Bệnh Alzheimer là một trong những căn nguyên phổ biến nhất gây chứng giảm trí nhớ ở người già bệnh đặc trưng bởi sự mất dần các nơron thần kinh và synap trong vỏ não và một số vùng dưới vỏ.

Bệnh có xu hướng nặng dần gây ảnh hưởng xấu tới các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, tới trí nhớ, hoạt động ngôn ngữ và tư duy của người bệnh.

Bệnh này được phát hiện đầu tiên vào năm 1906 tại Đức bởi Alois Alzheimer và đây là dạng bệnh lý phổ biến nhất của chứng suy giảm trí nhớ (hoặc sa sút trí tuệ) (đây là tên gọi chung cho các bệnh lý suy kiệt chức năng não).

Mặc dù nhiều người nghĩ bệnh Alzheimer chỉ ảnh hưởng lên người cao tuổi nhưng thực tế, có đến hai loại bệnh Alzheimer: Alzheimer bộc phát muộn (còn gọi là Alzheimer điển hình thường gặp) ở nhóm đối tượng trên 60 tuổi và Alzheimer bộc phát sớm với những triệu chứng xuất hiện ở nhóm những người dưới 60 tuổi.

Ai thường mắc bệnh Alzheimer? 

Theo ước tính có hơn 5 triệu người Mỹ đang sống chung với bệnh Alzheimer hoặc một bệnh lý liên quan tới chứng suy giảm trí nhớ, mặc dù không phải ai cũng được chẩn đoán một cách đầy đủ.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tin rằng có đến 500.000 người Mỹ thuộc nhóm bệnh nhân mắc Alzheimer bộc phát sớm, hoặc một bệnh lý liên quan đến chứng suy giảm trí nhớ khác ở nhóm những người dưới 60 tuổi.

Bệnh Alzheimer không phải là dấu hiệu thông thường của tuổi già; tuy nhiên, khi bạn ngày một lớn tuổi, khả năng mắc Alzheimer ngày càng tăng cao. Có đến 13% người trên 65 tuổi mắc Alzheimer hoặc các bệnh mất trí khác, trong khi đó có tới 50% người trên 85 tuổi mắc Alzheimer hoặc các chứng mất trí khác.

Nhóm dân số có tỷ lệ mắc Alzheimer cao nhất là phụ nữ da trắng, có thể là vì tuổi thọ của nhóm này là cao nhất trong các nhóm dân số.

Tuy nhiên, phụ nữ nói chung là đối tượng dễ mắc bệnh Alzheimer. Xấp xỉ 2/3 số người Mỹ mắc Alzheimer hoặc bệnh suy giảm trí nhớ khác là nữ giới.

Bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu bạn có người thân hoặc họ hàng mắc bệnh, nhưng vẫn có cách can thiệp giúp giảm nguy cơ này.

Các triệu chứng và tác động của bệnh Alzheimer

Các triệu chứng của bệnh Alzheimer bao gồm các vấn đề liên quan đến trí nhớ, giao tiếp, nắm bắt vấn đề và phán xét. Bên cạnh đó một số thay đổi trong tính cách cũng xuất hiện. Khi bệnh tiến triển, khả năng vận hành các chức năng tâm lý, xã hội và cơ thể sẽ ngày càng suy giảm.

Mặc dù bệnh Alzheimer có thể biến động tùy từng người nhưng nói chung các trường hợp đều phát triển theo một dạng thức tương tự nhau, phân thành 3 giai đoạn khác nhau: giai đoạn đầu, giai đoạn giữa và giai đoạn cuối.

Giai đoạn đầu

Trong giai đoạn đầu, người bệnh sẽ cảm thấy khó khăn trong việc nắm bắt thông tin mới, tìm được từ thích hợp để mô tả một thứ gì đó, nhớ lại cái vừa mới diễn ra (tổn thương trí nhớ ngắn hạn) hoặc lên kế hoạch và tổ chức một hoạt động – công việc đòi hỏi khả năng quản lý và kiểm soát.

Giai đoạn giữa

Trong giai đoạn giữa, khả năng suy nghĩ một cách rõ ràng trở nên khó khăn hơn. Trí nhớ dài hạn thường phai mờ dần,và có thể bị suy giảm khả năng thị giác và không gian (kết quả là nhiều người hay lang thang và bị lạc). Sự thay đổi trong cảm xúc và hành vi như lo âu và bối rối thường xuất hiện vào giai đoạn giữa và cuộc sống có thể khá khó khăn cho cả những người bệnh lẫn những người thân của họ.

Giai đoạn cuối

Trong giai đoạn cuối, chức năng vận hành cơ thể suy giảm đáng kể, những hoạt động như đi lại, mặc quần áo và ăn uống trở nên khó khăn. Cuối cùng, những người trong giai đoạn cuối của Alzheimer phải phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc trong những nhu cầu cơ bản nhất.

