Hiện nay có rất nhiều người mắc chứng tự kỷ. Cần hiểu thế nào cho đúng và cần làm gì khi phát hiện bản thân mình hay ai đó quanh mình có dấu hiệu của hội chứng này? Chúng ta cùng đọc bài viết dưới đây nhé!
Tự kỷ là gì?
Tự kỷ là một rối loạn với sự xuất hiện của sự khác biệt và/hoặc những thách thức trong các kỹ năng giao tiếp xã hội, kỹ năng vận động, ngôn ngữ và khả năng phát triển trí tuệ bình thường.
Những người bị tự kỷ cũng có phản ứng không bình thường trước những kích thích lên giác quan, như nhạy cảm quá mức với ánh sáng, âm thanh, mùi vị, và/hoặc thèm thuồng bất thường một cảm giác nào đó.
Những triệu chứng thường gặp khác bao gồm “cơ thể không yên” (đập tay liên tục, di chuyển chân, người đung đưa), luôn có những hành vi lặp đi lặp lại, không thích sự thay đổi, lo âu, và một số trường hợp thậm chí có tài năng “bác học” trong một số lĩnh vực nhất định (thường là âm nhạc hoặc toán học).
Vì tự kỷ là một rối loạn phổ nên mức độ của nó sẽ dao động từ nhẹ đến trung bình hoặc nặng.
Nguyên nhân gây bệnh.
Điều phức tạp ở đây là bạn có thể xuất hiện triệu chứng kết hợp của cả rối loạn mức độ nhẹ và nghiêm trọng. Ví dụ, bạn rất thông minh và có khả năng ngôn ngữ nhưng lại có các triệu chứng lo âu và rối loạn chức năng các giác quan nghiêm trọng.
Chúng ta cần biết một sự thật là tự kỷ không phải là một bệnh lý hay rối loạn tâm thần trở nặng theo thời gian. Trong thực tế, hầu hết bệnh nhân tự kỷ vẫn lớn lên và trưởng thành theo thời gian, đặc biệt là những người được tiếp cận điều trị chuyên sâu.
Tuy nhiên, cũng bởi điều này mà tự kỷ không có một phương pháp điều trị chính thức nào. Có nghĩa là một đứa trẻ được chẩn đoán mắc tự kỷ vẫn lớn lên thành người trưởng thành mắc tự kỷ – với những khó khăn và cả thế mạnh cố hữu theo như chẩn đoán của bác sĩ.
Tự kỷ đã thay đổi như thế nào qua thời gian.
Tự kỷ được mô tả lần đầu tiên dưới danh nghĩa là một rối loạn riêng biệt vào những năm 1930. Tuy nhiên, định nghĩa về nó đã thay đổi theo thời gian. Và sự thay đổi đáng kể nhất diễn ra khi có sự xuất hiện của Hội chứng Asperger, hội chứng này đã được bổ sung vào các nhóm bệnh phổ tự kỷ vào năm 1994.
Kể từ lần mô tả đầu tiên, số ca chẩn đoán mắc tự kỷ đã tăng trên diện rộng. Điều này có thể góp phần khá lớn làm thay đổi định nghĩa của rối loạn này.
Giữa những năm từ 1994 đến tháng 5/2013, có 5 chẩn đoán phổ tự kỷ khác nhau. Một đầu của thước đo phổ là Hội chứng Asperger, có khi được gọi là “Hội chứng Giáo Sư Nhí”. Đầu kia của phổ là rối loạn tự kỷ, gây ra sự trì trệ và khó khăn cho sự phát triển của trẻ. Giữa hai đầu phổ này là một loạt các rối loạn phát triển mang tính xâm lấn như Hội chứng Rett, Hội chứng Nhiễm Sắc Thể X dễ gãy và cả những rối loạn phát triển mang tính xâm lấn khác chưa được phân định (PDD-NOS)
Ngày nay, với sự ra đời của Cẩm nang Số liệu và Chẩn đoán các Rối loạn Tâm thần DSM-5, hiện chỉ có một nhóm chẩn đoán duy nhất cho những người bị tự kỷ: Rối loạn phổ tự kỷ.
Triệu chứng thường gặp?
