Hạnh phúc, đích đến của bất kỳ ai trong cuộc đời này. Nhưng làm sao để sống trọn vẹn và hạnh phúc hơn trong cuộc sống?

Chương tiếp theo “Phương trình hạnh phúc” sẽ giúp chúng ta có thêm sự chiêm nghiệm về hạnh phúc.

Cái Chết Và Sự Hạnh Phúc

Con đường dẫn tới sự hoan hỉ là nhìn nhận cuộc đời theo đúng giá trị của nó.

Cái chết của Ali đã đưa cuộc đời tôi đến với quan điểm này. Khi thằng bé ra đi, tôi tưởng tượng rằng thằng bé sẽ quay trở về và dành tặng tôi một món quà cuối cùng – bằng cách lấy đi một thứ gì đó cùng với thằng bé.

Thằng bé đã lột trần sự dối trá của cuộc sống. Thằng bé để lại cuộc sống trần trụi. Những sự việc tưởng chừng như quan trọng lại hóa ra là vô nghĩa, và bản chất thật sự của cuộc sống được sáng tỏ trong tất cả những gì còn lại.

Cái chết níu chặt chúng ta vào sự thật. Nó là tấm biển chỉ đường sẽ giúp lấy đi toàn bộ những ảo tưởng. Cứ tin rằng bạn có quyền kiểm soát, và cái chết sẽ đánh tan những ảo tưởng của bạn.

Quá gắn bó với thế giới vật chất, và cái chết sẽ nhắc nhớ bạn rằng mọi thứ vật chất đều sẽ tan rã. Tự hào về kiến thức của bạn, và bí ẩn về cái chết sẽ khiến bạn hoang mang. Cố gắng trì hoãn sự suy tàn của sinh mệnh, và cái chết sẽ nghiền nát cảm giác của bạn về thời gian.

Còn khi bạn chấp nhận sự thật về cái chết, thì chẳng còn gì khiến bạn phải sợ hãi nữa. Chỉ khi đó bạn mới hoàn toàn thoát khỏi những ảo tưởng. Khi không còn ảo tưởng, bạn có thể vươn lên khỏi những suy nghĩ và tiến tới mức độ cao nhất của sự hoan hỉ.

Và cũng giống như mọi sự thật khác: Việc chấp nhận cái chết sẽ giải phóng bạn, nhưng trước hết nó sẽ khiến bạn khó chịu.

Nhà Khai Vấn Về Cuộc Sống Xuất Sắc Nhất

Người Hồi giáo có câu tục ngữ rằng: “Khi bạn tìm kiếm một người thầy, hãy tìm trong cái chết.” Nếu như chúng ta thực sự quan tâm đến cái chết, hãy lắng nghe nó, thay vì việc cứ cố gắng giả vờ như thể nó không hề tồn tại.

Nó có thể dạy ta ba bài học – không phải là chết như thế nào mà là làm thế nào để sống một cuộc đời trọn vẹn và giàu ý nghĩa.

Bài Học Số 1: Cái Chết Là Không Thể Tránh Khỏi

Dù có không được chào đón đến nhường nào, cái chết cuối cùng cũng chiến thắng. Vậy thì việc bạn dành cả đời mình để chống lại nó liệu có ý nghĩa gì kia chứ?

Những viên tướng giỏi nhất không bao giờ lao vào một trận chiến mà họ sẽ thua – họ chỉ tập trung những suy nghĩ và năng lượng của mình vào những gì mà họ có thể tác động đến. Và bài học đầu tiên mà cái chết dạy chúng ta là hãy chấp nhận nó.

Hãy đầu hàng!

Bài Học Số 2: Cuộc Sống Chính Là Hiện Tại

Sự khởi đầu và kết thúc của cuộc đời bạn cũng giống như là những trang bìa của cuốn sách vậy. Dù có vẻ quan trọng, không sự kiện nào trong đó thực sự có ý nghĩa như chính câu truyện được kể trong những trang sách nằm giữa chúng.

Bạn sẽ sống như thế nào nếu mà bạn biết hôm nay là ngày cuối cùng bạn tồn tại trên cõi đời này? Và quan trọng hơn cả, tại sao bạn lại không sống theo cách đó vào ngày hôm nay khi mà bạn biết rằng hôm nay có thể là ngày cuối cùng của đời mình?

