Phần cuối chúng ta sẽ cùng bàn luận về các phương pháp tối ưu giá trị bản thân nhé!

Trước khi chúng ta tìm hiểu chính xác làm thế nào để thay đổi các giá trị cá nhân của mình, hãy cùng thảo luận xem những giá trị nào là lành mạnh và những giá trị nào thì độc hại. Trong cuốn sách của tôi, The Subtle Art of Not Giving a F*ck, tôi đã định nghĩa các giá trị tốt và xấu như sau:

Những giá trị tốt là:

  1. Dựa trên bằng chứng
  2. Có tính xây dựng
  3. Có thể kiểm soát được

Những giá trị xấu là:

  1. Dựa trên cảm xúc
  2. Có tính hủy hoại
  3. Không kiểm soát được

Những giá trị dựa trên bằng chứng và những giá trị dựa trên cảm xúc

Nếu bạn đã theo dõi trang web này trong năm năm qua thì bạn sẽ nhận thấy một chủ đề kiên định: quá dựa vào những cảm xúc của chúng ta là không đáng tin cậy nhất và gây tổn hại nặng nề nhất. Không may thay, đa số chúng ta dựa quá nhiều vào cảm xúc của mình mà chẳng hề hay biết.

Các nghiên cứu tâm lý cho thấy đa số chúng ta thường xuyên đưa ra quyết định và được truyền cảm hứng hành động thông qua những cảm xúc của mình, thay vì dựa trên kiến thức hoặc thông tin.

Nghiên cứu tâm lý cũng cho thấy cảm xúc của chúng ta nhìn chung là vị kỷ, sẵn sàng từ bỏ những lợi ích lâu dài để có được những mối lợi trước mắt, và thường lệch lạc và/hoặc ảo tưởng.

NHỮNG GIÁ TRỊ DỰA TRÊN BẰNG CHỨNG VS. NHỮNG GIÁ TRỊ DỰA TRÊN CẢM XÚC

Những người để cảm xúc dẫn dắt cuộc sống của họ sẽ thấy bản thân cứ mãi chạy trên máy chạy bộ, liên tục cần nhiều hơn nữa, nữa, nữa. Và cách duy nhất để bước ra khỏi guồng quay đó là quyết định một thứ gì đó còn quan trọng hơn cả những cảm xúc của bạn—đó là một số lý do, một số mục tiêu, một số người, đôi khi đáng để chịu tổn thương vì chúng. 

“Cái lý do” đó thường là thứ mà chúng ta xem như “mục đích sống” của mình và thấy nó là một trong những nỗ lực quan trọng nhất chúng ta có thể thực hiện để nâng cao sức khỏe và hạnh phúc của mình.

Nhưng mục đích của chúng ta không nên được tìm kiếm chỉ đơn thuần thông qua cảm giác tốt đẹp, vui sướng. Nó phải được xem xét và suy tính. Chúng ta phải thu thập bằng chứng ủng hộ cho nó. Bằng không, chúng ta sẽ phí hoài cả đời để chạy theo một ảo ảnh.

Những giá trị có tính xây dựng và những giá trị có tính hủy hoại

Điều này nghe thì đơn giản, nhưng sẽ bắt đầu làm đầu óc bạn rối loạn nếu bạn nghĩ về nó đủ nhiều.

Chúng ta không muốn đề cao những thứ có hại cho bản thân và những người khác. Chúng ta muốn đề cao những thứ làm bản thân mình và người khác phát triển.

Đúng.

Bây giờ, việc xác định xem điều gì thực sự thúc đẩy sự phát triển và điều gì thực tế gây hại cho chúng ta có thể trở nên phức tạp.

Tập gập mông tại phòng gym về mặt kỹ thuật gây hại cho cơ thể bạn—nhưng nó cũng giúp bạn khỏe mạnh hơn.

Dùng thuốc lắc MDMA có thể tăng sự phát triển về cảm xúc của chúng ta trong một số trường hợp, nhưng nếu bạn cứ dùng nó mỗi cuối tuần để làm bản thân tê liệt, thì bạn có lẽ đang làm hại cảm xúc của bạn nhiều hơn là điều tốt lành.

Tình một đêm có thể là một phương tiện để nâng cao lòng tự tin bản thân nhưng cũng là phương tiện để tránh né sự thân mật hoặc trưởng thành về cảm xúc.

Có một ranh giới không rõ nét giữa phát triển và gây hại. Và chúng thường xuất hiện dưới dạng hai mặt của cùng một đồng tiền. Đây là lý do tại sao những điều bạn đánh giá cao thường không quan trọng bằng lý do tại sao bạn đề cao nó. 