3 điều cần biết về bệnh Alzheimer

Alzheimer gây ra chứng suy giảm trí nhớ

Bạn có thể nghe thấy từ “chứng suy giảm trí nhớ/sa sút trí tuệ” hay được sử dụng chung với bệnh Alzheimer. Chứng suy giảm trí nhớ và bệnh Alzheimer chỉ 2 bệnh khác nhau, mặc dù đôi lúc vẫn được sử dụng thay thế cho nhau.

Suy giảm trí nhớ/Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ chung chỉ các vấn đề về nhận thức như mất trí nhớ và khó khăn trong giai tiếp.

Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy giảm trí nhớ, nhưng vẫn còn nhiều phân nhóm và nguyên nhân khác gây mất trí. Nói cách khác, suy giảm trí nhớ là một nhóm thuật ngữ bao quát chứa đựng nhiều bệnh lý, một trong số đó là Alzheimer.

Những loại suy giảm trí nhớ khác bao gồm: suy giảm trí nhớ mạch máu, suy giảm trí nhớ thể Lewy, suy giảm trí nhớ do chứng Parkinson, suy giảm trí nhớ trán-thái dương, bệnh Huntington và bệnh Creutzfeldt-Jacob.

Sự khác biệt giữa chứng suy giảm trí nhớ và bệnh Alzheimer? 

Trí nhớ kém đi không phải lúc nào cũng đều do bệnh Alzheimer hay Chứng Sa Sút Trí Tuệ.

Đôi khi, sự suy giảm nhận thức gây ra do những bệnh lý khác, một trong số đó là những bệnh có thể phục hồi được, như não úng thủy áp suất bình thường hoặc thiếu hụt vitamin B12. Xác định và điều trị những bệnh lý này càng sớm càng tốt giúp tăng cơ hội cải thiện nhận thức.

Mất trí nhớ có thể bị gây ra do những vấn đề thường nhật như căng thẳng, mệt mỏi, xao nhãng, trầm cảm, và làm quá nhiều việc một lúc.

Người bệnh Alzheimer vẫn có thể có một cuộc sống chất lượng

Việc trải qua những cảm giác đau khổ, buồn bã và lo lắng sau khi bị chẩn đoán mắc Alzheimer là hết sức bình thường, mặc dù đôi lúc cũng có người cảm thấy nhẹ nhõm khi họ (hay người thân) biết được nguyên nhân các triệu chứng mình gặp phải.

Tìm hiểu về căn bệnh có thể làm bạn choáng ngợp. Tuy nhiên, điều quan trọng cấn biết và nhớ là bạn vẫn có khả năng sống một cuộc sống đầy đủ và có ý nghĩa, cho dù đang phải chung sống cùng căn bệnh này.

Bằng cách nào? Người mắc chứng Alzheimer và những dạng bệnh mất trí khác thường bị người khác hỏi những câu hỏi dạng như thế này. Và câu trả lời của họ sẽ mang đến cho chúng ta sự khích lệ và hiểu biết sâu sắc về những yếu tố góp phần tạo dựng chất lượng cuộc sống.

Một số đề xuất của họ bao gồm:

– Thực hiện những hoạt động ý nghĩa – đừng chỉ chơi mấy trò cờ bạc cá độ.

­– Tăng cường tương tác xã hội.

– Luôn giữ và sử dụng óc hài hước.

– Trao nhau những cái ôm.

– Chăm sóc về mặt tâm linh nếu muốn.

Chẩn đoán bệnh Alzheimer

Việc chẩn đoán bệnh Alzheimer được thực hiện bằng cách loại trừ những căn bệnh hoặc nguyên nhân khác. Rà soát lại bệnh sử gia đình và thực hiện kiểm tra thần kinh xem não đang hoạt động hiệu quả ở mức nào.

Một số bác sĩ cũng thực hiện các kiểm tra hình ảnh như MRI giúp chỉ ra những thay đổi trong kích thước và kết cấu của não bộ có thể đưa đến kết luận chuẩn đoán một người mắc Alzheimer.

Tại Hoa Kỳ, mặc dù thường thì các bác sĩ đa khoa sẽ chẩn đoán bệnh nhưng bạn cũng có thể hỏi ý kiến của các nhà tâm lý học, bác sĩ lão khoa hoặc bác sĩ thần kinh. Điều đáng buồn là ta không thể có được kết luận chẩn đoán bệnh cuối cùng cho tới thời điểm sau khi bệnh nhân mất.

Lúc này công tác khám nghiệm tử thi được thực hiện và chính lúc này người ta mới xác định được những thay đổi nhất định trong não bộ xuất hiện sau khi bệnh nhân mất. Tuy nhiên, quy trình chẩn đoán đề cập phía trên cũng là những chẩn đoán mang tính tiêu chuẩn tại thời điểm này và đã được chứng minh là khá chính xác có thể được áp dụng trong thực tế.

Điều trị bệnh Alzheimer

Bệnh Alzheimer hiện chưa có biện pháp chữa trị hữu hiệu; việc xác định những hình thức dự phòng và điều trị hiệu quả hơn cũng như tìm ra phương thuốc đặc hiệu cho bệnh là ưu tiên lớn của các nhà nghiên cứu.

