Để hiểu rõ niềm khao khát gắn bó, điều quan trọng là nhận thức được rằng nó không phải là một trải nghiệm mới mẻ. Nó không phải là lần đầu xảy ra trong mối quan hệ hiện tại mà là sự trở về của ký ức. Nó là sự hồi tưởng cảm xúc của một thời gian rất lâu trước đây.

Mặc dù các chi tiết thực tế trong ký ức đã bị lãng quên phần lớn nhưng những cảm giác giờ đây vẫn sống động và mãnh liệt như xưa. Khi nó khơi dậy nhận thức của bạn về sự mất mát một kết nối quan trọng, như thể bạn cảm thấy chúng ở những năm tháng đầu tiên trong đời.

Điều này có nghĩa là khi bạn bị niềm khao khát gắn bó chế ngự thì theo nhiều cách, tâm trạng của bạn sẽ có những trải nghiệm giống hệt như lúc bạn đang là một đứa trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ.

Các đặc trưng của trải nghiệm này là của một người đang thiếu thốn tình cảm, dễ bị tổn thương, có tầm nhìn hạn chế, khả năng phán đoán phiến diện, thiếu khả năng suy nghĩ thấu đáo và không có sức mạnh tinh thần.

Bạn không cần phải có tuổi thơ thiếu thốn và đau buồn để hiểu được những cảm xúc phụ thuộc ban đầu. Chúng là gia sản của mỗi người, là khoản ký quỹ trong ngân hàng ký ức.

Vì thế, khi trạng thái khao khát gắn bó này tái hiện thì những suy nghĩ cũng như phán đoán của bạn bị bóp méo và bị chi phối bởi những cảm xúc mãnh liệt của thời gian bạn còn là một đứa trẻ không tự bảo vệ được mình.

THUỞ ẤU THƠ

Khi có niềm khao khát gắn bó, có những điều kỳ lạ xảy ra trong cảm giác của một người. Do niềm khao khát gắn bó là một ký ức tuổi thơ nên khi ngự trị trong cơ thể, nó đưa bạn trở lại thời thơ ấu, một thời kỳ rất khác biệt so với thời kỳ trưởng thành. Hãy xem xét:

Trẻ sơ sinh bú mẹ và ánh mắt người mẹ lấp lánh. Thời điểm hạnh phúc trọn vẹn là đây. Đứa trẻ không cần biết những gì sẽ xảy ra vào ngày mai hoặc 5 phút sau. Nó cũng quên luôn một phút trước đây nó vừa khóc. Nó chỉ biết thời khắc này, cảm giác này chưa từng có trước đó.

So sánh điều này với những lời của một phụ nữ 30 tuổi không hạnh phúc trong mối quan hệ với Jack:

“Mọi việc giữa tôi và Jack thường xuyên không tốt đẹp, nhưng vào những thời điểm tốt đẹp như trong một kỳ nghỉ cuối tuần cùng nhau cũng giống như một kỳ nghỉ hai tuần. Ngay cả việc ân ái buổi trưa cũng dường như kéo dài vô tận. Tôi thậm chí không nghĩ về tất cả những gì sai trái giữa chúng tôi. Cảm giác tốt đẹp là tất cả những gì đang có.”

Hoặc xem xét những trải nghiệm của một thời thơ ấu đau khổ:

Người giữ trẻ đến. Bố mẹ chuẩn bị đi ra ngoài. Họ nói với đứa trẻ, dù biết rằng đứa trẻ có thể chưa hiểu, rằng họ sẽ quay lại ngay, chỉ trong vài giờ. Họ bỏ lại đứa trẻ đang khóc đến nghẹt thở. Họ đã đi cả rồi. Làm sao mà nó biết được họ sẽ trở lại? Họ đã đi mãi mãi. Mỗi giây phút không có họ như kéo dài vô tận.

Và đây là một đối tác đã trưởng thành:

“Nếu kết thúc quan hệ với Wayne, tôi biết tôi sẽ cô đơn mãi mãi. Đó là tất cả những gì tôi thấy được. Sự u mê và cô đơn có thể kéo dài đến vô tận.”

