“Phần thưởng… trong cuộc đời này này là sự tôn trọng và lòng ngưỡng mộ của những người khác – hình phạt là sự thờ ơ và coi thường… Niềm khao khát đối với sự kính trọng của người khác cũng thực tế như nhu cầu cần được ăn khi đói vậy – và sự thờ ơ và coi thường của thế gian thì giống như cơn đau bệnh gout hay sỏi thận.” – John Adams

Vậy là chúng ta đã thực hiện các bước để cải thiện và kiểm soát địa vị của bản thân chúng ta. Chúng ta có thể dừng lại ở đó và nghỉ ngơi, nhưng tôi cho rằng bản thân chúng ta cũng có sự quan tâm nhất định và rằng xét trong tổng thể xã hội thì chúng ta cần phải giúp đỡ người khác đi đúng hướng trong hệ thống địa vị thời hiện đại nữa. Tất cả chúng ta đều cùng chung sống trên trái đất này, và quả thật hiện nay rất nhiều người vẫn đang phải vật lộn mỗi ngày.

Số ca tự tử và trầm cảm đang ngày một tăng lên, và những người phương Tây hiện đại dường như đang cảm thấy bất hạnh hơn bao giờ hết. Có quá nhiều yếu tố góp phần vào tình trạng tồi tệ này: những chế độ ăn kiêng và rèn luyện tệ hại, lương thưởng bèo bọt, cô lập xã hội, mức độ gia tăng của tình trạng căng thẳng thần kinh, v.v. Nhưng khuynh hướng lo lắng tự nhiên gây ra bởi hệ thống địa vị xã hội hiện đại cũng phải chịu một phần trách nhiệm.

Công nghệ số với những thành tựu đáng kinh ngạc – cuộc sống trong mơ của chúng ta – khiến kỳ vọng của chúng ta tăng vọt. Và rồi còn cả sự va chạm với thực tại nữa – khó khăn cố hữu trong việc theo đuổi mọi kế hoạch vĩ đại của chúng ta – vẫn khiến ta thất vọng như vậy. Sự xung đột giữa kỳ vọng cao với bức tường thực tại có thể dẫn đến kết quả là sự gục ngã trong tuyệt vọng.

Cùng lúc đó, chúng ta trở nên cô đơn hơn bao giờ hết. Chúng ta thiếu những mối quan hệ thân thiết với bạn bè và gia đình – là nơi nhắc nhở chúng ta nhớ rằng nếu như ta có thất bại trong việc tạo ra một ứng dụng trị giá triệu đô, hay nếu như ta không tìm được người phụ nữ trong mơ của đời mình, hoặc mất đi công việc mà ta đã phải bay tới tận đầu kia của đất nước để nhận lấy, thì họ vẫn nhìn ra vô số những điều tốt đẹp ở ta. Đặc biệt là những người trẻ cần có người hướng dẫn để giúp họ tránh khỏi việc theo đuổi những mục tiêu địa vị vô nghĩa, và cần hướng về những điều hữu ích và có ý nghĩa ra sao.

Đơn độc, và bị chôn vùi dưới ngọn núi của đủ loại những quy tắc và chuẩn mực địa vị, nỗi bất an, sự giận dữ, và tuyệt vọng là điều vô cùng khủng khiếp. Có thể chúng ta có được những công cụ tinh thần và sự ủng hộ xã hội để tránh khỏi những điều này, nhưng rất nhiều người lại không được may mắn như thế.

Vậy thì tại sao lại không chìa tay ra đối với những người bạn đường kia? Với sự nhận biết rằng có những người đang thực sự phải sống chật vật, ta cũng sẽ nhận thấy rằng hành động của chúng ta sẽ có tác động tới người khác. Nếu như ta có thể làm điều gì đó để giúp những người khác hiểu ra giá trị của bản thân họ và làm dịu đi nỗi lo âu về địa vị trong lòng họ, thì tôi nghĩ rằng chúng ta nên hành động. Dưới đây là một vài gợi ý:

Khuyến khích sự giao tiếp trực diện

Như đã nói tới từ trước, cộng đồng giao tiếp trực diện cho phép chúng ta kiểm soát khuynh hướng theo đuổi địa vị của mình một cách dễ dàng và lành mạnh hơn nhiều. Bạn bè và gia đình biết rõ về con người chúng ta, vì thế mà một khía cạnh hẹp trong địa vị của ta không trở thành gánh nặng thái quá, và tất cả những điều nhỏ nhặt mà ta làm cho thế giới này đều được biết tới và ghi nhận.

