Một suy nghĩ có thể khiến cho người chủ của nó đau khổ trong nhiều năm. Những hạt mầm suy nghĩ cứ phát triển và lớn lên cho tới khi chúng trở thành những con quái vật giận dữ. Và rồi chúng ta vẫn tin vào những suy nghĩ của mình và để cho chúng nắm quyền kiểm soát. Hạnh phúc hoàn toàn phụ thuộc vào việc ta kiểm soát mỗi suy nghĩ ra sao.
Nhưng trái với với quan niệm thông thường, chúng ta không chỉ trải qua hai trạng thái cảm xúc, là hạnh phúc và buồn phiền thôi đâu. Dựa vào từng loại suy nghĩ diễn ra trong trí óc ta, mà chúng ta có thể rơi vào một phạm vi rộng hơn hẳn:
Cho phép suy nghĩ của bạn chịu tác động bởi những ảo tưởng và bạn sẽ mắc kẹt trong trạng thái hoang mang.
- Suy nghĩ tiêu cực và bạn sẽ rơi vào trạng thái đau khổ (không hạnh phúc).
- Trì hoãn các suy nghĩ của bản thân bằng những thú vui và bạn sẽ thấy mình rơi vào trạng thái trốn tránh.
- Suy nghĩ tích cực và chấp nhận những sự việc diễn ra trong cuộc sống và bạn sẽ ở trong trạng thái hạnh phúc.
- Vượt ra khỏi những suy nghĩ hỗn loạn, thấu hiểu cuộc sống như chính nó vốn có, và bạn sẽ vĩnh viễn sống trong hoan hỉ.
Hiểu rõ điểm khác biệt giữa những trạng thái này và lý do dẫn bạn đến mỗi tình trạng ấy sẽ giúp bạn xây dựng một mô hình hạnh phúc vững chắc – một mô hình mà sẽ dẫn bạn tới hạnh phúc mỗi khi bạn áp dụng nó.
Hãy cùng tìm hiểu về từng trạng thái này, bắt đầu từ phía dưới trước, cho tới trạng thái hoan hỉ.
Trạng Thái Hoang Mang
Đã bao giờ bạn cảm thấy bị nhận chìm bởi nỗi buồn như thể bạn đang đứng trên cát lún hay chưa?
Có bao giờ bạn cảm thấy như thể không tài nào xua tan được đám sương mù đang bủa vây lấy bạn, làm cản trở tầm nhìn của bạn và phá hỏng khả năng phán đoán của bạn?
Khi mà bạn cảm thấy rằng cuộc đời đang chống lại bạn và bạn xứng đáng nhận lấy đau khổ, thì bạn đã rơi vào trạng thái hỗn loạn rồi đấy.
Sự hoang mang của chúng ta gây ra bởi những ảo tưởng mà chúng ta học cách tiếp nhận từ hồi còn thơ bé. Chúng ta học cách định hướng thế giới quanh mình bằng việc tin rằng những ảo tưởng là có thật.
Khi mà bạn cho phép những sự ảo tưởng như vậy hình thành nên sự lý giải của bản thân về thế giới xung quanh, thì phán đoán của bạn sẽ mất đi tính khách quan. Nỗ lực của bạn trong việc giải Phương trình Hạnh phúc sẽ luôn mang đến những kết quả sai lệch, và sự nhầm lẫn như là kết quả đó sẽ dẫn đến đau khổ sâu hơn nữa.
Vậy thì tại sao chúng ta lại học cách sống chung với những ảo tưởng ấy ngay từ thưở ban đầu?
Hãy tưởng tượng rằng bạn được yêu cầu lái xe chầm chậm quanh một cung đường đua trống trải. Bạn, và hầu hết các tay lái khác, có thể dễ dàng đối phó mà không cần thiết phải hiểu rõ về động cơ ô tô cơ bản hay trọng lực mới có thể bẻ cua.
Tuy nhiên, đó là lúc mọi việc trở nên sai lầm, hoặc trở nên khó khăn, khi mà những hành vi không am hiểu thành ra không còn hiệu quả nữa. Nếu như đường đua trở nên quá mức đông đúc với những tay lái lụa và cách duy nhất để thoát ra khỏi đó là chạy đua đến đích, bạn sẽ thật sự cần phải hiểu rõ một chiếc xe vận hành ra sao ở một mức độ căn bản nếu như bạn muốn sống sót cán đích.