Những cảm giác sai lạc về thời gian này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về nguồn gốc từ tuổi thơ của niềm khao khát gắn bó, chúng mãnh liệt hơn so với hầu hết các trải nghiệm khác.

Tuy nhiên, nghịch lý là ở chỗ: Một khi niềm khao khát gắn bó đang ngự trị thì bạn không biết rằng mình đang sai lạc về thời gian.

Bạn cần phải đặt ít nhất một chân trên mặt đất vững chãi bên ngoài trạng thái khao khát gắn bó để xem xét thời gian với tầm nhìn trưởng thành hơn, và nhận biết bạn đang thay hình đổi dạng do nó.

Vì thế, khi hầu như đã thoát khỏi nanh vuốt của niềm khao khát gắn bó, bạn phải chuẩn bị cho nó bằng cách dự đoán thời gian biến dạng và tìm cách để làm nó mất tác dụng với thời kỳ trưởng thành.

Người phụ nữ đã nói rằng: “Nếu kết thúc mối quan hệ với Wayne, tôi biết tôi sẽ cô đơn mãi mãi…” Bắt đầu hiểu rằng cô chỉ cảm thấy như thế khi đang trong nỗi đau của niềm khao khát gắn bó.

Còn khi ở những thời điểm khác, khi quan điểm của cô không bị sự khủng hoảng chi phối và thực tế hơn, cô không hoàn toàn cảm thấy như vậy. Vì vậy, cô bắt đầu viết một loạt những gì cô gọi là “Bản ghi nhớ cho bản thân”. Một trong số đó như sau:

– Người Nhận: Tôi bé nhỏ
– Người gửi: Tôi khôn lớn

Nếu kết thúc mối quan hệ với Wayne, bạn sẽ cảm thấy cô đơn mãi. Bạn sẽ cảm thấy khiếp sợ nỗi đau bất tận của nỗi cô đơn vĩnh viễn. Nhưng đó chỉ là quan điểm trong thời thơ bé.

Là người trưởng thành, tôi có thể đảm bảo với bạn rằng còn có một ngày mai, và tôi hứa với bạn rằng bạn sẽ cảm thấy tốt hơn nữa. Điều quan trọng hơn: Tôi yêu cầu bạn mở bản ghi nhớ này ra, đọc đi đọc lại nó khi có dấu hiệu đầu tiên của cơn hoảng loạn. 

Một bản ghi nhớ khác viết:

“Nỗi đau sẽ là mãi mãi, thực sự như thế, và bạn sẽ bị cám dỗ phải gọi cho anh ta để khuây khỏa và bắt đầu lại mọi thứ một lần nữa. Đừng làm thế! Điều ấy sẽ đưa bạn trở lại một con đường bịt bùng, không lối thoát. Hãy gọi điện cho bạn bè, đi tắm, uống một ít rượu vang, sắp xếp lại tủ quần áo… nhưng đừng gọi cho anh ta. Cảm giác này sẽ trôi qua thôi.”

Và một bản ghi nhớ khác:

“Nếu bạn có thể vượt qua được cơn tuyệt vọng đầu tiên tưởng chừng vô tận đó, và hẳn là bạn có thể làm được, thì bạn sẽ vượt qua được đêm kế tiếp. Rồi thì nỗi đau sẽ vơi dần. Nỗi đau không phải là bất tận mà chỉ là nhất thời. Rồi sẽ có ngày mai. Cố lên, rồi bạn sẽ có cơ hội cho một khởi đầu mới.”

Viết ra những bản ghi nhớ này rất có ích. Cô đọc chúng khi tràn ngập đau khổ và cảm thấy yếu ớt. Thời gian giúp chữa lành vết thương. Không phải thường xuyên, chỉ thỉnh thoảng cô có gọi cho anh ta rồi lại nhận ra rằng đó chỉ là một sai lầm. Tuy nhiên, cô đã viết một bản ghi nhớ về sai lầm của mình. Dần dần, cô có thể luôn ở trong thời kỳ trưởng thành và từ lợi điểm đó, cô tự hỏi tại sao trước đây cô có thể đánh mất quan điểm của mình như thế.

Nguồn: Làm Sao Để Thôi Nghiện Ai Đó _ Howard M. Halpern

———————————————-

🦋 Linda Nga