome

———————————————-

🦋 Linda Nga