Không may thay là cứ mỗi ngày trôi qua ở khắp các thành phố trên thế giới, bạn sẽ nghe trên bản tin ít nhất một câu chuyện về tình trạng thanh thiếu niên bạo lực. Dù là nhóm côn đồ hành hung nhau hay một bạn trẻ nào đó có hành vi bạo lực với một người lạ thì nguyên nhân đằng sau hành vi này cũng khá đa dạng.
Thông thường, sẽ có rất nhiều yếu tố khác nhau kết hợp lại làm gia tăng khả năng thực hiện hành vi bạo lực ở người trẻ.
Yếu tố từ cá nhân
– Thanh niên có chỉ số IQ thấp, nhận thức thiếu hụt, hoặc mắc các rối loạn học tập thường có khả năng hành xử bạo lực cao hơn. Chứng tăng động giảm chú ý cũng là một yếu tố nguy cơ.
– Tiền sử bị lạm dụng và từng có hành vi bạo lực làm gia tăng nguy cơ thể hiện tính bạo lực sau này.
– Các vấn đề sức khỏe tâm thần và cảm xúc khó chịu cũng đóng vai trò gây ra hành vi bạo lực. Nhưng ta cũng cần lưu ý rằng hầu hết thanh thiếu niên mắc bệnh lý tâm thần sẽ không vì đó mà trở nên bạo lực.
– Những niềm tin chống đối xã hội và việc tham gia vào các hoạt động phạm pháp – như sử dụng ma túy và chất có cồn – cũng làm tăng nguy cơ thực hiện hành vi hung hăng về thể chất ở người trẻ.
– Từ trước đến nay, nam giới thường có khả năng can dự vào những cuộc cãi vã ẩu đả chân tay cao hơn nữ giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bạo lực ở nhóm nữ giới cũng trên đà gia tăng.
Yếu tố từ trường học
– Số liệu chỉ ra rằng những trường học ở thành phố ghi nhận tỷ lệ tội phạm bạo lực cao gấp hai lần các trường vùng nông thôn.
– Khoảng 1/3 trường học có trên 1000 học sinh báo cáo có ít nhất một vụ bạo lực diễn ra hằng năm trong khi tỷ lệ này ở những trường có quy mô nhỏ hơn chỉ dưới 1/10.
– Các khoa, phòng ban nào ghi nhận có hoạt động tụ tập và sử dụng ma túy thì cũng có tỷ lệ bạo lực cao hơn.
– Học sinh có kết quả học tập kém từ thời tiểu học có nguy cơ gia tăng trong việc thể hiện các hành vi bạo lực khi vào trung học.
– Thanh thiếu niên bỏ học trước tuổi 15 sẽ có nguy cơ thực hiện hành vi bạo lực cao hơn.
Yếu tố từ cộng đồng
Những nhóm cộng đồng có tình trạng nhà ở dưới ngưỡng tiêu chuẩn cũng như gặp sa sút về kinh tế có thể góp phần làm thanh thiếu niên cảm thấy xã hội không quan tâm đến mình và đôi khi những cô cậu này sẽ thể hiện nỗi tức giận của mình bằng bạo lực.
Mức gắn kết cộng đồng thấp và kết nối hời hợt cũng góp phần khiến nhóm người trẻ cảm thấy mình ít thuộc về cộng đồng này, từ đó dẫn đến tội phạm và bạo lực. Khi những thanh niên này chứng kiến bạo lực trong khu vực cư trú của mình hoặc trở thành nạn nhân của các hành vi bạo lực, chúng sẽ có khả năng sẽ trở thành kẻ phạm tội cao hơn.
Yếu tố từ gia đình
– Kỷ luật không nhất quán, quá khắ khe hay quá dễ dãi, cũng có thể khiến trẻ hành xử quấy phá. Thiếu đi sự giám sát của gia đình cũng mang đến cho trẻ cơ hội gia nhập vào các băng đảng, sử dụng ma túy, và thực hiện những hành vi chống đối xã hội.
– Thiếu gắn kết về cảm xúc với cha mẹ hoặc người chăm sóc làm gia tăng khả năng thanh thiếu niên coi nhẹ quyền hạn, chế tài.
– Cha mẹ mắc bệnh lý tâm thần mà không được điều trị cũng góp phần làm bất ổn đời sống gia đình và mối quan hệ cha mẹ – con cái, từ đó làm gia tăng nguy cơ thể hiện hành vi hung hăng của thanh thiếu niên.
– Cha mẹ có thu nhập và trình độ giáo dục thấp có thể có con trẻ bạo lực hơn. Cha mẹ lạm dụng ma túy hoặc rượu bia cũng làm gia tăng nguy cơ người trẻ hành xử bạo lực.
– Bị bỏ bê và lạm dụng từ thời thơ ấu làm gia tăng nguy cơ trẻ phạm tội bạo lực đến 38%.
– Không khí gia đình căng thẳng, như thiếu vắng người cha trong nhà, xung đột trong gia đình hay cha mẹ làm gương cho trẻ những hành vi không đúng đắn cũng góp phần khiến trẻ cảm thấy mình vô giá trị, từ đó dẫn đến hành vi bạo lực.
Yếu tố từ xã hội
– Khi người trẻ được tiếp xúc với súng dễ dàng, chúng sẽ dễ bạo lực hơn. Súng cũng làm gia tăng khả năng thực hiện những hành vi bạo lực gây chết người.
– Kết thân với những nhóm bạn phạm tội có thể làm tăng nguy cơ gắn kết vào những hoạt động bạo lực và phạm pháp ở trẻ.
– Gắn kết lỏng lẻo vào những hoạt động có cấu trúc như câu lạc bộ hoặc các đội nhóm thể thao cũng đóng một vai trò đưa đến hành vi bạo lực.
– Những hình dung về hành vi phạm pháp từ truyền thông có thể khiến trẻ không còn nhận thức tỉnh táo về bạo lực nữa. Những tin tức truyền thông có thể khiến trẻ cảm thấy lo sợ cho sự an toàn của bản thân, cũng là một hình thức khuyến khích chúng luôn mang theo vũ khí bên mình.
Tìm kiếm hỗ trợ cho thanh thiếu niên bạo lực
Nếu bạn thấy những dấu hiệu của bạo lực, bạn cần ngay lập tức tìm kiếm sự giúp đỡ cho trẻ. Thậm chí, những hành vi bạo lực nhẹ nhàng như đánh em hay phá hỏng tài sản có chủ đích cũng không nên bị bỏ qua. Bạo lực có thể trở nên trầm trọng hơn theo thời gian nếu không được xử lý.
Trò chuyện với bác sĩ về những quan ngại của bạn. Bác sĩ có thể đề xuất một phác đồ điều trị có sự tham gia của chuyên gia sức khỏe tâm thần. Điều trị hành vi hiện nay có thể làm giảm nguy cơ một đứa trẻ hay gây rối trở thành một người trưởng thành bạo lực.
Nguồn tham khảo. Sources:
Department of Health and Human Services (2001). Youth Violence: a Report of the Surgeon General.
Centers for Disease Control and Prevention: Youth Violence
Nguồn: https://www.verywellmind.com/what-makes-some-teens-behave-violently-2610459
———————————————