Thật không may, nền văn hoá hiện tại của chúng ta lại không khuyến khích những cộng đồng thân tình. Thực ra, nó đưa đẩy ta đi theo một chiều hướng hoàn toàn ngược lại. Rất nhiều người trong xã hội này đều mong muốn có được nhiều hơn nữa sự tương tác trực diện, nhưng hoặc là họ gặp khó khăn trong việc thực hiện những bước đầu tiên để có được điều đó hoặc là không biết phải tìm kiếm nó ở đâu. Vì thế mà họ thoái lui bằng việc ngồi nhà lướt mạng vào tối thứ Bảy, cầu trời khấn Phật rằng có ai đó sẽ tới tìm họ và làm điều gì đó.

Nếu như phải có một ai đó thực hiện bước đầu tiên để xây dựng một cộng đồng tốt đẹp hơn, tại sao người đó lại không phải là bạn? Việc này không khó đâu.

Bạn không quen biết hàng xóm của mình ư? Hãy chuyện trò cùng họ. Hãy mời họ tới nhà cùng xem bóng đá. Hãy tổ chức một buổi đánh bài vui vẻ.

Bạn thấy hợp với một vài đôi vợ chồng cùng dự lễ nhà thờ, nhưng dường như các bạn không thể vượt qua được tình bạn ngày Chủ nhật? Hãy là người mời họ tới nhà ăn bữa tối.

Bạn đang tập tại một phòng gym? Hãy gợi ý cho người chủ phòng tập tổ chức một hoạt động ngoại khoá cho mọi thành viên trong câu lạc bộ. Đó là cách mà các cộng đồng được xây dựng: một sự tương tác trực diện tại mỗi thời điểm.

Với việc góp sức xây dựng một cộng đồng, không chỉ bản thân bạn được hưởng lợi từ sự tương tác xã hội, mà bạn cũng sẽ thấy được sự thay đổi trong cuộc sống của những người xung quanh mình.

Có nhiều người đang rất cô đơn; họ cho rằng mọi người khác đều có bạn bè cả, nhưng thực ra “mọi người khác” cũng chỉ cô đơn giống như họ mà thôi. Bạn không tưởng tượng nổi việc mình có thể cải thiện đời sống của một ai đó chỉ với việc xây dựng một môi trường mà họ có thể tương tác với những người khác một cách bình thường lại có ý nghĩa như thế nào đâu.

Thể hiện sự khiêm tốn của nền cộng hoà

Vào những ngày đầu của nước Mỹ, những Nhà lập quốc và những nhà tư tưởng khác tin rằng để một chế độ cộng hoà mới có thể tồn tại, các công dân của nó cần phải phát triển những phẩm chất nhất định. Được gọi là “đạo đức nền cộng hoà,” những nguyên tắc văn hoá này tập trung vào việc tránh xa sự suy đồi đạo đức, tham nhũng, và tính tham lam, và cần phải có sự khiêm nhường trong phong cách sống và hành xử.

Những Nhà lập quốc tin rằng một khi các công dân bắt đầu nâng bản thân mình lên cao hơn những người khác thông qua sự tiêu dùng phô trương, chẳng chóng thì chày những phẩm cách khác như sự tiết kiệm và sự hy sinh cũng sẽ biến mất. Và nếu như những điều này biến mất, lạy Trời phù hộ cho Kinh nghiệm Vĩ đại của nước Mỹ.

