Tiếp theo phần 1, ở phần này chúng ta sẽ tập trung vào những nội dung sau:
NHỮNG GIÁ TRỊ CÁ NHÂN CỦA BẠN LÀ GÌ?
Từng giây từng phút từng ngày, dù bạn có nhận ra hay không, bạn đang đưa ra một quyết định về cách sử dụng thì giờ của bạn, bạn sẽ chú ý đến thứ gì, hướng năng lượng của bạn đến chỗ nào.
Ngay lúc này, bạn đang chọn đọc bài viết này. Có vô vàn thứ mà bạn có thể làm, nhưng ngay bây giờ, bạn đang chọn ở đây. Có thể trong một phút tới, bạn quyết định rằng cần đi vệ sinh. Hoặc có thể ai đó nhắn tin cho bạn và bạn dừng đọc. Khi những điều đó xảy ra, bạn đang đưa ra một quyết định đơn giản, mang đầy-giá trị: điện thoại (hoặc toilet) của bạn có giá trị với bạn hơn là bài viết này. Và hành vi của bạn sẽ đi theo cái giá trị đó.
Các giá trị của chúng ta liên tục được phản ánh trong cách hành xử mà chúng ta lựa chọn.
Điều này cực kỳ quan trọng vì chúng ta đều có vài thứ mà chúng ta nghĩ và nói rằng mình đề cao nó, nhưng các hành động của chúng ta chưa bao giờ ủng hộ chúng.
Tôi có thể bảo với mọi người (và bản thân mình) cho tới khô nước miếng rằng tôi quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu hay những nguy hiểm của truyền thông xã hội. Nhưng nếu ngày qua ngày tôi cứ lái xe chạy khắp nơi bằng chiếc xe SUV ngốn nhiều xăng, liên tục cập nhật bảng tin facebook của mình, thì khi ấy hành vi của tôi đang kể một câu chuyện khác.
Hành động không biết nói dối. Chúng ta tin rằng ta muốn có công việc đó, nhưng khi có chuyện tồi tệ xảy ra, chúng ta luôn cảm thấy nhẹ nhõm khi chẳng có ai gọi lại cho chúng ta, để ta có thể trốn vào trò chơi điện tử của mình.
Chúng ta nói với bạn gái mình rằng ta thực sự mong gặp nàng, nhưng ngay khi đám chiến hữu của chúng ta gọi, lịch trình của ta như có phép lạ nới rộng ra giống như Moses rẽ nước Biển Đỏ.
Nhiều người trong chúng ta tuyên bố về những giá trị chúng ta muốn có, như một cách để che đậy những giá trị mà thực tế chúng ta đang có. Bằng cách này, khát vọng thường trở thành một hình thức khác của sự né tránh. Thay vì đối diện với con người chúng ta thực sự đang là, chúng ta đánh mất bản thân trong con người mà ta mơ ước trở thành.
Nói cách khác: chúng ta dối mình vì ta không thích một vài giá trị của mình, và do đó chúng ta không thích một phần của bản thân mình.
Chúng ta không muốn thừa nhận rằng ta đang có những giá trị nào đó, và rằng ta ước mình có những giá trị khác cơ. Và chính sự khác biệt giữa tự nhận thức bản thân và thực tế này thường khiến ta gặp phải đủ mọi rắc rối.
Là bởi vì những giá trị của chúng ta là sự mở rộng của bản thân chúng ta. Chúng định nghĩa ta là ai. Khi một chuyện tốt đẹp xảy đến với điều gì đó hay ai đó mà bạn coi trọng thì bạn sẽ cảm thấy sung sướng. Khi mẹ bạn mua được chiếc xe hơi mới hoặc chồng bạn được tăng lương hay đội bóng bạn yêu thích giành chức vô đích, bạn cảm thấy vui – như thể những điều ấy xảy đến với bạn.
Điều ngược lại cũng đúng. Nếu bạn không coi trọng thứ gì đó thì bạn sẽ thấy mừng khi điều tệ hại xảy ra với nó. Thiên hạ xuống đường ăn mừng khi Osama Bin Laden bị giết. Mọi người mở tiệc bên ngoài nhà tù nơi tay sát nhân hàng loạt Ted Bundy bị xử tử. Tiêu diệt một kẻ bị xem là ác quỷ có cảm giác giống như một chiến thắng đạo đức vĩ đại trong trái tim hàng triệu người.
Vì thế mà khi chúng ta mất kết nối với các giá trị của mình, chúng ta coi trọng việc chơi điện tử suốt ngày suốt đêm nhưng lại tin rằng mình đề cao tham vọng và sự nỗ lực chăm chỉ. Niềm tin và quan điểm của chúng ta mất kết nối với hành động và cảm xúc của ta. Và để bắc cầu cho sự chia cắt đó, chúng ta phải sống hoang tưởng về bản thân mình và về thế giới.
TẠI SAO NGƯỜI GHÉT BẢN THÂN LẠI GÂY TỔN THƯƠNG CHO CHÍNH HỌ?