Nếu như bạn biết chắc rằng đây sẽ là bữa ăn cuối cùng của bạn, thì liệu bạn có thấy bực mình trước thái độ không mấy thân thiện của người phục vụ hay không? Hay là bạn sẽ từ tốn thưởng thức bữa ăn và tận hưởng hương vị của từng miếng thức ăn?

Nếu như đây là lần kẹt xe cuối cùng trong đời bạn, bạn có còn phí thời gian vào việc chửi rủa hay không? Hay là bạn sẽ ước rằng giá gì mà lần tắc đường này kéo dài thêm đôi chút? Bạn sẽ bấm còi xe một cách giận dữ, hay là bạn sẽ bật radio lên và nghe bài hát yêu thích của mình lần cuối?

Tại sao cứ phải là lần cuối cùng thì bạn mới lựa chọn việc tận hưởng giây phút hiện tại?

Hãy sống trong giây phút này như thể đó là giây phút cuối cùng của đời bạn.

Cuộc sống chính là hiện tại

Có một lần, sau khi Ali đã ra đi, trong lúc chúng tôi lật giở lại những bức hình đẹp đẽ của thằng bé. Nibal chỉ cho tôi thấy vài hình ảnh khi con còn nhỏ xíu và nói rằng:

“Thằng bé rất ngoan. Không bao giờ quấy khóc. Bé con ấy ghé thăm trong chốc lát rồi rời đi, hình dạng ấy ra đi mãi mãi.

Và rồi cậu bé chập chững biết đi xuất hiện. Cu cậu luôn tò mò và vui vẻ, và rồi nó cũng ra đi; nhóc mới chập chững biết đi không bao giờ quay trở lại.

Thế rồi đứa trẻ hiền lành và vui vẻ xuất hiện, và rồi nó cũng rời đi để nhường chỗ cho một cậu bé luôn biết yêu thương và nhường nhịn.

Rồi tiếp theo đó là một thiếu niên điềm tĩnh, am tường. Và cuối cùng là một người đàn ông đẹp trai, thông thái. Giờ thì cả con người ấy cũng đã ra đi.

Em luôn thấy vui vì được biết tất cả và thấy nhớ từng con người ấy, nhưng dù sớm hay muộn thì tất cả những hình hài ấy đều sẽ phải ra đi.”

Mỗi một ngày một phiên bản của bạn và mọi người mà bạn yêu quý đều chết đi. Họ ra đi và không bao giờ trở lại. Xin đừng để bất kỳ ai trong số đó rời đi mà không được trân trọng.

Chúng ta cứ vội vã lướt qua cuộc sống này và trì hoãn việc thực sự sống. Chúng ta cứ thêm vào những mục mới trong cái danh sách những việc cần làm trước khi chết, mà quên mất rằng thời gian để sống với cái danh sách ấy có thể không bao giờ tới.

Cuộc đời chính là một mục cần thực hiện trước khi chết. Hãy sống khi mà bạn còn có thể.

Hãy sống trước khi bạn chết.

Bài Học Số 3: Cuộc Đời Này Chỉ Là Tạm Bợ

Hãy nhận thức rằng khi đến lúc, bạn sẽ bỏ mọi thứ lại đằng sau: tài sản vật chất, những người mà bạn yêu thương, và mọi thứ mà bạn luôn coi trọng.

Điều này đưa đến câu hỏi quan trọng hơn cả: Tại sao chúng ta lại giữ khịt lấy những thứ đó khi mà không sớm thì muộn tất cả đều sẽ ra đi?

Nếu như bạn biết chắc rằng bạn sẽ bỏ lại toàn bộ tiền bạc phía sau, tại sao bạn lại cứ ám ảnh với việc gom góp cho nhiều lên, hơn cả cái mức mà bạn cần đến?

Nếu như một ai đó sớm muộn rồi cũng sẽ nhận lấy công việc của bạn, tại sao bạn lại cứ lo sợ bị mất nó? Tại sao ta lại cứ tích lũy những của cải vật chất mà ta không cần đến ngày hôm nay khi mà ngày mai có thể không bao giờ đến?

Một lần nữa, chỉ một phép toán đơn giản cũng giúp ta hiểu được chúng ta đang sai ở đâu và ta nên thay đổi điều gì.