Dù nhiều Nhà lập quốc đều giàu có, họ lại sống vô cùng giản dị. John Adams chính là đại diện tiêu biểu cho sự khiêm tốn của nền cộng hoà này. Dù là một luật gia thành đạt, ông vẫn mặc trang phục do người nhà tự may và ăn thức ăn mà ông thu hoạch được từ vườn nhà mình. Ông cho rằng mình có nghĩa vụ trong việc không được xa rời đời sống của những người đồng bào và do vậy mà ông có thể được xem là một hình mẫu về phẩm chất tốt đẹp và là một nhà lãnh đạo hiệu quả.

Ngày nay chúng ta sống trong một môi trường văn hoá lảng tránh sự khiêm tốn của nền cộng hoà. Thay vào đó là đặc tính tự tô vẽ bản thân nhan nhản khắp mọi nơi. Nếu như bạn có cái gì, là bạn phải khoe cho bằng được. Nếu như mà bạn không tự xây dựng “thương hiệu cá nhân,” thì bạn sẽ chẳng thể nào mà có được sự nghiệp hay cuộc sống mà bạn hằng ao ước. 

Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy hạnh phúc hơn khi khôi phục lại sự khiêm tốn nền cộng hoà trong nền văn hoá của chúng ta. Nó chắc chắn sẽ giúp giảm thiểu cuộc chạy đua về địa vị trên mạng, cũng như là toàn thể Nỗi sợ mất cơ hội trên khắp thế giới.

Tôi không nói rằng bạn đừng có mua những món đồ đắt tiền hay đừng thực hiện những chuyến du lịch trong khả năng của mình để khỏi khiến người khác ghen tị. Mà bạn chỉ cần để tâm hơn một chút khi tuyên bố về những gì mình sở hữu và trải nghiệm với thế giới.

Hãy nghĩ về việc tại sao bạn lại đăng hình lên mạng? Liệu có phải chỉ bởi vì bạn muốn cập nhật tin tức với bạn bè, hay là bạn thực sự muốn họ phải ghen tị với bạn? Và hãy nghĩ đến cả việc liệu bức hình đó có miêu tả chân thực cái điều mà đáng lẽ ra nó cần phải miêu tả hay không?

Có phải là lần trước đi chơi bạn gặp mưa suốt, phòng khách sạn thì vừa xấu vừa bẩn, và bọn trẻ con thì ồn ào khó chịu, và ai cũng thấy chán ngán, nhưng bạn lại cố công chụp một bức hình đẹp với 5 phút trời hửng nắng và nụ cười toe?

Có phải bạn cắm trại ngay cạnh một bãi đỗ xe rộng, nhưng chỉ cần xoay góc camera vừa đủ, thì bạn có thể tạo ra khung cảnh như thể bạn đang ở giữa thiên nhiên trong lành?

Hãy khiêm tốn và chân thật và ngừng lại việc đăng những bức hình như thế. Hãy đưa ra quyết định rằng không tham gia vào sự kỳ vọng quá đà và đầy giả tạo của mọi người về cuộc sống chỉ để bạn cảm thấy tuyệt vời còn bạn bè bạn thì thấy tệ hại.

Tôi biết rằng việc tránh khỏi sự đề cao bản thân dù cho điều đó nằm trong quyền chính đáng của bạn là đi ngược lại với nền văn hoá tôi-là-trên-hết, kẻ-thắng-là-kẻ-có-tất. Nhưng tất cả chúng ta đều có thể góp phần vào việc giảm thiểu mức độ bất an về địa vị trên thế giới này và gia tăng cảm giác hạnh phúc nơi những người bạn đồng hành của chúng ta.

Hãy lịch sự

Liệu bạn có bao giờ băn khoăn rằng tại sao bạn lại cảm thấy thật dễ chịu khi những người quanh mình cư xử đúng mực? Nếu như bạn dừng lại và thử suy nghĩ về điều này, những việc mà chúng ta gọi là “cư xử tốt”, về bản chất, là những cử chỉ bày tỏ sự tôn trọng.

Thay vì áp đặt những gì bạn muốn như là một kẻ lấn át đầy đáng ghét, bạn hãy nói “làm ơn.” Thay vì việc xô đẩy những người khác để giành lối đi cho mình, bạn hãy nhường đường cho người khác. Hãy đặt những người khác lên trước. Hãy nhún nhường.

