Ai cũng biết rằng để mạnh mẽ trong hành động cần rất nhiều động lực. Vậy động lực đến từ đâu? Và động lực của bạn là gì?
Bạn có tự đứng lên và tới phòng gym mỗi ngày vì bạn biết nó tốt cho sức khỏe bạn hay bởi vì bạn biết nếu đi, bạn sẽ được một “phần thưởng” nào đó?
Có rất nhiều lý do khác nhau giải thích cho các hành vi ta thực hiện. Đôi khi cái tạo động lực cho chúng ta là những mong muốn và ao ước từ chính bên trong chúng ta. Nhưng cũng có nhiều lúc, hành vi của ta được dẫn dắt bởi một ham muốn có được những phần thưởng từ bên ngoài.
Theo một học thuyết về động lực con người thì hành động của chúng ta thường được tạo cảm hứng bởi một ham muốn đạt được một củng cố nào đó từ môi trường bên ngoài.
Học thuyết về sự khích lệ là một trong những học thuyết lớn về động lực, nó cho rằng cái tạo động lực để chủ thể thực hiện hành vi là ham muốn có được một tác nhân củng cố hoặc phần thưởng nào đó.
Tìm hiểu học thuyết khích lệ

Học thuyết về sự khích lệ bắt đầu xuất hiện khoảng những năm 1940 và 1950, được xây dựng dựa trên các học thuyết về động cơ do các nhà tâm lý học như Clark Hull khởi xướng. Vậy chính xác thì học thuyết này giải thích như thế nào cho hành vi của con người?
Thay vì tập trung vào những nguồn lực bên trong, học thuyết khích lệ cho rằng con người sẽ thực hiện một số hành vi nhất định khi những hành vi này đưa đến những phần thưởng và né tránh những hành động có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực.
Hai người có thể hành xử khác nhau trong cùng một tình huống, hoàn toàn phụ thuộc vào dạng khích lệ nào họ có trong thời điểm đó.
Bạn có thể nghĩ đến nhiều tình huống khác nhau khi hành vi của bạn trực tiếp bị tác động bởi những lời hứa hẹn về phần thưởng hoặc hình phạt. Có thể bạn đã học hành chăm chỉ để có kết quả thi tốt, chạy marathon để được mọi người công nhận, hay đảm nhận một vị trí mới tại chỗ làm để được tăng lương.
Tất cả những hành động này đều bị ảnh hưởng bởi một hình thức khích lệ nào đó, để rồi bạn nỗ lực đạt lấy nó để bù lại cho công sức mình bỏ ra.
Cách thức vận hành của học thuyết?
Trái với các học thuyết khác cho rằng ta hành động do bởi những nguồn lực thúc đẩy từ bên trong con người mình (như học thuyết giảm thiểu động lực, học thuyết kích thích và học thuyết bản năng). Học thuyết khích lệ thay vào đó, lại nhấn mạnh rằng chúng ta hành động do những nguồn khích lệ từ bên ngoài.
Bạn có thể so sánh học thuyết này với thuyết điều kiện hóa từ kết quả. Cũng như trong điều kiện hóa từ kết quả, hành vi được thực hiện để hoặc đạt được một yếu tố củng cố hoặc để tránh né một hình phạt.
Học thuyết khích lệ phát biểu rằng hành động của bạn được dẫn dắt làm sao đó để bạn phải đạt được phần thưởng.
Phần thưởng có những loại nào?
- Hãy nghĩ về những thứ tạo động lực giúp bạn học hành chăm chỉ hơn và đạt thành tích tốt ở trường. Điểm số tốt là một trong số đó.
- Được người khác tôn trọng và được cha mẹ, thầy cô khen cũng là một dạng khích lệ.
- Tiền cũng có thể là một ví dụ tuyệt vời về phần thưởng từ môi trường giúp thúc đẩy hành vi.
- Trong nhiều trường hợp, những phần thưởng này lại là cái thúc đẩy bạn làm những thứ vốn bình thường bạn vẫn né tránh như việc nhà, công việc, và những thứ khác vốn gây khó chịu cho bạn.
Một số thứ khích lệ ta tốt hơn những thứ khác?
Rõ ràng là không phải tất cả các hình thức khích lệ đều được tạo ra như nhau và phần thưởng đủ tạo động lực cho bạn lại có thể không đủ để khuyến khích người khác. Các yếu tố tâm, sinh lý, xã hội và nhận thức đều có thể đóng vai trò quyết định loại khích lệ nào có tác dụng lên bạn.
Ví dụ, bạn có thể sẽ có động lực hơn nhờ đồ ăn khi bạn đang thực sự rất đói hơn là khi bạn đang no. Một cậu bé vị thành viên có thể có động lực dọn dẹp phòng với phần thưởng là một trò chơi video mà nó luôn thèm thuồng, trong khi đó một người khác lại thấy trò chơi này chả có tí gì thú vị cả.
Tác giả Stephen L. Franzoi trong cuốn Psychology: A Discovery Experience có lưu ý, “Giá trị của một phần thưởng khích lệ có thể thay đổi theo thời gian và tùy theo từng tình huống khác nhau.
Ví dụ, được cha mẹ khen ngợi có thể có giá trị khích lệ tích cực với bạn trong một số trường hợp, những người khác thì chưa chắc.
Khi bạn ở nhà, lời khen của cha mẹ có thể là phần thưởng khích lệ tích cực. Tuy nhiên, khi bạn bè đến chơi, bạn có thể không muốn cha mẹ khen ngợi gì vì sợ bạn bè trêu chọc.”
Ngoài ra, tháp nhu cầu Maslow cũng đóng góp thêm cách nhìn nhận trong việc lựa chọn phần thưởng khích lệ dựa trên nhu cầu.
Tháp nhu cầu Maslow phần nào cho chúng ta nhìn nhận rõ hơn nhu cầu của mỗi người. Việc lực chọn phần thưởng phù hợp với nhu cầu mỗi người, ở mỗi giai đoạn là khác nhau sẽ đem đến hiệu quả đáng kinh ngạc.
Năm nhu cầu căn bản của con người. Đầu tiên là nhu cầu căn bản: ăn mặc ngủ nghỉ…Sau đó đến cảm giác của sự an toàn. Tiếp đến là tình yêu thương. Rồi đến nhu cầu được tôn trọng. Và cao hơn nữa là nhu cầu được thể hiện bản thân.
Một số quan sát quan trọng
Phần thưởng khích lệ có thể được sử dụng để giúp con người ta thực hiện một số hành vi nhất định, nhưng ta cũng có thể sử dụng chúng để khiến con người ta ngưng thực hiện một số hành vi nhất định.
Phần thưởng khích lệ chỉ trở nên mạnh mẽ nếu cá nhân người đó coi trọng phần thưởng đó.
Phần thưởng phải là cái mà chủ thể có thể đạt được, như vậy họ mới có động lực. Ví dụ, một học sinh sẽ chẳng có động lực học cho giỏi để có điểm cao nhất nhì lớp nếu bài tập quá khó và có cố kiểu gì thì cũng không thể đạt được.
Tham khảo. View Article Sources
Bernstein, D. A. Essentials of psychology. Belmont, CA: Wadsworth; 2011.
Franzoi, S. L. Psychology: A discovery experience. Mason, OH: South-Western, Cengage Learning; 2011.
Hockenbury, D. H. & Hockenbury, S. E. Psychology. New York: Worth Publishers; 2011.
Wong, L. Essential study skills. Boston: Wadsworth; 2012.
Nguồn: https://www.verywellmind.com/the-incentive-theory-of-motivation-2795382
——————————————–