Một ví dụ giúp cho việc giải thích tại sao mọi việc lại trở nên sai lầm chính là Ảo tưởng về thời gian. Hầu hết chúng ta đều thường xuyên bị căng thẳng bởi tính hư ảo tự nhiên của thời gian.
Chúng ta thiếu thốn thời gian, lãng phí nó, và cảm thấy như thể nó trôi qua một nhanh hơn mỗi ngày, ăn mòn cuộc sống đầy căng thẳng của chúng ta trong khi ta chẳng thể nào mà làm cho nó chậm lại hay làm cho nó dừng lại. Tốc độ không ngưng nghỉ ấy chôn vùi chúng ta. Ta cảm thấy như thể mình đang ở trên một cung đường đua với toàn những tay lái điên rồ.
Khi mà ta rơi vào một trạng thái ảo tưởng như vậy, nỗ lực giải Phương trình Hạnh phúc sẽ trở nên vô ích. Cuộc sống trở nên vô cùng rối ren và ta cũng chẳng buồn bận tâm nữa. Ta bắt đầu chấp nhận rằng chúng ta sinh ra là để nhận lấy bất hạnh. Và rồi sự đau khổ của chúng ta ngày càng trở nên dai dẳng và dữ dội hơn.
Trạng Thái Đau Khổ
Khi một suy nghĩ buồn phiền xuất hiện, chúng ta cảm thấy đau khổ. Và rồi ta để cho nó kéo dài mãi.
- Tại sao ta lại để cho những suy nghĩ kéo dài nỗi đau đớn của mình trong khi tất cả những gì mà chúng ta mong muốn là hạnh phúc?
- Tại sao chúng ta lại cho phép bản thân mình lo lắng về kết quả của một bài kiểm tra khi mà việc lo lắng chẳng thể làm thay đổi điểm số?
- Tại sao chúng ta lại cứ bị ám ảnh với những sự kiện từng diễn ra trong quá khứ, tự dằn vặt mình bằng sự hối hận, trong khi sự đau khổ của ta không thể thay đổi được những gì đã diễn ra?
- Tại sao chúng ta lại cho phép những suy nghĩ của mình lấy đi khỏi chúng ta trạng thái trẻ thơ mặc định – trở nên hạnh phúc?
Việc duy trì những suy nghĩ tiêu cực, có vẻ như, chỉ là một tính chất tự nhiên trong bộ não của con người. Những vòng lặp bất tận của việc suy nghĩ không ngừng nghỉ nhằm phục vụ bản năng cơ bản nhất của chúng ta: tồn tại.
Trong những môi trường không thuận lợi mà tổ tiên của chúng ta từng sinh sống, con người cần phải chiến đấu hoặc chạy trốn mới hòng tồn tại.
Và nguyên tắc cơ bản ở đây là: Việc cho rằng một điều gì đó là nguy hiểm sẽ đảm bảo được sự an toàn cao hơn, khi mà thực tế không phải vậy thay vì cho rằng một sự việc là an toàn trong khi thực ra nó lại nguy hiểm.
Và tốt hơn cả là nên đưa ra quyết định này thật nhanh. Kết quả là, bộ não của họ xử lý thông tin mà thế giới thực mang tới cho họ theo cách hiệu quả cho việc sống sót, dù cho nó không thực sự phản ánh sự thật một cách chính xác.
Sự lập trình về khả năng sinh tồn nguyên thuỷ của con người vẫn còn dư âm cho tới tận ngày nay. Khi mà chúng ta xử lý một sự việc, bộ não của ta có khuynh hướng thiên về sự cẩn trọng.
Chúng ta thường hình dung tới viễn cảnh tồi tệ nhất để có thể chuẩn bị trước cho nó, và chúng ta có khuynh hướng bóp méo sự thật để cho năng lực trí tuệ có hạn của mình có thể xử lý nó một cách nhanh chóng và hiệu quả. Điều này thì cũng ổn thôi cho tới khi bạn nhận ra rằng nó thường đưa bạn tới cảm giác không hạnh phúc thường xuyên ra sao.