Nhún nhường là một từ không hay lắm, tôi biết, nhưng sẽ không như vậy nếu bạn tỏ ra nhún nhường theo cách tự nguyện và có kiểm soát – đưa ra một quyết định có cân nhắc về việc tạm thời lùi một bước vì những mục đích tốt đẹp hơn.

Khi mà con người ta nhìn thấy những cử chỉ nhún nhường này, bộ óc họ sẽ sản sinh ra chất serotonin khiến cho họ cảm thấy dễ chịu cùng với cảm giác rằng địa vị của họ được nâng cao. Ngược lại, khi có ai đó bị đối xử vô lễ, bộ não họ sẽ liên kết với việc địa vị bị hạ thấp, mà do đó làm giảm liều lượng serotonin được tiết ra và làm tăng lượng chất cortisol gây căng thẳng thần kinh.

Do vậy một cách đơn giản mà bạn có thể thực hiện để giúp cho những người khác cảm thấy dễ chịu về việc địa vị được nâng cao là hãy tỏ ra lịch sự. Hãy nói “làm ơn” và “cảm ơn.” Hãy nhường đường cho người khác. Hãy trả lời email, điện thoại, và tin nhắn kịp thời. Bạn hiểu rõ vấn đề rồi đấy. Phép xã giao không đòi hỏi nhiều nỗ lực lắm đâu và bạn có thể thực hiện điều đó nhiều lần trong ngày, vào mỗi ngày.

Hãy hào phóng với những lời khen tặng

Một cách thức “khiêm nhường” khác để nâng cao địa vị của người khác là trao tặng những lời khen. Chúng ta thường hay ki bo trước những lời khen ngợi bởi vì ta cảm thấy việc thừa nhận rằng mình ngưỡng mộ người khác sẽ khiến ta kém cỏi hơn họ.

Nhưng địa vị không nhất thiết phải là một trò chơi có tổng số bằng không. Vì thế khi mà một ai đó vượt trội hơn bạn ở một lĩnh vực này; thì bạn sẽ xuất sắc hơn họ ở một lĩnh vực khác. Do vậy hãy để cho họ biết họ xuất sắc ở điểm nào.

Đặc biệt là hãy cố gắng khen ngợi những điều mà thường không được thế giới này công nhận rộng rãi, và những điều mà mọi người không cho rằng sẽ làm tăng giá trị của họ.

“Thật dễ chịu vì bạn không nói lời cay đắng.”
“Sự chính trực của bạn thôi thúc tôi trở thành một con người tốt đẹp hơn.”
“Ước gì tôi cũng có thể kiên nhẫn với lũ trẻ nhà mình giống như bạn.”
“Tôi chưa bao giờ gặp một ai không ích kỷ và trung thành như bạn.”
“Cám ơn vì luôn quan tâm đến quan điểm của tôi.”

Những lời ngợi khen có thể nâng cao tinh thần của người khác, giúp họ có thể tiếp tục cố gắng khi gặp phải thất bại về địa vị; và thực ra, họ sẽ ghi nhớ sự động viên của bạn suốt đời.

Bày tỏ lòng biết ơn

Ngoài việc khen tặng nhiều hơn, thường xuyên và không ngại ngần bày tỏ lòng biết ơn của bạn với người khác cũng là một cách thức lành mạnh để chứng tỏ sự “khiêm nhường” giúp nâng cao địa vị.

Bạn hãy để người khác biết rằng họ đã giúp đỡ bạn – rằng bạn đã cần thứ mà họ có thể cho. Cảm ơn mọi người vì những việc họ làm và về con người họ là một cách đơn giản nhằm giúp họ nhận ra được giá trị của bản thân.