Hình thức điều trị hiện tại cho bệnh Alzheimer tập trung vào làm dịu bớt đi những triệu chứng, cả trong nhận thức, hành vi và cảm xúc, bằng cả liệu pháp dùng thuốc và không dùng thuốc.

Điều trị bằng thuốc

Có hai loại thuốc được chấp thuận để điều trị Alzheimer bởi Cục Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA):

Nhóm thuốc ứng chế men chuyển cholinesterase, bao gồm Aricept (donepezil), Exelon (revastigmine), và Razadyne (galantamine).

Nhóm thuốc đối vận N-Methyl D-Aspartate (NMDA) bao gồm Namenda (Memantine).

Mặc dù những thuốc này thực sự có thể giúp cải thiện quá trình tư duy ở một số người nhưng nói chung tác động của thuốc cũng biến động tùy trường hợp. Những thuốc này cần được kiểm soát chặt chẽ vì tác dụng phụ và khả năng tương tác với các thuốc khác.

Các thuốc tâm thần cũng có thể được kê đơn nhắm đến các triệu chứng trong hành vi và cảm xúc của bệnh Alzheimer. Thuốc tâm thần là những thuốc giải quyết các khía cạnh về tâm lý và cảm xúc trong quá trình thực hiện chức năng của não bộ.

Ví dụ, nếu một người trải qua các ảo giác lo âu đau khổ, các thuốc tâm thần như thuốc chống loạn thần có thể được kê đơn và thường khá hữu ích trong việc làm dịu các triệu chứng ảo giác.

Cũng như các thuốc khác, thuốc tâm thần cũng tiềm ẩn các tác dụng phụ đáng kể và hiện tượng tương tác với thuốc khác, vì vậy chúng nên được sử dụng cẩn trọng và thường được kết hợp với liệu pháp không dùng thuốc.

Điều trị không dùng thuốc

Các hình thức điều trị không dùng thuốc tập trung vào các triệu chứng hành vi và cảm xúc của bệnh bằng cách thay đổi cách chúng ta hiểu và tương tác với người mắc bệnh Alzheimer.

Các hình thức này xác định hành vi chính là cách giao tiếp thường gặp cho những người mắc bệnh, vì vậy mục tiêu đặt ra ở đây là phải hiểu được ý nghĩa của hành vi và tại sao nó lại xuất hiện ở người bệnh.

Hình thức điều trị không dùng thuốc bao gồm những nỗ lực giúp xác định nguyên nhân ẩn sâu của một hành vi hoặc một cảm xúc.

Ví dụ, việc hiểu được rằng sự bồn chồn không yên có thể bị châm ngòi bởi nhu cầu muốn đi dạo hoặc sử dụng nhà vệ sinh. Việc tìm ra và giải quyết các nhu cầu đó sẽ có ích cho bệnh nhân hơn là lúc nào cũng bắt họ ngồi xuống một chỗ.

Các hình thức điều trị không dùng thuốc nói chung nên được áp dụng trước các biện pháp dùng thuốc vì đơn giản chúng không có tác dụng phụ hay tương tác thuốc.

Mục tiêu của những hình thức này là tạo ra những can thiệp hiệu quả hơn thông qua điều chỉnh cách tiếp cận của người chăm sóc hoặc môi trường nhằm giảm thiểu các hành vi không tốt hoặc cảm xúc tiêu cực.

Một vài nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các hình thức không dùng thuốc cũng có thể giúp duy trì thậm chí cải thiện chức năng nhận thức trong một khoảng thời gian nhất định.

Ví dụ, các hoạt động thể chất và các bài tập trí óc liên tục được chứng minh trong nhiều nghiên cứu rằng có thể hỗ trợ nhận thức ở những người mắc Alzheimer.

Có thể ngăn chặn được bệnh Alzheimer không? 

Có một sự khác biệt lớn giữa ngăn ngừa bệnh Alzheimer và giảm thiểu nguy cơ phát triển bệnh. Hiện tại, không có bằng chứng về một cách thức ngăn ngừa hoàn toàn căn bệnh này.

Tuy nhiên, bạn có thể giảm thiểu đáng kể nguy cơ mắc bệnh và ý tưởng này được củng cố mạnh mẽ bởi hàng trăm nghiên cứu.

Một chế độ ăn uống lành mạnh, một lối sống năng động với nhiều hoạt động thể chất, tương tác xã hội và luyện tập trí óc thường xuyên là những chiến lược hiệu quả giúp giảm thiểu nguy cơ mắc Alzheimer đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu.

Kết luận

Đối phó với bệnh Alzheimer không hề dễ dàng, nhưng bạn không cần phải chống chọi một mình. Chủ động công tác chuẩn bị, bạn có thể gạt bỏ được một số khó khăn cho cả bạn và gia đình.

Nguồn: https://www.verywell.com/alzheimers-4014762

———————————————————