Dù cho một số sự việc không diễn ra như chúng ta mong đợi, chúng ta thường dành sự quan tâm quá mức tới những điều không xứng đáng.
Trong hầu hết các sự kiện, khi được nhìn nhận đúng đắn, thường hoàn toàn nhất quán với việc chúng ta nên mong đợi cuộc đời diễn ra như thế nào. Đối với những điều như thế, không có gì, không có bất kỳ điều gì, là thực sự sai lầm cả, ngoại trừ việc có lẽ chúng khác với cách mà ta nghĩ về chúng.
Chúng ta cứ giữ mãi những điều đó trong lòng và để chúng gây đau đớn, và ta bế tắc, đau khổ, và tin rằng suy nghĩ tưởng tượng của chúng ta không được như chúng ta mong đợi.
Thiết kế ban đầu của bộ não con người bao gồm những tính năng đảm bảo sự sống còn của nòi giống chúng ta. Chính những tính năng này đã trở thành những điểm mù đánh lừa cách thức bộ não của chúng ta vận hành ngày nay.
Bị phân tâm, bộ não của chúng ta hiếm khi cho ta biết sự thật, và điều này thường phá hỏng Phương trình Hạnh phúc của ta.
Và việc tôi chỉ ra cho các bạn thấy những điểm mù và cách xử lý chúng sẽ rất thú vị.
Trạng Thái Trốn Tránh
Nhân việc nói về thú vui, vốn là trò tiêu khiển yêu thích của thế giới hiện đại, ở đây có một nhận thức sai lầm làm chúng ta chệch hướng khỏi hạnh phúc mà mình tìm kiếm: Thường thì những gì có vẻ như là hạnh phúc lại hoàn toàn không phải vậy!
Chúng ta có thể bỏ qua sự khác biệt giữa hạnh phúc và niềm vui. Chúng ta đánh đổi hạnh phúc thật sự của bản thân với những vũ khí xao lãng hàng loạt: tiệc tùng, nhậu nhẹt, ăn uống, mua sắm quá đà, hay thú vui tình dục.
Xét về mặt sinh học, việc cảm thấy tốt đẹp đóng một vai trò quan trọng như là một phần trong cơ chế sinh tồn của chúng ta. Bộ não của chúng ta sử dụng nó để điều khiển các hành vi sinh tồn mà không có liên quan trực tiếp tới những mối đe doạ trước mắt.
Để làm được điều đó, não bộ truyền vào trong cơ thể của chúng ta chất serotonin, oxytocin, và cả các hoá chất mang lại cảm xúc làm dễ chịu khác trong suốt quá trình thực hiện các hoạt động mà nó muốn chúng ta thực hiện thường xuyên.
Việc sinh sản, như là một ví dụ, đóng một vai trò trọng yếu đối với giống loài chúng ta, nhưng việc không có con cũng không mang tới mối nguy cơ trước mắt đối với các bậc cha mẹ tương lai. Nếu không có những niềm vui liên quan đến tình dục, một chức năng sinh tồn quan trọng như vậy sẽ bị bỏ qua. Việc kết đôi mang tới cho chúng ta niềm vui thú – và nó thúc đẩy nòi giống chúng ta sinh sản và nhân giống.
Và niềm vui thú đó là một điều hữu ích, nhưng một số người lại tìm kiếm nó trong tuyệt vọng, nhằm trốn tránh, bởi vì họ sợ hãi trước những suy nghĩ cực đoan của mình. Theo nghĩa đó, niềm vui thú mà họ theo đuổi giống như là một thứ thuốc giảm đau, nhằm làm dịu lại nỗi đau khổ. Niềm vui thú là loại thuốc giảm đau hiệu quả bởi vì nó mô phỏng hạnh phúc bằng cách phong bế những suy nghĩ nhiễu loạn triền miên trong đầu ta – trong một khoảng thời gian.
Hãy nhớ: Khi không suy nghĩ, chúng ta trở về trạng thái mặc định, như một đứa trẻ: hạnh phúc!
Tuy nhiên, ngay khi niềm vui thú tức thời mờ nhạt đi, những suy nghĩ tiêu cực lại xuất hiện và gây ra đau khổ. Vì thế chúng ta lại mê mải tìm kiếm niềm vui thú khác để được xao lãng.