“Lương tâm của người nghèo rất trong sạch; thế mà anh ta lại thấy hổ thẹn… Anh ta cảm thấy mình không ở trong tầm mắt của những người khác, dò dẫm trong bóng tối. Nhân loại chẳng đoái hoài gì tới anh ta. Anh ta đi lang thang và loanh quanh mà không ai để ý đến. Giữa đám đông, tại nhà thờ, trong buổi chợ…anh ta ở trong sự tối tăm cũng nhiều như khi anh ở lều tranh vách đất. Anh ta không hề bị từ chối, phê bình, hay sỉ nhục; anh ta chỉ không được nhìn thấy mà thôi… Bị hoàn toàn lãng quên, và nhận thức rõ được điều đó, là một việc không tài nào chịu nổi.” – John Adams

Gần gũi với những người trẻ cần sự quan tâm

Trong dân chúng, có một số đối tượng đặc biệt rất dễ bị tổn thương trước mặt trái của vị thế thấp: người nghèo, người già, người tàn tật, và những người bị bệnh tâm thần, là một vài ví dụ. Thường thì những đối tượng này hay bị bỏ rơi, và tệ nhất là bị đem ra giễu cợt.

Việc bị bỏ rơi cũng có thể gây nên sự tổn thất nghiêm trọng về mặt địa vị. Chúng ta nên cố gắng giúp đỡ những người này để họ có thể hưởng những lợi ích địa vị đến cùng với việc được công nhận và rằng họ cũng là con người.

Đây chính là tinh thần của Art of Manliness (tạm dịch: Nghệ thuật đàn ông đích thực), tôi muốn tập trung vào một bộ phận dân số cụ thể cần được quan tâm hơn một chút trong việc theo đuổi địa vị của họ: những người đàn ông trẻ tuổi.

Đàn ông nhìn chung có tham vọng về địa vị cao hơn phụ nữ. Khuynh hướng theo đuổi địa vị ở các cậu bé phát triển tối đa khi mà lượng testosterone bắt đầu tăng lên trong suốt thời kỳ dậy thì. Khi được định hướng đúng cách, khuynh hướng này sẽ trở nên lành mạnh và cần được khuyến khích – nó sẽ khuyến khích các chàng trai tự nỗ lực vươn lên và khẳng định mình.

Thật không may, trong xã hội hiện đại ngày nay rất nhiều nam giới trẻ tuổi không được hướng dẫn về việc làm thế nào để hướng cái khuynh hướng tự nhiên của mình vào việc tăng cường địa vị theo những cách tích cực và có tính xây dựng.

Người cha thường không ở bên họ, họ cũng không có được đội ngũ những người bạn nam tốt, và họ cũng không thuộc về một cộng đồng mà thực sự nhìn nhận họ. Không có người chỉ đường, họ lạc lối trên những con đường không thật sự lành mạnh cho lắm.

Một số thanh thiếu niên ‘gãi chỗ ngứa’ địa vị bằng việc tham gia vào băng đảng đường phố. Đó là lý do vì sao mà độ tuổi trung bình của nam giới trong các vụ án liên quan đến súng là từ 18 đến 24 tuổi. Những người anh em trong băng nhóm của họ mang đến cho họ sự công nhận và cảm giác thuộc về – địa vị – mà họ hằng ao ước. Và khi mà họ bóp cò súng, điều này thường được biện minh trên cơ sở trả đũa cho một vụ việc mà họ cảm thấy bị xúc phạm – chính là một nỗ lực để biến một sự thất bại về địa vị thành một chiến công.

Những người trẻ khác, khi thiếu đi lý tưởng địa vị tích cực và thực tế, thường sẽ nhìn vào thế giới ảo và nền văn hoá đại chúng để tìm kiếm một hình mẫu cuộc đời mà họ có thể theo đuổi.

Rất nhiều những bậc thầy về lối sống và nghệ thuật quyến rũ đưa ra ảo mộng về việc tạo ra một nguồn thu nhập thụ động, du lịch vòng quanh thế giới, và được ngủ với càng nhiều người đẹp càng tốt. Thế giới này là cái vỏ sò của bạn – tất cả những gì mà bạn cần phải làm là ghi danh vào cái khoá học này, thử những động thái kia, và từ bỏ bất cứ những gì giữ chân bạn trong cái lối sống tẻ ngắt của chính mình.

Bị cô lập, mắc kẹt trong bốn bức tường phản xạ những suy nghĩ và khao khát của bản thân, khi không có được bên mình người hướng dẫn để giữ cho họ tỉnh táo, kỳ vọng của những người trẻ tuổi về địa vị của bản thân, về thứ địa vị mà họ xứng đáng được nhận, trở nên bị thổi phồng một cách phù phiếm.

