Ngày hôm nay mình viết về những đứa trẻ ”bị dán nhãn”, điều gì sẽ xảy ra với những đứa trẻ “bị dán nhãn” như vậy?
Chúng ta đã từng nghe đến những cái tên như Hùng què, Tâm điếc, Xuân khùng hay Toàn mập, Minh Thộn… Chỉ là những biệt danh có tính vui đùa hay châm chọc. Nhưng ít ai ý thức được rằng nó có thể làm suy giảm nhân cách và lòng tự tin của trẻ một cách vô thức.
Chưa kể đến, còn có những cái “nhãn” mà cha mẹ, thậm chí là thầy cô đã vô tình gắn cho đứa trẻ qua việc la mắng:
Mày là đứa vô tích sự, đúng là đồ mất dạy.
Mày chẳng làm được trò trống gì ngoài việc ăn với ngủ.
Mày đúng là một đứa ngu si, vụng về quấy rối.
Mày đúng là một đứa con gái ích kỷ, ác độc…
Các bậc cha mẹ, thường nghĩ rằng trẻ sẽ vì đó mà sẽ cố gắng thay đổi được hành vi hay khả năng của mình. Nhưng nếu những câu la mắng đó được lặp lại nhiều lần kèm theo với một vẻ mặt căng thẳng, nghiêm trọng thì trẻ sẽ cố gắng để trở nên …đúng y như những gì mà chúng ta đã dán lên nó.
Người lớn ở Việt Nam cũng rất hay luôn mong con lớn lên có tính cách riêng, có lối sống và tư duy riêng. Nhưng lại thích ”ép” con mình, nói một câu phải nghe ngay, không nghe hay thấy không hợp lý ấy thế mà sẽ thành hỗn láo ngay và bướng lắm.
Con người sống cộng hưởng trong cộng đồng vì thế bản thân chúng ta dù muốn hay không chúng ta cũng sẽ rất dễ bị ”ám thị” bản thân mình và ”ám thị” lên người khác.
Khi bạn tích cực, ham muốn thay đổi sẽ được thôi thúc trong bạn, bạn sẽ truyền đến năng lượng tích cực cho chính bạn, con bạn những người xung quanh bạn, và họ cũng sẽ thấy tích cực theo. Nhưng nếu bạn thấy tiêu cực, ai cũng sẽ thấy tiêu cực.
Đúng vậy, nếu chính các bạn là bố là mẹ nhưng lại ”dán nhãn” cho con mình, lúc nào đi đâu cũng nói ”Ôi nó bướng lắm” thì con bạn sẽ trở thành đứa bướng thật.
Các bậc phụ huynh thường không biết rằng những lời trách mắng, chỉ trích hay lo lắng, thất vọng về đứa trẻ không những làm cho các em cảm thấy buồn khi bị la mắng hay bị đánh giá mà còn hơn thế nữa.
Những điều đó sẽ có tác dụng ám thị đối với trẻ, khiến chúng sẽ hành động hay trở nên như vậy một cách vô ý thức. Những điều đó giống như những hạt mầm gieo vào trong tâm hồn con trẻ, chúng sẽ tăng trưởng và có khi trở thành tính cách thực của trẻ.
Người ta tưởng rằng sự ám thị hay thôi miên chỉ là khả năng của các nhà chuyên môn, các tay phù thủy hay các chuyên gia phân tâm. Nhưng thực ra thì ám thị là điều xảy ra hằng ngày.
Khi ta dùng một kiểu nói nào đó với con mình là ta đã khiến cho những điều đó được ghi nhận vào trí óc của trẻ một cách vô thức. Ta đã ” lập trình” cho trẻ con làm theo, mặc dù ta hoàn toàn không có chủ tâm.
Không phải chỉ trẻ con, các em thiếu niên mà ngay cả người lớn nếu bị một ám thị nào đó thì vẫn có thể phản ứng hay làm theo, suy nghĩ theo những gì đã tạo nên những ấn tượng cho mình.
Trẻ em luôn luôn có những câu hỏi về mình, về vị trí của mình trong gia đình, trong lớp học. Đó chính là những câu hỏi tự khẳng định để nhận biết chính mình mà bất kỳ ai cũng phải dựa vào đó để sống cho phù hợp hay quyết định những điều quan trọng.
Chính vì thế, những câu nói như: con là… mày thì.. sẽ trở nên những tín điều không phải chỉ vào lúc ấy mà có khi sẽ tiềm ẩn để trở nên những tính cách sau này. Đã có nhiều thanh niên, người trưởng thành hay gặp những thất bại trong cuộc sống chỉ vì những cái “nhãn” bị dán cho ngay từ lúc còn nhỏ khiến họ không còn sự tự tin vào bản thân để vượt qua kỳ thi tuyển hay trở ngại trong một công việc nào đó.
Chúng ta không khen tặng những điều quá đáng, không chiều chuộng một cách dễ dàng, nhưng cũng không dạy con bằng sự “dán nhãn” nhất là trong cơn nóng giận. Chúng ta cũng không nên lý luận dông dài với một đứa trẻ hoặc làm cho nó hoang mang vì những lời nói hai mặt “nói vậy mà không phải vậy” mà nhiều khi ngay cả người lớn cũng có người không hiểu được.
Tất cả những điều đó, trẻ sẽ tiếp thu một cách có ý thức và vô thức. Sau đó chúng sẽ bộc lộ bằng những phản ứng như: trở nên hung hăng, chống đối, đập phá đồ đạc hay co mình lại, không nói nữa, tối ngủ thì mơ hoảng, đái dầm… hoặc trở nên ích kỷ, không tập trung trong việc học…
Và có khi chúng sẽ trở nên giả dối, khoanh tay cúi đầu vâng dạ nhưng với một nụ cười tinh quái trên môi. Hẳn đó là điều mà chẳng ai mong muốn, nên hãy thận trọng trong việc trách phạt trẻ, chúng ta hãy nhớ các nguyên tắc sau:
- Trách phạt sự sai sót của trẻ chứ không trách mắng bản thân trẻ.
- Việc dùng roi vọt là điều không nên, nhưng nếu cần vẫn phải dùng thì để tác động cho trẻ nhớ chứ không phải để thỏa mãn cơn giận hay tình trạng ” giận cá chém thớt ” của cha mẹ, thầy cô.
- Những biện pháp kỷ luật phải vừa sức chịu đựng của trẻ, đừng nghĩ rằng phạt nặng cho nhớ, điều đó chỉ để lại những vết thương không bao giờ lành trong tâm hồn trẻ mà thôi.
Trong quyển “Trẻ thơ trong gia đình” của Montessori có viết, mình đã rất tâm đắc câu này “Hơn cả sự bướng bỉnh, là một sự tự vệ để bảo vệ một tâm hồn nhạy cảm và sâu sắc!” Bạn có sẵn sàng để trở thành cha mẹ luôn hết mình vì con, yêu con bằng một tình yêu vô bờ bến để con là chính con?
Bạn có đủ kiên nhẫn để tìm hiểu vì sao con mình là như vậy không? Có đủ thấu hiêu, đủ lòng bao dung để dẫn dắt con mình không?
Mỗi đứa trẻ có một nội tâm, một sự phát triển khác nhau, tính cách khác nhau là do chính bản thân chúng lựa chọn, chỉ khi được thấu hiểu chúng mới có thể tung cánh.