“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở,
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn.”
Khi mọi thứ quen thuộc dừng như ta chẳng mấy khi để tâm đến vẻ đẹp của nó. Nhưng khi xa rồi thì lại bao nhung nhớ và nhìn đâu cũng thấy đẹp. Con người đôi khi thật lạ bạn nhỉ?
Và Nga cũng từng như thế đó, năm 2008 Nga chọn Quy Nhơn học đại học đơn giản chỉ vì lý do trường gần biển đẹp và từ Gia Lai xuống Quy Nhơn lại rất gần. Mà thật sự, đó là một lựa chọn rất sáng suốt trong cuộc đời Nga.
Sau này ra trường vào Sài Gòn có đi tham quan các trường đại học mới thấy ngày xưa mình học ở Quy Nhơn thật may mắn.
May mắn khi có một không gian học tập rất lý tưởng, vài bước chân sang đường là đến biển rồi. Thời gian đó ngoài học tập thì Quy Nhơn còn giúp những sinh viên như Nga có được khoảng trời tuổi trẻ rất yên bình.
Ra trường, Nga lựa chọn Sài Gòn làm điểm đến để thử sức với tuổi trẻ của mình. Khát vọng lập nghiệp và xây dựng ước mơ cho riêng mình đã khiến Nga từ bỏ nghề giáo, gác lại những gì học 4 năm đại học để theo đuổi lĩnh vực mới: Sinh trắc vân tay.
Cuộc sống của cô sinh viên khoa Sử ngày nào đã bước sang ngã rẽ mới và có nhiều sắc màu hơn ở thành phố phồn hoa mang tên Bác.
Mải mê với công việc, Nga quên mất nơi mình đã từng gắn bó. Mãi đến tháng 6/2019 Nga mới có dịp trở về Quy Nhơn khi kết hợp với chuyến từ thiện của nhóm bác sĩ Tp Hồ Chí Minh khám, cấp thuốc cho bệnh nhân nghèo huyện Tuy Phước. Một chuyến đi đầy ý nghĩa và giàu cảm xúc.
Tuy Phước đầy nắng gió, với những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Tuy Phước có nhiều nét đặc trưng của một miền quê miền Trung lắm nhưng Nga lại chẳng kịp ghi lại hình ảnh, chỉ có chút chút màu xanh của lúa thôi.
Sau chuyến từ thiện đoàn đến thăm các địa danh Kỳ Co, Eo Gió, Hàn Mặc Tử, Cầu Thị Nại…
KỲ CO
Tên gọi Kỳ Co theo người dân bản địa thì nó bắt nguồn từ tiếng Chăm.
Ngày xưa nơi đây là đất của người Chăm, và cái tên nguyên gốc của nó là Kaico. Dịch ra tiếng việt mình có nghĩa là “Eo nhỏ – Biển nhỏ” – một bãi biển nhỏ, trong xanh và đẹp tuyệt vời.
Người việt mình nghe phát âm Kaico nhưng hay đọc ngắn gọn, lượt bỏ và việt hoá nên thành tên gọi là Kỳ Co. Còn với khách du lịch có người lại cho rằng khi đi máy bay nhìn trên cao xuống nơi đây giống như một con Kỳ nhông nằm Co mình lại nên họ gọi là Kỳ Co..v.v…