Cũng giống như trong cuộc sống, chúng ta hoặc là đề cao, hoặc là đánh giá thấp điều gì đó, chúng ta có thể đề cao hoặc hạ thấp giá trị bản thân. Và giống như cách thiên hạ mở tiệc ăn mừng khi Ted Bundy bị hành hình, nếu chúng ta ghét bản thân nhiều như mọi người ghét Ted Bundy, thì khi ấy ta sẽ ăn mừng sự hủy hoại bản thân của chúng ta.
Đây là điều mà những người không ghét bản thân thấy khó hiểu về những người tự làm hại mình: hành vi tự hại bản thân khiến họ cảm thấy tốt theo một số cách thức sâu sắc, đen tối.
Người ghê tởm bản thân cảm thấy họ là người hạ đẳng về đạo đức, rằng họ đáng nhận lãnh một vài chuyện kinh khủng để bù đắp cho sự tồi tệ của họ. Và cho dù là thông qua rượu bia, ma túy hay hành vi tự hại mình hoặc thậm chí làm hại người khác, một phần xấu xí bên trong họ đang tìm kiếm sự hủy hoại này để biện minh cho mọi đau đớn và bất hạnh mà họ đang chịu đựng.
Phần lớn công việc của phong trào lòng tự trọng (self-esteem) ở thập niên 70 và 80 là đưa con người từ chỗ căm ghét bản thân sang biết thương lấy mình. Những người yêu thương bản thân thì chẳng vui sướng gì khi làm hại chính mình. Nói đúng hơn là, họ thấy mãn nguyện khi chăm sóc và cải thiện bản thân.
Tình yêu dành cho bản thân này rất quan trọng. Nhưng tự nó vẫn là chưa đủ. Vì nếu chúng ta chỉ yêu mỗi bản thân thì khi ấy ta sẽ trở thành những người chỉ biết có mình và thờ ơ trước những khổ đau hay vấn đề của người khác.
Cuối cùng, ai ai cũng đều cần coi trọng bản thân nhưng cũng cần một thứ gì đó cao hơn bản thân chúng ta. Dù đó là Chúa hay Thánh Ala hay một số quy tắc đạo đức hoặc lý do, chúng ta cần đề cao một điều gì đó trên cả bản thân mình để làm cuộc đời chúng ta có ý nghĩa.
Bởi vì nếu bạn biến mình thành giá trị cao nhất trong cuộc sống của bạn thì khi ấy bạn sẽ chẳng bao giờ có khao khát hy sinh vì bất cứ điều gì. Và cuộc sống sẽ thấy vô mục đích và chỉ biết chạy theo hết thú vui này đến thú vui khác. Nói cách khác, bạn trở thành một tên ái kỷ xấu xa… và sau đó được bầu làm tổng thống.
Và không ai muốn thế…
BẠN LÀ NHỮNG THỨ MÀ BẠN ĐỀ CAO?
Chúng ta đều nghe kể câu chuyện về một người học thức, thuộc tầng lớp trung lưu đang có một công việc đàng hoàng, với một chút “lập dị” và quyết định dành một tuần hoặc mười ngày (hay mười tháng) và cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài để tìm đến một chốn xa xôi ít ai biết trên trái đất, và bắt đầu công cuộc “tìm kiếm bản thân”.
Chết tiệt, đây có thể từng là bạn vào một thời điểm nào đó. Tôi biết vì tôi cũng từng như vậy trong quá khứ.
Đây là điều mà mọi người muốn nói khi họ bảo rằng họ cần đi “tìm kiếm bản thân”: họ đang tìm những giá trị mới. Bản sắc của chúng ta, tức là, điều mà chúng ta nhận thức và hiểu về “cái tôi”, là tập hợp những điều chúng ta coi trọng. Vì vậy khi bạn bỏ đi đến một nơi nào đó để được ở một mình, việc mà bạn thực sự đang làm đó là bỏ trốn đến một nơi để đánh giá lại những giá trị của bạn.
Đây là cách nó thường diễn ra:
- Bạn đang phải chịu một áp lực và/hoặc căng thăng lớn trong cuộc sống hằng ngày.
- Do áp lực và/hoặc căng thẳng, bạn cảm thấy như mình đang đánh mất sự kiểm soát hướng đi cuộc đời bạn. Bạn không biết mình đang làm gì hoặc tại sao bạn làm việc đó. Bạn bắt đầu có cảm giác như thể những khao khát hoặc quyết định của bạn không còn quan trọng nữa. Có thể bạn muốn uống mojitos (đồ uống nổi tiếng có xuất xứ từ Cuba) và chơi banjo nhưng bị choáng ngợp trước quá nhiều trách nhiệm của việc học/công việc/gia đình/bạn đời khiến bạn cảm thấy mình không thể thỏa mãn những ham muốn đó.
- Đây là “cái tôi” mà bạn cảm thấy mình đã “đánh mất”, một cảm giác rằng bạn không còn là thuyền trưởng điều hướng con tàu cuộc đời của mình. Thay vào đó, bạn bị thổi nghiêng qua ngả lại giữa biển đời bởi những cơn gió mang tên trách nhiệm, hay một vài phép ẩn dụ nghe chừng sâu sắc khác.