Nếu bạn coi trọng võ thuật vì bạn thích gây tổn thương cho người khác thì đấy là một giá trị xấu. Nhưng nếu bạn đề cao nó vì bạn đang là quân nhân và muốn học cách bảo vệ bản thân và người khác – thì đó là một giá trị tốt. Sau cùng, chính ý định mới là quan trọng nhất.

Những giá trị kiểm soát được và không thể kiểm soát

Khi bạn coi trọng những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn thì về cơ bản bạn đang từ bỏ cuộc đời mình cho thứ đó.

Ví dụ kinh điển nhất cho điều này là tiền bạc. Vâng, bạn kiểm soát được đôi chút về số tiền bạn làm ra, nhưng không thể kiểm soát được hoàn toàn. Nền kinh tế sụp đổ, các công ty phá sản, toàn bộ các ngành nghề được tự động hóa bởi công nghệ.

Nếu tất cả mọi thứ bạn làm chỉ vì tiền, và sau đó bi kịch giáng xuống và toàn bộ tiền bạc bị các hóa đơn bệnh viện nuốt hết, thứ bạn mất còn nhiều hơn cả mất một người thân yêu—cũng như bạn sẽ đánh mất mục đích sống của mình.

Tiền bạc là một giá trị xấu vì bạn không phải lúc nào cũng kiểm soát được nó. Tính sáng tạo hay cần cù hay đạo đức làm việc là những giá trị tốt mà bạn CÓ THỂ kiểm soát được chúng- và trau dồi chúng sẽ giúp bạn kiếm được nhiều tiền hơn như một tác dụng phụ.

Chúng ta cần những giá trị mà mình có thể kiểm soát được, nếu không các giá trị của chúng ta sẽ kiểm soát ta.

Một số ví dụ về những giá trị tốt, lành mạnh: tính trung thực, xây dựng một cái gì đó mới, tính dễ bị tổn thương, tự bảo vệ bản thân, đứng lên bệnh vực cho người khác, tôn trọng bản thân, óc tò mò, từ thiện, khiêm tốn, sáng tạo.

Một số ví dụ về những giá trị xấu, không lành mạnh: thống trị người khác bằng cách thao túng hoặc vũ lực, quan hệ tình dục với nhiều đàn ông/phụ nữ, lúc nào cũng cảm thấy tốt, vui vẻ, luôn luôn là trung tâm của sự chú ý, không bao giờ cô độc, được tất cả mọi người yêu thích, muốn giàu có chỉ vì lợi ích của giàu sang, hiến tế những động vật nhỏ cho thần linh.

CÁCH LÀM MỚI LẠI BẢN THÂN

Dưới đây có lẽ là một trong những bài nói chuyện TED truyền cảm hứng nhất mà tôi từng xem. Nó không có nhiều ý tưởng gây bất ngờ. Bạn sẽ không chụp giựt được thứ gì đó mà bạn có thể ngay lập tức triển khai và bổ sung vào cuộc đời mình. Anh chàng này thậm chí còn không phải là một diễn giả giỏi.

Nhưng điều anh ấy mô tả thì thật sâu sắc:

Daryl Davis là một nhạc sỹ da đen người đã đi lưu diễn và chơi các show nhạc blue trên khắp miền nam nước Mĩ

Daryl Davis là một nhạc sỹ da đen người đã đi lưu diễn và chơi các show nhạc blue trên khắp miền nam nước Mĩ. Trong sự nghiệp của mình, anh ấy không tránh khỏi đụng độ những người theo chủ nghĩa da trắng ưu việt.

Và thay vì chống lại họ hoặc tranh cãi với họ, anh chọn làm một điều không ai ngờ: anh ta kết bạn với họ.

Điều này nghe có vẻ điên rồ. Và có lẽ thế thật. Nhưng đây còn là điều điên rồ hơn: anh ấy đã thuyết phục hơn 200 thành viên KKK từ bỏ áo choàng của họ. Đây là điều mà đa phần mọi người không biết về sự thay đổi giá trị: 

Bạn không thể tranh luận với ai đó về những giá trị của họBạn có thể làm họ thấy xấu hổ bằng cách đề cao một điều gì đó khác (thực tế việc làm họ thấy xấu hổ thường phản tác dụng – họ tăng gấp đôi cái giá trị đó).

Không, việc thay đổi giá trị thì tinh tế hơn nhiều. Và có thể mọi người chưa nhận ra, Daryl Davis dường như là bậc thầy về điều này.

Bước 1: Giá trị phải thất bại

Davis bằng trực giác nắm bắt được một điều mà đa số chúng ta không hiểu: các giá trị dựa trên kinh nghiệm. Bạn không thể tranh luận với người khác về các giá trị của họ. Bạn cũng không thể đe dọa họ từ bỏ những niềm tin đã bám rễ sâu trong họ. Điều đó chỉ khiến họ phòng thủ và chống lại việc thay đổi bản thân nhiều hơn. Thay vào đó, bạn nên tiếp cận họ bằng sự thấu cảm.

