Theo nghiên cứu gần đây, lần đầu tiên, các nhà khoa học phát hiện ra mối liên hệ giữa kích thước các tế bào não với trí thông minh của con người.

Quy luật là khá đơn giản và hiển nhiên, những người nào có nơ-ron thần kinh lớn hơn, sẽ có chỉ số IQ cao hơn. Các tế bào não đồ sộ và có nhiều sợi nhánh cho phép họ truyền tín hiệu với tốc độ nhanh hơn.

Hiện tại, các nhà khoa học cho biết họ đã tìm ra cách làm tăng kích thước của các tế bào thần kinh trong não chuột. Vậy nếu lý thuyết mới là đúng, điều này sẽ giúp chúng ta tăng được chỉ số IQ của mình trong tương lai.

Nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Natalia Goriounova đến từ Đại học Tự do Amsterdam. Trong đó, cô tuyển chọn 35 tình nguyện viên, là những bệnh nhân đã từng trải qua phẫu thuật não.

Trong ca phẫu thuật, các bác sĩ đã trích một mẫu mô não khỏe mạnh trong thùy thái dương của họ. Mẩu não sau này được lưu trữ trong phòng thí nghiệm.

Tiến sĩ Goriounova đã so sánh kích thước và hình dạng của các tế bào não được lưu trữ ấy với điểm IQ của các tình nguyện viên. Và cô đã phát hiện những người có điểm IQ cao hơn là những người có tế bào não lớn hơn đáng kể.

Ngoài ra, nơ-ron của những người thông minh hơn cũng có nhiều sợi nhánh hơn, cho phép chúng kết nối với các tế bào khác. Sợi nhánh đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuyển thông tin từ tế bào này sang tế bào khác.

Đây là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra kích thước và cấu trúc vật lý của các tế bào não có liên quan đến độ thông minh của một người.

Chúng ta biết rằng có một mối liên hệ giữa kích thước não và trí thông minh”, nhà nghiên cứu Christof Koch tại Viện Khoa học Não bộ Allen ở Seattle, Hoa Kỳ cho biết. Bây giờ, nghiên cứu mới đã xác nhận điều đó “và đưa nó xuống quy mô các tế bào thần kinh riêng lẻ”.

Đó là một nghiên cứu tuyệt vời”, tiến sĩ Koch nói.

Ý tưởng cho rằng trí thông minh bắt nguồn từ cấu trúc não bộ có thể làm khuấy đảo cộng đồng học thuật. “Một số người sẽ nói rằng trí thông minh rất khó nắm bắt và phức tạp, đến nỗi ý tưởng nó có thể liên kết với các tế bào thần kinh riêng lẻ là không hợp lý”, Tiến sĩ Koch nói.

Để gợi ý điều ngược lại, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Goriounova đã thử nghiệm khả năng truyền tín hiệu điện giữa các tế bào não của tình nguyện viên, giả lập lại quá trình họ xử lý thông tin.

Kết quả chỉ ra tế bào não của những người có chỉ số IQ thấp chỉ truyền được tín hiệu điện tần số thấp và nhanh chóng trở nên mất nhạy cảm. Ngược lại, quá trình truyền tín hiệu giữa tế bào của những người thông minh hơn không chậm lại và tiếp tục ngay cả ở mức kích thích điện cao.

Nơ-ron của những người thông minh hơn cũng có nhiều sợi nhánh hơn, cho phép chúng kết nối với các tế bào khác

Nghiên cứu này có thể dẫn đến việc tìm ra các phương pháp tăng cường trí tuệ cho con người, dựa trên khoa học thần kinh “Những gì họ đã làm ở đây là một loại hình khoa học thần kinh phi thường“, nhà tâm lý học Richard Haier tại Đại học California, Irvine nói. “Đó là bước khởi đầu của việc nghiên cứu trí thông minh giao tiếp nơ-ron qua nơ-ron và mạch qua mạch”.

Thậm chí, những tiến bộ trong tương lai từ đây có thể cho phép chúng ta điều trị thiểu năng trí tuệ hoặc ngăn chặn trước khi nó xảy ra.

Theo Giáo sư Michele Giugliano, đồng tác giả nghiên cứu từ Trường Đại học Antwerp, về mặt lý thuyết, chúng ta có thể nói rằng cả tế bào gốc đa nguyên và tế bào gốc phôi đều có khả năng tạo ra các tế bào não lớn hơn.

Điều này đã được chứng minh trên chuột, khi các nhà khoa học trong nhóm của giáo sư Michele Giugliano ghép các tế bào này vào não chuột giúp chúng có những nơ-ron thần kinh lớn.

Bước tiếp theo là chúng ta phải kiểm tra xem việc cấy ghép như vậy có làm tăng IQ thực sự hay không.

Ở một tầm nhìn 50 năm tới, giáo sư Giugliano cho biết chúng ta có thể tiến đến những ứng dụng cụ thể trên người, chẳng hạn như chữa bệnh hoặc phục hồi tình trạng suy giảm nhận thức. Tuy nhiên, “về mặt đạo đức, tôi không chắc liệu điều đó có được phép không”, giáo sư Giugliano nói.

Tham khảo Dailymail

 

🦋 Linda Nga