Cũng như là thuốc giảm đau, khi tác dụng của thuốc chấm dứt, bạn sẽ uống thêm một viên thuốc khác cho tới khi, rốt cuộc, việc uống thuốc giảm đau thông thường không còn khả năng làm tê liệt cơn đau nữa.
Đó là khi mà chúng ta cố gắng tạo ra nhiều niềm vui thú cực đoan hơn trong cuộc sống của mình: những môn thể thao mạo hiểm, những buổi tiệc tùng điên cuồng hơn, và tất cả các dạng thức của tình trạng đam mê thái quá.
Sự hưng phấn càng cao, thì tác động mà nó gây ra càng chóng tiêu tan và chúng ta càng dễ chìm sâu hơn vào cảm giác thống khổ. Khi mà cái chu kỳ này trở nên quá sức chịu đựng, một số người vận đến các biện pháp liều lĩnh và hoá chất làm tê liệt hệ thần kinh của họ bằng việc sử dụng các loại chất cấm và rượu trong nỗ lực cuối cùng nhằm tìm kiếm sự im lặng trong đầu mình.
Bằng việc tìm đến niềm vui thú như một cách thức trốn tránh, chúng ta bỏ lại Phương trình Hạnh phúc không được giải quyết và bỏ qua những vấn đề cốt lõi khiến cho mình không được hạnh phúc. Do đó, niềm vui thú mặc dù là sự kết tinh của sự hoan lạc, lại thực sự trở thành vật cản đối với hạnh phúc đích thực.
Nhưng thực ra niềm vui thú không hoàn toàn tệ hại đến thế. Thực tế thì, niềm vui thú bản thân nó không hề tồi tệ một chút nào hết cả.
Một phương thức tận dụng niềm vui khôn ngoan là vận dụng nó như là một công cụ chuyển đổi khẩn cấp để mang lại khoảng thời gian thư thái ngắn hạn do đó bạn có thể làm yên lặng tiếng nói ở trong đầu mình, trong khi thêm vào một chút lý trí trong những dòng suy nghĩ viển vông bất tận ấy.
Bất kỳ khi nào bạn cảm thấy các suy nghĩ trong đầu mình bắt đầu trở nên tiêu cực, hãy tận hưởng thụ một thú vui lành mạnh – như là tập thể dục, nghe nhạc, hay một buổi mát xa – và nó sẽ luôn là một công tắc hiệu quả.
Còn có cả một cách thức khôn ngoan hơn nữa để tận dụng niềm vui là khi bạn lên lịch thường xuyên cho những thú vui lành mạnh, mà ở đây điều tôi định nghĩa như là thú vui sẽ không dẫn tới việc làm tổn thương bản thân hay người khác. Niềm vui thú, khi đó, sẽ không còn là một loại thuốc giảm đau nhằm làm tê liệt thương tổn mà sẽ gần giống với thứ thuốc bổ trợ hạnh phúc mà bạn sử dụng thường xuyên để sống khoẻ.
Với vai trò là một người làm việc trong lĩnh vực kinh doanh tôi đã học được rằng chúng ta chỉ có thể tiến bộ từ những giới hạn của bản thân. Vì thế hãy đặt ra hạn ngạch vui vẻ cho bạn. Tôi đã làm như vậy đấy! Tôi đặt ra chỉ tiêu cho bản thân mình về quãng thời gian nghe nhạc trong ngày và xem phim hài mỗi tuần, rèn luyện thân thể, và cả những hoạt động mang lại sự sảng khoái khác nữa.
Với đủ niềm vui trong cuộc sống của bạn, những khoảnh khắc yên bình kéo dài làm cho não của bạn ngày một gặp khó khăn hơn trong việc phá hỏng một ngày của bạn với những ý nghĩ vẩn vơ trong đầu.
Nhưng hãy luôn nhớ rằng: Niềm vui thú và sự thoả mãn dù ở bất kỳ hình thức nào cũng chỉ là trạng thái tạm bợ của việc trốn tránh – một trạng thái của sự thiếu nhận biết. Vì thế đừng bao giờ để bản thân mình ở trong trạng thái này quá lâu. Bạn hãy vượt qua nó nhanh nhất có thể trên chặng đường tìm đến hạnh phúc chân chính, lâu dài.