EO GIÓ
Dọc biển Quy Nhơn có dãy núi vòng cung ôm lấy bờ biển dài khoảng 15 km, trong đó Eo Gió là điểm đến xa nhất và đẹp nhất của dãy núi đó.
Eo Gió được biết đến nhờ vẻ đẹp nguyên sơ và hùng vĩ, với số lượng hang yến nhiều thứ hai Việt Nam, chỉ sau Nha Trang. Tên gọi này bắt nguồn từ hình dáng địa lý của khu vực, eo biển nhỏ được che chắn bởi hai dãy núi hùng vĩ ôm trọn bãi biển trong xanh.
Con đường đi bộ ngang lưng núi hướng ra biển là điểm check-in nổi tiếng ở đây.
Và rồi chọn một tảng đá bằng phẳng, ngồi nghỉ chân, thả hồn vào biển xanh với những cơn gió mát lành sẽ khiến cho tâm hồn bạn trở nên thanh thản hơn bao giờ hết.
Và bạn đừng quên ghé thăm Ghềnh Ráng nhé, một danh thắng nổi tiếng mà bất kì du khách nào khi đến thăm Bình Định đều muốn tìm tới thưởng ngoạn vẻ đẹp kỳ thú của biển và thăm viếng nơi đã ghi dấu quãng đời thi nghiệp của chàng thi sĩ tài danh Hàn Mạc Tử.
HÀN MẶC TỬ
Bãi biển Hoàng Hậu nằm trong Ghềnh Ráng. Từ đỉnh Ghềnh Ráng có thể phóng tầm mắt nhìn rộng cả bốn bề. Xa xa bãi tắm xanh mướt, những đoàn thuyền đánh cá nhấp nhô trong làn sương mờ ảo. Đẹp như một bức tranh thủy mặc của một nghệ nhân nổi tiếng.


Thưởng lãm cảnh đẹp nhưng không thể quên ăn uống được phải không nào. Hải sản vùng biển là chuyện phổ biến, ăn hải sản Quy Nhơn ngon và rẻ lắm ấy. Một số món ăn đặc trưng xứ Nẫu để nếu bạn có ghé thì đừng quên thưởng thức nhé!
MÓN ĂN XỨ NẪU
Bún cá Ngọc Liên trên đường Nguyễn Huệ
Chả cá ở đây được chế biến hoàn toàn từ cá tươi, còn sợi bánh làm bằng bột gạo pha với bột mì. Nước dùng được nấu chủ yếu từ xương cá, xương bò nên có vị đậm đà. Mỗi tô bún chả cá còn có thêm vài lát cá ngừ đại dương, thịt săn chắc và ngọt. Tất cả hoà quyện tạo thành món bún chả cá đặc trưng, du khách khó có thể tìm được ở đâu khác ngoài Quy Nhơn, Bình Định.

Bánh xèo tôm nhảy Gia Vỹ
Bánh xèo tôm nhảy là món dân dã được cả dân địa phương và du khách yêu thích. Bánh xèo được làm từ bột gạo có thêm chút nghệ vàng và nước cốt dừa để đảm bảo độ thơm dẻo. Phần nhân được làm bằng tôm đất loại nhỏ. Các chủ quán thường chọn loại tôm tươi để đổ bánh nên bánh xèo Quy Nhơn ăn ngon và ngọt. Rau ăn kèm cũng có nhiều loại và tươi sống.

Bánh hỏi cháo lòng
Một phần bánh hỏi cháo lòng thường gồm: Một tô cháo loãng có huyết ninh với nước cốt hầm từ xương. Một đĩa bánh hỏi kèm lòng thái mỏng đặt lên trên. Món ăn quen thuộc của người xứ Nẫu đó bạn.
Và nhất định bạn phải ghé phố ẩm thực đêm trên đường Ngô Văn Sở nhé. Bánh khọt giòn rụm, nem chua chợ Huyện nướng, mực rim, tré, bánh ít, chè, ….đủ món ăn vặt ấy mà giá siêu hạt dẻ đến bất ngờ
Quy Nhơn với mình lúc nào cũng rất tuyệt, nó còn là cả kho ký ức thời sinh viên. Trở về nhớ kỷ niệm xưa lắm, thăm trường, gặp lại thầy cô lòng đầy rạo rực. Yêu và nhớ vô cùng.
TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUY NHƠN
Ngôi trường Nga gắn bó một thời, nơi lưu giữ không biết bao nhiêu kỉ niệm đẹp thời sinh viên. Ngày trở lại trường có vài thay đổi nhưng vẫn còn nhiều lắm những góc nhỏ quen thuộc.
Mỗi lần về thăm trường là mỗi lần được sống với những kí ức tuyệt đẹp một thời tuổi trẻ, đây là nơi mà dù đi đâu Nga cũng chẳng thể quên, nơi chắp cánh tri thức để Nga vững bước hơn khi vào đời. Yêu lắm mái trường xưa.