Cách duy nhất để thay đổi các giá trị của một người là cho họ thấy một kinh nghiệm trái ngược với giá trị của họ.

Các thành viên KKK giữ các giá trị phân biệt chủng tộc sâu sắc và thay vì tấn công họ và tiếp cận họ như một kẻ thù—theo cách sẽ khiến các giá trị của họ dội ngược lại họ—Davis chọn tiếp cận với họ theo cách hoàn toàn ngược lại: như một người bạn. Và chính sự thân thiện và tôn trọng đó đã khiến các thành viên KKK đặt nghi vấn về mọi thứ họ biết.

Để từ bỏ một giá trị, nó phải được phủ nhận thông qua kinh nghiệm. Đôi khi sự phủ nhận này xảy ra bằng cách xem xét những hậu quả logic của giá trị. Tiệc tùng quá nhiều cuối cùng sẽ làm cuộc đời có cảm giác trống rỗng và vô nghĩa. Theo đuổi tiền bạc quá nhiều cuối cùng gây ra căng thẳng và sự tha hóa. Quan hệ tình dục quá mức làm bạn làm đùi bạn bị phồng giộp …

Những lần khác, một giá trị bị phủ nhận bởi thế giới thực. Nhiều thành viên KKK đã gặp Davis chưa từng quen biết một người da đen, huống chi là tôn trọng một người da đen. Vì vậy anh đơn giản chỉ gặp họ và khiến bọn họ tôn trọng.

Bước 2: Tự ý thức để nhận ra giá trị mình đã thất bại

Thật kinh khủng khi các giá trị của chúng ta thất bại. Sẽ diễn ra một quá trình thương tiếc, buồn đau. Vì các giá trị của chúng ta cấu thành bản sắc của ta và nhận thức của ta về con người mình là ai, mất đi một giá trị có cảm giác như là ta đang mất đi một phần bản thân mình.

Do đó, chúng ta chống lại sự thất bại đó. Chúng ta giải thích và chối bỏ nó. Chúng ta đưa ra những sự hợp lý hóa. Davis cho biết trong nhiều tháng, những người bạn KKK của anh ta sẽ đấu tranh để biện minh cho tình bạn của họ với anh. Họ sẽ nói những thứ kiểu như, “Vâng, bạn là một Daryl khác,” hay tạo ra những lời biện hộ công phu để giải thích lý do tại sao họ tôn trọng anh ta.

Khi các giá trị của chúng ta thất bại, chúng ta có hai kiểu biện minh:
1) thế giới khốn nạn, hoặc
2) chúng ta là thằng điên.

Giả sử bạn dành cả cuộc đời để chạy theo tiền. Và đến độ tuổi 40, bạn tích lũy được một khoản kha khá. Nhưng thay vì bơi lặn trong đống tiền vàng giống như Scrooge McDuck, số tiền này không mang lại hạnh phúc cho bạn, mà nó làm bạn bị stress nhiều hơn.

Bạn phải tìm cách để đầu tư tiền. Bạn phải đóng thuế cho hầu hết mọi thứ. Bạn bè và gia đình liên tục tìm đến bạn để nhờ vả hoặc xin xỏ.

Nhưng thay vì xem xét rằng giá trị này là thứ điên khùng, rằng có lẽ bạn nên quan tâm đến một thứ gì đó hơn là tiền bạc, thì hầu hết mọi người lại đổ lỗi cho cuộc đời. Đấy là lỗi của chính phủ vì họ trừng phạt người giàu và người thành đạt.

Thế giới này đầy rẫy những kẻ lừa đảo và lười biếng chỉ chực chờ xin của bố thí. Thị trường chứng khoán thì giống như một racket và không đời nào giành được chiến thắng.

Những người khác thì tự đổ lỗi cho bản thân. Họ cho rằng, “Tôi có thể xử lý được chuyện này, vì vậy tôi chỉ cần kiếm được nhiều tiền hơn và mọi thứ sẽ ổn thỏa.” Họ bị cuốn vào guồng quay không ngừng chạy theo giá trị của họ nhiều hơn và hơn thế cho đến khi họ trở thành một kẻ cực đoan.

Ít ai dừng lại để xem xét rằng bản thân giá trị đó là sai lầm. Việc coi trọng tiền bạc làm bạn gặp rắc rối, do đó nó chẳng có cách nào giúp bạn thoát ra.