Trạng Thái Hạnh Phúc
Hạnh phúc là tất cả những gì gói gọn trong một ý nghĩ – suy nghĩ đúng đắn – thứ đồng điệu với thực tế và có thể giải Phương trình Hạnh phúc một cách hiệu quả.
Có vẻ như hơi buồn cười, nhưng chúng ta sẽ không trực tiếp nói về hạnh phúc trong bài viết này. Ta sẽ cùng bàn với nhau cách làm thế nào để ngăn chặn đau khổ, mà sẽ đưa bạn trở về với trạng thái hạnh phúc mặc định.
Khi bạn nhìn thấy sự thật về cuộc sống của mình được mở ra và so sánh nó với những kỳ vọng thực tế về việc cuộc sống thực sự được mở ra như thế nào, bạn sẽ loại bỏ hết những lý do để thấy không hạnh phúc và nhận ra, thường xuyên hơn, rằng mọi chuyện đều ổn cả, và vì thế bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc.
Đối với mỗi một việc đã trải qua trong cuộc đời bạn, chúng ta sẽ giải Phương trình Hạnh phúc một cách đúng đắn khi mà ta loại bỏ hết những ảo tưởng và điều chỉnh lại những điểm mù. Nhưng để có thể hạnh phúc trước mọi biến cố cuộc đời, chúng ta nên hướng tới trạng thái còn cao hơn nữa.
Trạng Thái Hoan Hỉ
Những người đạt đến trạng thái hoan hỉ không chỉ biết chấp nhận cuộc sống như nó vốn có mà còn hoàn toàn đắm mình trong đó.
Họ giống như là những hoạ sĩ và nhà văn – và cả những kỹ sư nữa – mà chuyên gia tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi[1] đã nhận xét, là những người rất đỗi hoà hợp với giây phút hiện tại nên họ bước vào một địa giới hạnh phúc vô tận mà ông gọi là “dòng chảy” – họ hoà vào từng điều nhỏ bé mà cuộc đời mang đến cho họ, dù đó có là gì đi nữa. Họ đạt đến trạng thái hạnh phúc không bị gián đoạn mà tôi sẽ gọi là hoan hỉ[2].
Tôi điềm nhiên sử dụng cụm từ hoan hỉ ở đây bởi vì thật không may là trong ngôn ngữ của chúng ta không có từ nào có thể miêu tả chính xác được trạng thái này. Sự thanh thản trong tâm hồn, sự tĩnh tại, sự điềm tĩnh – tất cả những từ này cũng có nghĩa gần giống như vậy. Có thể sự kết hợp của tất cả những từ này sẽ là gần đúng nhất, nhưng không một từ nào trong số đó miêu tả được chính xác điều mà tôi muốn nói tới.
Một người bạn của tôi bị mất khứu giác ngay từ khi mới sinh ra. Một ngày nọ cô ấy yêu cầu tôi mô tả cho cô ấy nghe về cảm giác khi ngửi thấy mùi hương hoa hồng là gì. Tôi vật vã mãi với việc tìm cho ra từ ngữ thích hợp. Bạn có thể nói gì nào? Một bông hồng có hương thơm, ơ, của một bông hồng!
Cách duy nhất để tận hưởng mùi hương của hoa hồng là trải nghiệm nó. Điều này cũng đúng với niềm hoan hỉ. Tất cả những gì mà tôi có thể làm là giúp bạn trải nghiệm nó một lần, và rồi bạn sẽ biết được nó thực sự là gì.
Khi mà bạn tìm đường đi ở một nơi xa lạ, bạn thường đối chiếu vị trí hiện tại của bạn trên bản đồ để định vị. Bạn đối chiếu từng toà nhà một trên đường với tấm bản đồ khi nó hiện ra trước mắt. Điều này cũng đúng với việc bạn giải Phương trình Hạnh phúc, suy ngẫm về từng sự kiện mà cuộc đời mở ra trước mắt bạn.
Nhưng khi con đường trở nên quen thuộc, và bạn đồng điệu với nó, thì bạn không cần tới tấm bản đồ kia nữa. Tất cả những gì bạn cần là định hướng bản thân mình tới một vài công trình kiến trúc chính và đi theo trực giác của bạn mà không gặp trở ngại gì để tới đích.