Khi mà lối sống họ ao ước thành ra khó đạt được hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu, thì họ sẽ sớm cảm thấy thất vọng, tức giận, và oán thán. Và những cảm giác này hề không bị kiềm chế, bởi vì lại một lần nữa, họ cô độc và thiếu mất những người bạn và những người thầy đưa đường chỉ lối cho mình.

Đối diện với những gì mà họ nhận thức như là một cuộc đua về địa vị không có cửa thắng, những con người trẻ tuổi ấy cảm thấy mình bị đối xử thiếu công bằng. Một số người thành ra tin rằng nếu như địa vị không tự rơi xuống chân họ, thì họ sẽ cầu nó bằng sức mạnh và áp dụng những phương sách quyết liệt để giành lấy sự chú ý.

Nếu như bạn nhìn vào một loạt các vụ xả súng diễn ra tại Mỹ kể từ vụ thảm sát trường học Columbine, có điểm chung giữa đa số các phạm nhân là họ là những người trẻ tuổi bị cô lập rất cao và cho rằng bản thân chịu bất công khi có địa vị thấp kém. Trong nhật ký của một trong hai thủ phạm gây ra vụ xả súng ở trường Columbine chứa đầy những câu chữ oán ghét bản thân về việc hắn ta không có được sự tôn trọng từ những người khác mà hắn nghĩ rằng mình xứng đáng được nhận (cả bạn nam và bạn nữ). 

Liệu có ai trong những con người trẻ tuổi này bị bệnh tâm thần hay không? Không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng đây là câu chuyện con gà và quả trứng. Có thể ở họ có dấu hiệu bệnh tâm thần nhẹ, hoàn toàn nằm trong phạm vi kiểm soát khiến mọi người xa lánh, và do đó hạ thấp địa vị của họ. Và điều này làm tình tinh thần của họ thêm sa sút, và càng khiến người khác tránh xa họ hơn, hạ thấp thêm địa vị và làm tăng cảm giác lo lắng và bất an trong lòng họ.

Việc chơi trò “nếu như” với những tấn thảm kịch này thật quá dễ dàng. Ta sẽ chẳng bao giờ biết chắc rằng liệu các vụ án ấy có thể bị ngăn chặn nếu yếu tố này hay yếu tố kia bị thay đổi. Nhưng tôi tin rằng trong nhiều trường hợp sự việc đã có thể khác đi nếu những con người này chịu tác động bởi những cộng đồng thân mật, có tính cảm thông và khuyến khích một hệ thống địa vị lành mạnh hơn.

Các xã hội truyền thống hiểu rõ tầm quan trọng của việc cung cấp một cấu trúc phù hợp cho tình trạng phát triển nhanh chóng của khuynh hướng theo đuổi địa vị ở các nam thanh niên. Và các xã hội ấy thực hiện điều này thông qua việc thường xuyên có sự giám sát và tương tác của những người trưởng thành hơn đối với những người trẻ.

Một số nhà xã hội học do đó đặt ra giả thuyết rằng việc thiếu vắng sự giám sát chặt chẽ của người đàn ông trưởng thành đối với các chàng trai ở độ tuổi học trung học và đại học trong nền văn hoá hiện đại Tây phương là nguyên nhân dẫn tới hành vi phá hoại và tàn bạo ở trẻ vị thành niên.

Điều thú vị là điều tương tự cũng được tìm thấy ở loài voi. Tại Nam Phi, các cán bộ kiểm lân bắt đầu nhận thấy sự gia tăng về mặt số lượng những con tê giác trắng bị chết. Chúng bị giết chết bởi những con voi đực non trong những đàn mà con voi đực trưởng thành bị giết hại bởi những kẻ săn trộm. Bởi vì những con voi non này lớn lên mà không có sự chăm sóc của con đực trưởng thành để giữ chúng trong tầm kiểm soát và đóng vai trò như là hình mẫu để giúp chúng học cách kiểm soát khuynh hướng bản năng của mình, do đó chúng đã trở thành những kẻ sát hại tê giác đầy nguy hiểm. Các cán bộ kiểm lâm đã giải quyết vấn đề bằng cách đưa voi đực trưởng thành vào công viên hoang dã, mà ngay lập tức sẽ đối phó với những con voi non nổi loạn bất cứ khi nào chúng bắt đầu hành động. Các vụ giết hại tê giác đã biến mất chỉ trong một đêm.

