Nếu nghi ngờ bản thân đang ở trong một mối quan hệ không tốt và đang nghiện nó, điều quan trọng là bạn biết được căn nguyên của chứng nghiện này. Nếu không, bạn có khả năng làm cho vấn đề tồi tệ thêm bằng cách tự phê bình, chỉ trích việc nghiện như là một điểm yếu hoặc một sai lầm nhục nhã.

Nhưng nếu biết chứng nghiện phát triển như thế nào thì bạn sẽ có thể xem nó như là một sự phát triển hợp lý và dễ hiểu trong đời bạn, từ đó có một thái độ thông hiểu đối với nó và học cách chiến thắng nó.

Có 3 mức độ gắn kết có thể tác động đến quyết định tiếp tục mối quan hệ hay rời bỏ.

Mức độ thứ nhất là các suy xét thực tế.

Ví dụ như vấn đề con cái, sự phụ thuộc tài chính, hoặc cuộc hôn nhân rối rắm phức tạp kéo dài… Khi đó, việc ly hôn nếu diễn ra sẽ gây ra sự gián đoạn lớn trong cuộc sống của tất cả những người có liên quan.

Mức độ thứ 2 là niềm tin của bạn về các mối quan hệ.

Về mối quan hệ cụ thể đang có vấn đề của bạn, và về chính bạn. Ví dụ như “Tình yêu chinh phục tất cả”, “Tình yêu là vĩnh cửu”, “Hôn nhân là một kỳ tích và không thể đổ vỡ”, “Điều quan trọng nhất là sự yên ổn”, “Kết thúc một mối quan hệ là một sự thất bại”, “Bạn không bao giờ được phép khiến ai tổn thương hay thất vọng”.

Và sau đó là niềm tin về bản thân ví dụ như “Tôi không đủ hấp dẫn”, “Tôi không đủ thú vị”, “Tôi không thành công đúng mức” do đó “Không ai cần đến tôi, vì vậy tốt hơn là tôi ở lại chốn cũ”, “Tôi không đủ khả năng tự xoay xở”.

Mức độ thứ 3, mức độ sâu xa nhất của những cảm xúc và động cơ có thể giữ bạn lại.

Mức độ này khởi phát sớm, thường vận hành bên dưới nhận thức, và có thể kiểm soát cuộc sống từ những nơi sâu kín. Mức độ này tồn tại trong tất cả mọi người ở nhiều cung bậc khác nhau và sức mạnh tinh thần của nó có thể lớn hơn nhiều so với 2 mức độ đầu.

Đây chính là Sự Khao Khát Gắn Bó, cũng chính là mức độ mà chúng ta sẽ khảo sát vì nó là cơ sở khiến ta mê đắm một ai đó. Nó mạnh mẽ đến nỗi khiến ta có thể hoàn toàn bỏ qua sự cân nhắc thực tế (“Mối quan hệ này không tốt cho tôi”), và niềm tin (“Người ta nên rời bỏ một mối quan hệ không có tình yêu và gò bó”) vốn trái ngược với nó.

KHAO KHÁT GẮN BÓ – CĂN NGUYÊN CỦA CHỨNG NGHIỆN

Nguồn gốc của nhu cầu gắn bó khá dễ hiểu. Tất cả mọi người đều bắt đầu như một đứa trẻ cần được giúp đỡ. Khi vừa chào đời, bạn không làm được ngay cả những điều sơ đẳng nhất cho sự thoải mái và tồn tại của chính mình. Lúc mới lọt lòng, bạn vừa đến từ một nơi thoải mái, an toàn và quá đầy đủ mà bạn sẽ không bao giờ biết đến một sự hoàn thiện và yên ổn như thế một lần nữa.

Bị xô đẩy ra ngoài, chắc chắn bạn không thể tự đương đầu với những đòi hỏi từ bên ngoài lẫn những cảm xúc hỗn loạn bên trong. Hẳn là bạn bị thúc đẩy phải nhanh chóng trở về với sự ấm áp và an toàn, nhưng rõ ràng bạn không thể. Tuy nhiên, bạn đã có một người mẹ, và có lẽ bà đã đáp ứng nhu cầu của bạn theo cách thức đã tạo ra 3 điều:

1/Giữ cho bạn lớn khôn.

2/Mang lại cho bạn cảm giác an toàn, hài lòng và được bao bọc.

3/Cho bạn cảm tưởng rằng mình vô cùng mạnh mẽ thông qua việc hòa nhập cộng sinh với con người mạnh mẽ này (người mẹ).

Cảm giác này rất mạnh và không dễ dàng mất đi, cả khi bạn đối mặt với mong muốn tự nhiên của mình là trở thành một người tự lập hay nỗ lực của mẹ bạn trong việc “cai nghiện” cho bạn. Điều này có thể hiểu là do bạn giữ lấy mẹ của mình quá chặt.

Trong vài thập kỷ qua, các nghiên cứu đã chỉ ra tầm quan trọng của nhu cầu trẻ nhỏ cần gắn kết với người mẹ bằng đôi bàn tay, cánh tay và đôi mắt của minh. Đó là một nhu cầu sinh học thầm kín.

Cách người mẹ đáp ứng các nhu cầu của con khi còn nhỏ tác động mạnh mẽ đến việc hình thành mối quan hệ khi trưởng thành.

Nhưng ngay cả những bà mẹ hết lòng yêu thương con cũng không thể hoàn toàn tập trung vào con mình, không thể ở cùng con mọi thời điểm, không thể luôn đáp ứng các nhu cầu của con ngay lập tức.