Và điều này cũng đúng với niềm hoan hỉ. Nó xuất hiện, trước hết, từ một sự hiểu biết sâu sắc về cấu trúc chính xác của cuộc sống.
Nó xuất hiện như là kết quả của việc phân tích Phương trình Hạnh phúc từ độ cao 6.000 mét và nắm bắt trọn vẹn cuộc sống, cùng với bánh xe chuyển động vĩ đại của nó, luôn luôn hoạt động như thể nó luôn như thế và sẽ luôn như vậy.
Và kết quả là, bạn đặt ra những kỳ vọng cụ thể; rồi, ngay cả khi cuộc sống trở nên khắc nghiệt, nó không còn khiến bạn cảm thấy bất ngờ nữa bởi vì bạn đã tính đến cả những khó khăn có thể diễn ra trên bước đường đời một cách thực tế.
Những cú xóc nảy đầy khó chịu trên đường cũng xuất hiện ngay cả khi bạn bước đi trên con đường quen thuộc – chúng chẳng hề dễ chịu chút nào. Nhưng chúng có thể đoán định được, vì thế mà bạn có thể bình tĩnh vượt qua chúng mà không cảm thấy quá gian nan.
Khi phải đứng xếp hàng lâu ở quầy tính tiền siêu thị, bạn nhận ra rằng, đó là điều mà bạn nên lường trước, hay là đối với những đòi hỏi trong công việc, hoặc sếp của bạn đôi khi làm bạn khó chịu, và việc bạn sẽ hết tiền vào cuối tháng. Những chuyện như vậy chỉ là cách mà mọi việc vẫn thường diễn ra – những cú xóc nảy trên bước đường đời. Chẳng có gì mà phải ngạc nhiên hết.
Nếu như niềm vui thú phong toả suy nghĩ của bạn, và hạnh phúc dâng lên khi tâm trí bạn chấp nhận những sự việc diễn ra trong đời sống, thì niềm hoan hỉ chính là khi mà những suy nghĩ không còn cần thiết nữa bởi vì sự phân tích này đã kết thúc, và phương trình đã hoàn toàn được giải.
Cậu con trai tuyệt vời của tôi, Ali, có một hình xăm trên lưng thằng bé với cái thông điệp mà nó lấy làm phương châm sống: Gánh nặng của một cuộc chiến đấu không có nghĩa lý gì với những ai có được sự thanh thản trong tâm hồn. Cái hình xăm ấy đã miêu tả chính xác về con người thằng bé. Với niềm tin ấy thằng bé bước đi trong đời như một nhà hiền triết thông thái. Chẳng điều gì có thể phá vỡ sự điềm tĩnh nơi thằng bé. Thằng bé đã vượt lên trên những suy nghĩ, và ở đó nó tìm thấy niềm hoan hỉ.
Bí ẩn lớn nhất về sự hoan hỉ là nó dành cho các nhà sư không màng đến sự đời. Nhưng điều này là không đúng. Hoan hỉ có thể hiện diện trong bất kỳ điều gì bạn làm – ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất của mọi cuộc đời.
Hồi tôi còn tham gia vào thị trường chứng khoán, cuộc thua lỗ đầu tiên của tôi khiến tôi ngạc nhiên khủng khiếp. Tôi mất nhiều ngày trời đau khổ, hối tiếc về quyết định của mình và oán trách bản thân. Nhưng rồi khi mà tôi đã có kinh nghiệm mua bán sau nhiều năm và đã chịu thua lỗ nhiều hơn nhiều so với lần mất mát đầu tiên ấy, tôi vẫn giữ được bình tĩnh và tự chủ.
Một khi bạn đã nắm bắt được bản chất của thị trường và việc thỉnh thoảng thua lỗ – “những gợn sóng,” như tôi vẫn thường gọi thế – chỉ là một phần trong trò chơi của bạn, bạn ngừng lại cảm giác đau khổ cục bộ và tập trung vào bức tranh lớn hơn. Trong khi cuộc sống của một nhà kinh doanh hiếm khi nào lại vui vẻ, thì cái khả năng tạo ra kỳ vọng thực tế về rủi ro vốn có của thị trường và nhảy sóng là kỹ năng mà bạn cần phải có để hướng đến niềm vui.
Hãy nhớ: Niềm hoan hỉ thật sự là sự hoà hợp với đời sống như nó vốn dĩ vậy.