Bước 3: Xem xét lại giá trị và động não tìm ra giá trị tốt hơn

Trong một bài viết trước đây, tôi đã mô tả cách thức mà quá trình trưởng thành tức là thay thế những giá trị về vật chất, cấp thấp bằng những giá trị trừu tượng cao hơn.

Vì thế thay vì theo đuổi tiền bạc hoài hoài, bạn có thể theo đuổi sự tự do. Thay vì cố gắng làm mình được mọi người yêu thích, bạn có thể đề cao sự thân mật gắn bó với một vài người. Thay vì cố gắng đạt được mọi thứ, bạn có thể tập trung vào việc cố gắng hết sức có thể.

Những giá trị trừu tượng, cao cấp này tốt hơn bởi vì chúng sinh ra những vấn đề tốt hơn. Nếu giá trị chính của bạn trong cuộc đời là số tiền bạn kiếm được, thì khi ấy bạn lúc nào cũng sẽ cần nhiều tiền hơn.

Nhưng nếu giá trị chính của bạn là sự tự do cá nhân, thì bạn một lúc nào đó sẽ cần có nhiều tiền, nhưng cũng có thể trong một số trường hợp bạn ít cần đến tiền. Hoặc những lúc mà tiền hoàn toàn không liên quan.

Sau cùng, những giá trị trừu tượng là những thứ bạn có thể kiểm soát. Bạn lúc nào cũng có thể kiểm soát được việc mình đang trung thực hay là không. Bạn không thể kiểm soát được chuyện người khác liệu có thích mình. Nhưng bạn luôn luôn kiểm soát được việc dốc hết sức mình.

Bạn không phải lúc nào cũng kiểm soát được chuyện giành chiến thắng hay không. Nhưng bạn luôn luôn kiểm soát được việc bạn đang làm điều gì đó mà bạn thấy có ý nghĩa, bạn không thể kiểm soát được số tiền mà bạn sẽ được nhận.

Bước 4: Sống theo giá trị mới

Đây là cái bẫy: chỉ ngồi nghĩ mãi về những giá trị tốt hơn thì hay đấy. Nhưng chẳn có gì được củng cố cho đến khi bạn đi ra ngoài và thể hiện giá trị mới đó. 

Những giá trị có được và mất đi thông qua những trải nghiệm trong cuộc sốngChứ không phải thông qua lý luận hoặc cảm xúc hoặc thậm chí niềm tin. Chúng phải được sống và trải nghiệm để gắn bó.

Điều này thường đòi hỏi lòng can đảm. Bước ra ngoài cuộc đời và sống theo một giá trị đối lập với những giá trị cũ của bạn thật là đáng sợ. Tôi mường tượng ra những anh chàng KKK đầy sợ hãi khi dành thời gian chơi với một chàng trai da đen. Nó có thể làm họ hoảng sợ khi họ nhận ra mình thích anh ta và tôn trọng anh ta. Có lẽ họ đã tránh né anh ấy và dựng lên những bức tường ngăn cách giữa họ và anh ta.

Chúng ta thường xuyên làm điều tương tự trong cuộc sống của mình. Muốn có những mối quan hệ chân thành thì dễ như bỡn. Nhưng sống với chúng mới là chuyện khó khăn. Việc đó rất đáng sợ. Chúng ta tránh né. Chúng ta viện ra những lý do tại sao chúng ta phải đợi chờ, hoặc chúng ta sẽ làm tốt hơn vào lần sau. Nhưng cái “lần sau đó” chắc chắn lại là một thất bại khác hoặc đau đớn khác.

Bước 5: Hưởng thành quả từ giá trị mới

Nhưng khi bạn triệu tập can đảm để sống theo những giá trị mới của bạn, một thứ điên rồ sẽ xảy ra: Cảm giác rất là tuyệt. Bạn thu được những lợi ích. Và một khi bạn trải nghiệm được những lợi ích đó, bạn không chỉ dễ dàng tiếp tục sống với các giá trị mới, nhưng nghe có vẻ điên rồ là sao bạn không làm điều này sớm hơn.

Nó giống như cảm giác sướng khoái bạn có được sau khi chạy bộ. Hay sự nhẹ nhõm sau khi bạn nói ra sự thật cho ai đó biết. Hay sự giải thoát bạn cảm nhận khi bạn không còn là một kẻ phân biệt chủng tộc và trao chiếc áo choàng Klan của bạn cho một ông già da đen tốt bụng. 

Giống như nhảy xuống một hồ nước lạnh, nỗi kinh hoàng và cơn sốc qua đi, trong bạn còn lại một cảm giác thở phào nhẹ nhõm tuyệt vời, và một sự thấu hiểu mới mẻ, sâu sắc hơn về con người thực sự của bạn.

Nguồn: Tamlyhoctoipham

—————————————