Người mẹ tận tâm nhất vẫn có những điều khác phải quan tâm: Những nhu cầu, những lo âu về nghề nghiệp của riêng mình. Người mẹ có thể bị trầm cảm, căng thẳng hoặc bệnh tật. Người mẹ có thể không muốn con quá phụ thuộc vào mình. Người mẹ có thể cảm thấy cần phải tránh xa con mình ở một số thời điểm…

Tất cả những yếu tố này có thể làm gián đoạn mối quan hệ gắn bó và có thể để lại một dấu ấn lâu dài trong tâm lý khao khát gắn bó của người con.

Những nhu cầu khao khát gắn bó của trẻ nhỏ càng được đáp ứng sớm càng tốt, đặc biệt là ở giai đoạn trẻ một, hai tuổi.

Nhưng không chỉ sự đáp ứng những nhu cầu này mà ngay cả sự thiếu sót của cha hoặc mẹ trong việc Dẫn Dắt Con Vào Đời, giúp trẻ bước ra khỏi sự che chở, bao bọc an toàn của mẹ cũng có thể dẫn đến chứng nghiện khao khát gắn bó trong phần đời còn lại của đứa trẻ.

Dẫn dắt tốt sẽ hỗ trợ và giúp trẻ xây dựng lòng tự tin. Sự dẫn dắt này dạy trẻ tự đứng trên đôi chân của chính mình và sẵn sàng đối mặt với rủi ro. Nó cho trẻ thấy rằng thế giới không xấu xa và đầy nguy hiểm, rằng trẻ có thể tự đương đầu với những vấn đề gặp phải và tìm kiếm những mối quan hệ mới với người khác ngoài cha mẹ.

Thông thường, các bà mẹ thường đáp ứng một cách tuyệt vời trong giai đoạn gắn bó. Chẳng hạn vì nhu cầu gần gũi với con, họ chấp nhận dừng sự nghiệp lại vì con, phá hỏng những nỗ lực tự lập của con, và bực bội khi con ít lệ thuộc vào mình. Khi đó, vai trò của người cha trở nên đặc biệt quan trọng.

Sự sẵn sàng của người mẹ trong việc giúp đứa trẻ tách khỏi mình là rất quan trọng để đứa trẻ phát triển tính tự lập.

Đầu tiên bằng cách hãy để đứa trẻ hoàn toàn gắn bó và ngập tràn tin tưởng rằng mình luôn có sự chăm sóc của mẹ. Sau đó cho phép đứa trẻ rời vòng tay của mẹ và bước đi. Sau đó quay trở lại và bước đi.

Nhưng cả người mẹ và người con thỉnh thoảng đều cần sự giúp đỡ. Người mẹ có thể có những nhu cầu sâu xa là được trông coi đứa trẻ, còn đứa trẻ vì tách khỏi mẹ nên luôn có những lo lắng bủa vây.

Và ở đây, chính người cha phải nắm lấy tay con và dẫn dắt con vào thế giới rộng lớn hơn, chỉ cho con niềm vui và những điều mới lạ của thế giới, dạy con cách đối phó với hiểm nguy, truyền cho con lòng can đảm và sự tự tin để vượt qua nguy hiểm.

Và điều tốt nhất người cha có thể làm là luôn sẵn sàng ở bên cạnh đứa trẻ khi người mẹ có thể bị bực bội và bị đe dọa trong thời gian chia cắt này.

Nhiệm vụ thiết yếu của người cha là giúp 2 mẹ con tách rời nhau ra. Đây là một vai trò thầm lặng.

Không phải tất cả những người cha đều làm tốt nhiệm vụ này. Một số không nhận ra rằng đây là nhiệm vụ của họ và để mặc mọi vấn đề liên quan đến việc nuôi dạy con cái cho người mẹ.

Một số có thể quá tập trung hoặc quá lãnh đạm trong việc giúp đỡ người mẹ và người con có được một số khoảng cách cần thiết. Và một số có thể rất độc đoán, thậm chí khắc nghiệt khiến đứa trẻ lại tìm về vòng tay an ủi của mẹ.

Một đứa trẻ có thể trở nên nhút nhát và sợ hãi nếu người mẹ không khuyến khích nó bước ra khỏi sự bảo bọc của mình và người cha không có những hỗ trợ cũng như định hướng kịp thời.

Mức độ ảnh hưởng sâu đậm của sự khao khát gắn bó đến mối quan hệ tình cảm hiện tại khi bạn trưởng thành sẽ phụ thuộc rất lớn vào những gì đã xảy ra trong thời kỳ gắn bó và phát triển đầu đời của bạn.

Nếu cha mẹ khiến bạn yên lòng trong suốt thời kỳ gắn bó và khoảng một năm rưỡi sau đó sẽ hỗ trợ cho sự độc lập của bạn thì bạn sẽ có ít dấu ấn của niềm khao khát gắn bó trong cuộc đời hơn.

Còn nếu cả người cha lẫn người mẹ đều không giúp được bạn trong thời kỳ gắn bó và cả khi vào đời, có thể có một dư lượng cực mạnh của nhu cầu khao khát gắn bó khiến bạn phải tìm kiếm và bám vào các mối quan hệ một cách đắm đuối.

Nguồn: Làm Sao Để Thôi Nghiện Ai Đó _ Howard M. Halpern

————————————————