Ở đây có hẳn một bài học dành cho loài người chúng ta: nếu như chúng ta muốn ngăn chặn những hành vi phá hoại ở người trẻ tuổi, và giúp đỡ họ kiểm soát và định hướng việc theo đuổi địa vị của mình một cách lành mạnh, chúng ta cần tăng cường sự tương tác xã hội ở họ, đặc biệt là với những người cố vấn lớn tuổi.

Mỗi một người đàn ông trẻ đều cần tới 3 gia đình: gia đình ruột thịt của mình, gia đình mở rộng gồm có ông bà, các cô dì chú bác, các anh chị em họ, v.v, và một gia đình xã hội gồm những người thầy và những người hướng dẫn.

Nếu như bạn là một người cha, hãy làm một số việc cùng con trai mình. Nếu như bạn là một người chú, hãy tích cực quan tâm tới cuộc sống của cháu mình. Nếu như bạn là một huấn luyện viên, đừng chỉ dạy các cậu bé những kỹ năng trên sân đấu, mà hãy chỉ bảo cho chúng cả cách làm người nữa.

Dù bạn có con hay không, hãy tìm cách để trở thành người chỉ dẫn cho những người trẻ tuổi trong cộng đồng của mình. Đừng chỉ tìm đến những chàng trai hầu như đã đâu vào đấy cả rồi hay là những người mà bạn gần gũi nhất, hãy cố gắng giúp đỡ cả những đứa trẻ gặp khó khăn, những đứa trẻ không bình thường, những đứa trẻ thường gây buồn phiền cho người khác – là những đối tượng mà hầu hết mọi người đều xa lánh.

Khi những người khác quay lưng đi, thì bạn hãy xoay mặt lại. Hãy tiếp cận và giang rộng vòng tay với những người trẻ tuổi đang vật lộn với khó khăn này. Hãy dùng lời nói và hành động của bản thân làm ví dụ cho việc một người đàn ông tốt, mạnh mẽ cần làm gì để giành được địa vị. Hãy chỉ cho chúng thấy rằng việc tìm được sự trọn vẹn trong đời sống hoàn toàn không cần phải thông qua của cải vật chất hay số lượng những cuộc tình, mà là thông qua phẩm chất đạo đức và sự tỏ ra hữu ích của bản thân.

Và còn điều này nữa cũng cần phải nhớ: Bạn không cần phải là người lớn tuổi hơn nhiều so với đứa trẻ (hoặc cậu thanh niên) kia thì mới có thể trở thành một người chỉ dẫn. Nếu như bạn đang học trung học hay đại học và bạn biết một ai đó ở cùng độ tuổi với mình mà đang gặp phải những khó khăn nhất định, thì hãy giang rộng vòng tay bè bạn ra mà giúp đỡ người ta. Hãy rủ người bạn đó gia nhập vào nhóm bạn của mình, ngay cả khi những người bạn khác của bạn cho rằng con người này thật là kì quặc và làm họ cụt hứng.

Kết Luận

Địa vị tự nó hiện diện trong những điều nhỏ bé – đôi lúc chỉ là cảm giác lâng lâng khi ta thấy được có bao nhiêu người chúc mừng sinh nhật mình trên Facebook hay có bao nhiêu người thích bức ảnh mình vừa đăng trên Instagram. Có thể đó là động lực thôi thúc ta bình luận về một bài viết trên mạng, và quay lại để xem liệu có ai phản hồi lại lời bình của ta hay không. Nó thôi thúc ta liên tục kiểm tra điện thoại của mình sau khi gửi tin nhắn. Nó cũng khiến cho ta cảm thấy mình đang đứng trên đỉnh thế giới khi ta giành chiến thắng trong một cuộc thi hay một trận đá bóng…

Địa vị là nguyên nhân khiến chúng ta phớt lờ một cách lạ lùng trong suốt thời gian dài những lời miệt thị của đồng nghiệp hay lời chế nhạo gây tổn thương của một người bạn, và cảm thấy sợ hãi bất an khi ai đó đang nhìn ta đầy khiếm nhã.