Cuộc đời là một trò chơi có kết quả bằng không: ta đến đây với hai bàn tay trắng và ra đi mà không thể mang theo bất cứ điều gì. Nói một cách chính xác về mặt toán học, mọi điều mà ta từng có được trên đời này đến một ngày nào đó rồi cũng sẽ bị tước đi.

Tất cả những gì có được rồi cuối cùng sẽ vẫn mất đi.

Bạn có thể thấy buồn khi đọc điều này, hoặc bạn cũng có thể để cho cái sự thật ấy giải thoát cho mình. Cả cuộc đời tôi và tất cả những gì mà tôi gọi là của tôi, về cơ bản, là một sự vay mượn. Tôi tận hưởng nó trọn vẹn khi tôi là một người đi vay, nhưng sớm hay muộn, tôi sẽ vui vẻ trao lại nó cho người khác. Tôi tìm được sự giải thoát ở trong đó.

Nếu như không có gì là của tôi hết, thì cũng chẳng có gì để mà mất đi. Vì vậy tôi để cho mọi việc đến và đi, và tôi trải nghiệm chúng khi mà chúng còn có đó. Tôi yêu chúng một cách trọn vẹn, tận hưởng chúng, và khiến chúng cảm nhận được rằng tôi trân trọng chúng ra sao cho tới khi đã đến lúc để đi tiếp và để chúng tiếp tục với đời sống của chính mình.

Khi mà tôi cuối cùng cũng học cách buông bỏ và để cho mọi thứ thuận theo tự nhiên, dường như tôi cuối cùng lại có được nhiều hơn – một sự thật lạ lùng chứa đựng trong nó vẻ đẹp đẽ của yếu tố hình học.

Bất cứ khi nào một điều gì đó bước ra khỏi cuộc đời tôi, sẽ lại có không gian cho những trải nghiệm mới bước vào. Việc buông bỏ khiến cho cuộc đời tôi trở nên giàu có hơn. Nó giống như là nền kinh tế chia sẻ vậy: bạn có thể đi khắp mọi nơi với chiếc xe xinh đẹp nhất – dù rằng bạn không hề sở hữu nó. Vì thế:

Hãy ‘thuê’ một cuộc đời trọn vẹn và hạnh phúc.

Một cuộc đời tạm luôn mang đến cho tôi hi vọng bởi vì tôi nhận ra rằng cả những thời điểm tồi tệ nữa cũng sẽ chóng qua đi. Những thời điểm buồn bã, ốm đau, mất mát, hay túng thiếu rồi cũng sẽ qua đi. Những vết thương mà ta phải chịu đựng, những yếu đuối mà ta phải vượt qua, tất cả đều chỉ là tạm thời. Chẳng có gì là tồn tại mãi.

Chết đi là việc để lại mọi thứ ở phía sau. Về mặt ngữ pháp, động từ chết không bao giờ có một bổ ngữ – việc chết không thể thực hiện đối với tôi – mà phải là một chủ ngữ: Tôi chết.

Tôi không sợ chết bởi vì tôi lựa chọn việc chết theo ý nghĩa riêng của mình. Tôi lựa chọn việc từ bỏ mọi sự gắn kết với tất cả những của cải vật chất trước khi chúng bị buộc phải rời bỏ tôi.

Tôi lựa chọn việc ‘vay mượn’ mỗi một trải nghiệm đến với cuộc đời mình, tận hưởng nó trọn vẹn, nhưng không để cho bất cứ điều gì chiếm hữu tôi hết. Khi mà ta học cách buông bỏ, ta sẽ học cách để chết trước cả khi ta chết. Toàn bộ cuộc đời trở thành của ta để mà tận hưởng, chứ không phải để mà nắm giữ.

Ta tìm thấy một cuộc đời giàu có với những sự đa dạng và được giải thoát khỏi sợ hãi. Cuộc đời trở thành trọng tâm của chúng ta. Ta thôi không nghĩ nữa về cái thời điểm mà ta sẽ ra đi trong thanh thản, và chỉ khi đó ta mới học cách để sống trong thanh thản (live in peace).

Người dịch: December Child

————————————————-

SINH TRẮC HỌC DẤU VÂN TAY HUMANO
Website: Humano.vn
Hotline: 19009421
Tham khảo chuyên môn tại: Lindanga.com