Một đặc điểm của người trưởng thành là tính tự chịu trách nhiệm, nhận trách nhiệm về cảm xúc của mình. Nghe thì dễ nhưng để thật sự kiểm soát được cảm xúc của chính mình, chúng ta cần một sự trải nghiệm sâu sắc. Và sẽ chẳng ai giúp được bản thân mình làm điều này cả mà mỗi người cần tự đi qua.
John C. Maxwell từng nói rằng: “Ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời là khi chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm với thái độ của mình. Đó là cách mà chúng ta trưởng thành”.
Bạn có thể nhận thấy ngay, những kẻ không chịu nổi cơn giận dữ của bạn, bằng quyền hạn và khả năng tác động, họ sẽ “trút đòn” lên bạn nhiều nhất có thể để hả giận.
Bạn có thể nhận thấy những người kết án người khác, dưới hình thức trách cứ, la mắng hoặc hạ thấp giá trị người khác. Họ hẳn đang không chịu nổi việc tự kết án mình hoặc nuôi dưỡng sự thù nghịch trong bản thân mình.
Bạn có thể thấy những người đặt ham muốn của bản thân lên cao nhất, họ sẽ không ngần ngại hủy hoại bạn bằng việc thao túng cảm xúc của bạn – gọi ra những nỗi sợ hãi, cảm giác tội lỗi, đẩy bạn vào tình huống phải lựa chọn khó khăn… Và từ đó bạn trở thành công cụ sử dụng của họ, cống hiến cho lợi ích của họ, bảo vệ họ, mất đi chức năng phê phán, khả năng nhìn nhận thực tế khi ở trong liên hệ với họ.
Bạn có thể thấy những người phụ thuộc, họ cần bạn, dựa dẫm vào bạn, bạn là niềm vui, lẽ sống của họ. Và họ cũng xoay sở để bạn luôn để mắt đến họ – họ cần sự quan tâm luôn hiện diện, họ cần bạn yêu họ cũng như họ yêu bạn. Không có điều đó, họ suy sụp và bạn thì day dứt – bỏ thì thương, vương thì tội. Trong xã hội hiện đại, sự phụ thuộc có lẽ là điều kinh khủng nhất, cho cả người phụ thuộc và người bị phụ thuộc.
Bạn cũng có thể quan sát những người lôi kéo người khác vào trò chơi “khổ dâm” bằng những câu chuyện rất “nạn nhân”, những tình huống éo le, những nỗi đau khổ về sự tồn tại, nhưng không bao giờ có giải pháp, không bao giờ có diễn giải.
Khi nghe câu chuyện của họ đâu đó ta có sự đồng cảm và có thể bị ám ảnh về câu chuyện đó. Nhưng nếu bạn muốn kéo họ ra khỏi nỗi đau khổ, thì sẽ thất bại hoàn toàn. Khoái cảm (vô thức) của họ là đau khổ và lợi ích thứ phát nào đó họ có được từ vận hành đó của họ.
…….
Vô vàn những minh họa của sự tràn bờ cảm xúc, thiếu chiến lược tốt để quản lý bản thân và buông nó trôi tuột ra bên ngoài, tự do hướng tới bất kỳ đối tượng nào có thể.
Khi người khác không tự chịu trách nhiệm về cảm xúc của họ, và khi mình để bản thân bị cuốn lấy bởi cảm xúc của người khác.
Làm sao tránh khỏi bạn dần trở nên cáu kỉnh, trầm uất, mệt mỏi, bất ổn trong tinh thần…?
Như vậy, bằng việc không tự chịu trách nhiệm cảm xúc, bạn cũng đang trao cho người khác cách thức để kiểm soát bạn.
Khi người ta biết chịu trách nhiệm về cảm xúc của mình, người ta cũng sẽ nhận ra mình không phải chịu trách nhiệm cho cảm xúc của người khác.
Người ta phân định rạch ròi được ranh giới, kiểm soát được ngưỡng mỏng manh của cảm xúc mình và người khác; biết tự bảo vệ mình, biết rút mình ra khỏi sự xâm lấn của người khác. Bạn cân bằng, tự chủ.
Việc trưởng thành khó khăn vì chịu trách nhiệm đòi hỏi nỗ lực, ý chí, hiểu biết, nhiều phương tiện – mà người ta không dễ trang bị. Bởi vì việc ăn, việc lo cho cơm áo gạo tiền, thỏa mãn thú vui giác quan quan trọng hơn những ý nghĩa khác đang còn ngự trị.
Và một cộng đồng nhiều người lớn thiếu trưởng thành thì sẽ nhiều tranh giành, bạo lực. Khi đó, điều gì có thể cứu vớt con người khỏi “loạn lạc”?
….
Trưởng thành không phải là khi chúng ta đáp ứng được các tiêu chuẩn của xã hội mà là cách chúng ta thấu hiểu bản thân và hành xử đúng đắn.
————————————————