Nhưng mà bạn làm thế nào để đạt được hoan hỉ?
Bạn thực hiện điều này bằng cách định hướng cuộc đời như cái cách mà bạn định vị những cung đường quen thuộc vậy. Bạn tìm kiếm các điểm mốc giúp định hướng – bạn tìm kiếm Sự thật.
———–
[1] Mihaly Csikszentmihalyi, sinh ngày 29/9/1934, là nhà tâm lý học người Hungaria. Ông được biết đến với Học thuyết dòng chảy (concept of flow), đây là một khái niệm trong nhánh tâm lý học thực chứng (hoặc “tâm lý học tích cực-positive psy) đã được tham chiếu rộng rãi trong các lĩnh vực khác. Dòng Chảy là trạng thái tâm trí hoạt động mà trong đó cá nhân thực hiện một hành động được “nhúng” ngập trong dòng cảm xúc và sự tập trung nguồn năng lượng, tham dự một cách toàn vẹn và tận hưởng trong quá trình hoạt động diễn ra.
[2] Mihaly Csikszentmihalyi, Flow: The Psychology of Optimal Experience (Harper Perennial Modern Classic, 2008).
Một Mô Hình Hạnh Phúc
Mỗi ngày trong cuộc đời bạn, những sự kiện mới lại diễn ra. Những kỳ vọng mới được thiết lập, và những Phương trình Hạnh phúc mới đòi hỏi việc giải quyết. Hầu như chúng ta đều ngẫu nhiên di chuyển đến một trạng thái khác nhau với mỗi sự kiện trải qua.
Tất cả chúng ta đều thực hiện một vài bước tiến tới hạnh phúc … trước khi rơi vào trạng thái hoang mang. Tất cả chúng ta đều tìm thấy đường tắt bằng việc vui vẻ trong giây lát … trước khi nếm trải chút ít đau khổ.
Bạn đã nếm đủ những thứ đó rồi, đúng không? Một trạng thái hoan hỉ không bị gián đoạn là hoàn toàn có thể đạt được khi mà bạn giải quyết vấn đề một cách trực tiếp. Và như vậy …
Hãy nhớ: Bạn đừng bao giờ thoả hiệp với bất cứ điều gì khác ngoại trừ sự hoan hỉ.
Nhưng để đạt tới niềm hạnh phúc không bị gián đoạn hoàn toàn không đơn giản như việc ra ngoài đi chơi với bạn bè, ghi danh học lớp yoga, hay mua một chiếc xe mới. Sẽ có những ảo tưởng cần vượt qua, những điểm mù cần điều chỉnh, những thứ thuốc giảm đau cần chối bỏ, và, cuối cùng, có những sự thật cần được chiêm nghiệm và chấp nhận.
Đã đến lúc để bắt đầu chương trình rèn luyện về hạnh phúc của bạn. Với tư cách là một kỹ sư, tôi sẽ mang nó đến với bạn bằng một sự rút gọn – chẳng có gì giống với một giai điệu đầy màu sắc như là các bậc thầy về hạnh phúc ngày nay vẫn thường nói tới. Tất cả những gì bạn cần phải làm là nhớ đến ba con số này: 6-7-5.
Và đây là cách thức mà nó vận hành. Có sáu ảo tưởng lớn sẽ khiến bạn cảm thấy hoang mang. Khi mà bạn sử dụng những ảo tưởng này để cắt nghĩa cuộc đời, chẳng điều gì có vẻ đúng đắn. Nỗi đau khổ càng thêm sâu sắc và dai dẳng.
Tiếp đó, bảy điểm mù sẽ đánh lừa sự nhận định của bạn về thực tế cuộc sống. Kết quả là hình ảnh méo mó mà nó mang đến luôn khiến bạn không vui.
Xoá bỏ sáu ảo tưởng, điều chỉnh bảy điểm mù – và dừng lại việc cố gắng trốn tránh – và bạn sẽ đạt được hạnh phúc thường xuyên hơn.
Nhưng nếu như bạn muốn hạnh phúc dài lâu, bạn cần phải tiến tới năm sự thật tuyệt đối.
Đưa các biến số này lại với nhau và bạn sẽ có được Phương trình Hạnh phúc:
—————————————