Địa vị chính là lý do tại sao mà ta lại cảm thấy vô dụng và tuyệt vọng sau vài tháng trời thất nghiệp, hay cảm thấy đau khổ khi phát hiện ra rằng những người mà ta vẫn cho là bạn tốt của mình đã đâm sau lưng ta suốt thời gian qua.

Địa vị cũng hiện diện ở cả những điều to tát nữa – ở những điều có tác động thay đổi cuộc sống của ta. Địa vị có thể là nguyên nhân khiến bạn miệt mài học tập ba năm trời ở trường luật trong khi thực ra bạn chỉ muốn làm một giáo viên. Là nguyên nhân khiến bạn cứ tiếp tục hẹn hò với một cô nàng xinh đẹp suốt 6 tháng trời dù cô ta đối xử với bạn chẳng ra gì. Là lý do vì sao bạn lại ngừng chơi với một anh chàng lập dị, để một nhóm người hay ho hơn sẽ chấp nhận bạn. Là lý do vì sao bạn lại chọn mua một ngôi nhà lớn cách nơi làm việc của mình tới một tiếng đồng hồ đi lại, trong khi rõ ràng là bạn thấy vui hơn hẳn khi sống trong một căn hộ nhỏ ở nội thành.

Không phải lúc nào cái khuynh hướng theo đuổi địa vị của bạn cũng mang những khía cạnh tiêu cực. Địa vị có thể là thứ thúc đẩy bạn đặt vài đồng tiền lẻ vào một hộp quyên góp từ thiện nào đó trên đường, tranh cử một chức vụ nào đó trong tập thể, tự tin bắt chuyện với một người bạn mới trong một buổi tiệc, tham dự buổi lễ ở nhà thờ, cố gắng nắm vai trò chủ đạo trong ban nhạc, có tác phẩm nghệ thuật tham dự triển lãm, hay cố gắng để đạt được kết quả tốt trong bài kiểm tra hoặc bài thuyết trình.

Có người có thể nói rằng tốt hơn cả là làm những điều như thế vì lý do “đúng đắn,” nhưng chẳng mấy ai lại thẳng thắn đối diện với khó khăn khi phải phân tách ra những điều ta làm xuất phát từ nguyên tắc thuần tuý, mà ở đó động cơ địa vị đã được hình thành trong tiềm thức. Chúng ta hiếm khi không nhận thức được việc mình đang đứng trước khán giả, ngay cả khi đó chỉ là một khán giả vô hình. Do vậy tất cả những gì chúng ta có thể thực hiện, là dung hoà động cơ về địa vị của mình với đạo đức và những điều mà ta coi trọng nhất, để cho dù điều gì có thúc đẩy ta vào lúc này hay lúc khác đi chăng nữa, thì chúng ta vẫn luôn tiến về một hướng.

Và một cá nhân không cần phải chối bỏ sự tồn tại của địa vị hay thấy ác cảm với nó, hãy nhận thức rằng nó có thể là tốt hay xấu là do cách chúng ta tự định hướng ra sao. Chúng ta cũng không cần thiết phải ám ảnh hay quỵ luỵ trước nó. Những gì ta cần làm là nhận biết – nhận biết sự hiện diện của nó, sự tác động của nó lên chúng ta (và cả những người khác), những cảm nhận chính xác khi nó trỗi dậy. Và một người nên có khả năng chế ngự được nó, chỉ cho phép nó gây ảnh hưởng trong sự kiểm soát của ta – để ta có thể kiểm soát nó, thay vì để nó kiểm soát ta.

December Child dịch

Nguồn: http://www.artofmanliness.com/2015/12/22/a-guidebook-for-managing-status-in-the-modern-day/

———————————————-

🦋 Linda Nga