- Bằng cách tách những áp lực và/hoặc căng thẳng đó khỏi bản thân, bạn có thể phục hồi lại cảm giác kiểm soát bản thân. Bạn, một lần nữa, chịu trách nhiệm cho sự tồn tại hằng ngày của bạn mà không có sự can thiệp của hàng triệu áp lực bên ngoài.
- Không những vậy, bằng cách tách khỏi những cuồng loạn trong cuộc sống hằng ngày của bạn, bạn có thể nhìn vào những thứ hỗn loạn đó từ xa và có được góc nhìn về việc liệu bạn có thực sự muốn cuộc đời mà bạn đang có. Đây có phải là con người của bạn không? Đây có phải là điều bạn quan tâm? Bạn đặt câu hỏi cho các quyết định và những điều ưu tiên của bạn.
- Bạn quyết định rằng bạn muốn thay đổi một vài thứ. Có những thứ bạn tin rằng bạn đang quan tâm quá nhiều và bạn muốn dừng lại. Có những điều khác bạn cảm thấy nên quan tâm đến chúng nhiều hơn và tự hứa sẽ dành ưu tiên cho chúng. Bây giờ bạn đang tạo dựng “con người mới của bạn.”
- Sau đó bạn nguyện quay lại với “thế giới thực” và thực hiện các ưu tiên mới của bạn, trở thành “cái tôi mới” của bạn, đặc biệt vì giờ đây bạn đang có một làn da rám nắng.
Toàn bộ quá trình này cho dù được tiến hành trên một hòn đảo hẻo lánh, một con tàu du lịch, đâu đó trong rừng, hay tại một hội thảo tự lực bản thân ồn ào. Về cơ bản chỉ là một chuyến phiêu lưu trong việc điều chỉnh các giá trị của bản thân.
Bạn ra đi, thấu được những điều quan trọng với mình trong cuộc sống, thứ gì nên được ưu tiên hơn, thứ gì nên bớt coi trọng và sau đó quay về và bắt tay vào làm. Bằng cách quay lại và thay đổi những điều ưu tiên của bạn, bạn thay đổi những giá trị của mình và bạn tái xuất với “một con người mới.”
Các giá trị là thành phần cơ bản của bản chất tâm lý và bản sắc của chúng ta. Chúng ta được định nghĩa bởi những gì ta chọn xem là quan trọng trong cuộc đời mình. Chúng ta được định nghĩa bởi những điều mà mình ưu tiên.
Nếu tiền bạc quan trọng hơn bất cứ thứ gì thì khi ấy tiền sẽ định nghĩa chúng ta là ai. Nếu chuyện làm tình và hút J’s là thứ quan trọng nhất đời ta, thì nó sẽ định nghĩa ta là ai. Và nếu chúng ta cảm thấy con người mình chán kinh khủng và tin rằng ta không xứng với tình yêu, sự thành công hoặc thân mật thì khi ấy nó cũng sẽ định nghĩa về con người chúng ta thông qua các hành động, lời nói và quyết định của chúng ta.
Bất cứ thay đổi nào về bản thân chính là một sự thay đổi trong cấu trúc các giá trị của chúng ta. Khi chuyện bi kịch xảy đến, nó tàn phá chúng ta không chỉ vì chúng ta cảm thấy buồn bã mà vì chúng ta đã mất đi thứ gì đó mình coi trọng. Và khi chúng ta mất mát đủ điều mình đề cao, thì chúng ta bắt đầu chất vấn cái giá trị đó.
Chúng ta coi trọng người bạn đời của mình và giờ thì họ đã bỏ ta. Và ta suy sụp. Điều đó đặt nghi vấn về con người chúng ta, giá trị của chúng ta như một con người, và những gì chúng ta hiểu về thế giới. Nó ném chúng ta vào một cuộc khủng hoảng hiện sinh, một sự khủng hoảng về bản sắc (identity crisis), vì chúng ta không biết nên tin vào điều gì, nên cảm nhận ra sao hay nên làm chuyện gì.
Vì vậy, thay vào đó chúng ta ngồi ở nhà với cô bạn gái mới của mình, biệt danh là một túi bánh Oreos.
Sự thay đổi về bản sắc này cũng đúng cho cả những sự kiện tích cực. Khi một điều tuyệt vời xảy ra, chúng ta không chỉ trải nghiệm niềm vui của chiến thắng hay đạt được một số mục tiêu, mà chúng ta cũng trải qua một sự thay đổi trong cách đánh giá về bản thân mình, chúng ta xem bản thân có giá trị hơn, xứng đáng hơn. Ý nghĩa được thêm vào thế giới. Cuộc sống của chúng ta rung động với cường độ mãnh liệt hơn. Và điều đó là rất mạnh mẽ.
——————————————-
SINH TRẮC HỌC DẤU VÂN TAY HUMANO
Website: Humano.vn
Hotline: 19009421
Tham khảo chuyên môn tại: Lindanga.com