Bất kỳ ai có triệu chứng trùng khớp với chứng tự kỷ sẽ được chẩn đoán mắc RLPTK, bên cạnh đó, bệnh nhân cũng được chia theo cấp độ chức năng: mức độ chức năng 1 (chức năng cao), 2 (nặng mức trung bình) hoặc 3 (rất nặng) và nếu được, có kèm theo mô tả bệnh lý. Một số mô tả bệnh thường gặp bao gồm khiếm khuyết về nhận thức, rối loạn co giật, v.v…
Sự thay đổi này cũng hàm ý rằng những người bị chẩn đoán mắc Hội chứng Asperger đã không còn giữ được “danh hiệu” chính thức. Nhưng vì thuật ngữ “Hội chứng Asperger” đã quá thông dụng và được mô tả là một nhóm chẩn đoán cụ thể nên tên này vẫn được người ta sử dụng. Kết quả là những người mắc chứng tự kỷ chức năng cao vẫn tự xem bản thân là đang mắc Hội chứng Asperger.
5 Điều cần biết về chứng tự kỷ.
1. Trong hầu hết trường hợp, chúng ta không biết nguyên nhân gây tự kỷ.
Có một số ít thuốc uống trong thời gian mang thai có thể làm tăng nguy cơ mắc tự kỷ. Tuy nhiên, ngoài lý do đó, ta không biết thêm về các nguyên do khác dẫn đến chứng bệnh này.
Ví dụ, ta biết rằng các bé trai thường có nguy cơ mắc cao hơn nhiều so với bé gái, nhưng ta không lý giải được tại sao lại như vậy. Tương tự như vậy, ta biết cha mẹ cao tuổi thường có khả năng sinh ra trẻ tự kỷ cao hơn – nhưng một lần nữa, ta cũng không biết nguyên nhân của hiện tượng này.
Ta biết tự kỷ cũng lan truyền trong gia đình, nhưng ngoại trừ thông qua quyết định sinh hay không sinh con, ta không có cách nào biết được liệu đứa bé có bị tự kỷ hay không.
2. Có rất nhiều phương pháp điều trị có hiệu quả nhưng không đảm bảo chữa khỏi căn bệnh này.
Điều trị tự kỷ ít khi sử dụng thuốc mà thay vào đó là các liệu pháp tác động hành vi, phát triển, ngôn ngữ và nghề nghiệp chuyên sâu.
Vì nhiều trẻ bị tự kỷ gặp vấn đề về dạy dày-ruột nên vừa cần tránh ăn một số loại thức ăn nhất định vừa phải đảm bảo con trẻ được cung cấp dinh dưỡng hợp lý. Tuy nhiên, tính cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có loại thuốc hay hình thức điều trị hoặc chế độ ăn uống nào có thể chữa khỏi tự kỷ.
3. Tự kỷ có thể vừa mang đến thế mạnh vừa gây ra khó khăn.
Đương nhiên bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn do bệnh gây ra. Nhưng đồng thời, nhiều người bị tự kỷ có nhiều thế mạnh đang chú ý, thậm chí vượt trội.
Ví dụ:
Nhiều bệnh nhân tự kỷ cực kỳ thông minh. Đa phần bệnh nhân đều thông minh ở mức trung bình trong một số lĩnh vực đòi hỏi khá năng trí tuệ cao.
Nhiều người có khả năng nổi bật trong các lãnh vực như âm nhạc, toán học, công nghệ, nghệ thuật và kỹ sư – mặc dù số người thực sự sở hữu bộ não “bác học” khá hiếm.
Bệnh nhân tự kỷ thường thành thật và đáng tin, một phần là vì họ gặp khó khăn trong việc nhận ra hoặc sử dụng lối nói mỉa mai, giấu giếm, tâng bốc hay kể cả những lời nói dối vô hại.
4. Có nhiều hiểu lầm về tự kỷ.
Rất khó để một người không bị tự kỷ tưởng tượng ra cảm giác của người tự kỷ. Ngoài ra, hầu hết các bài kiểm tra IQ và phát triển đều dành cho những người không bị tự kỷ. Kết quả là nhiều hiểu lầm xuất hiện.
Ví dụ, một số người tin rằng bệnh nhân tự kỷ không có khả năng yêu thương, không biết tưởng tượng hoặc không cảm xúc. Những lối suy nghĩ này xuất hiện từ các hiểu lầm, không xuất phát từ thực tế.
5. Tất cả các dạng tự kỷ đều gây ra nhiều khó khăn.
Tự kỷ dạng nặng có thể khá khó kiểm soát vì nó có thể đi kèm các hành vi hung hăng và thách thức cực đoan trong giao tiếp. Nhưng tự kỷ chức năng cao thường kèm theo các vấn đề tâm thần khác như lo âu, các hành vi ám ảnh, rối loạn nghiêm trọng chức năng giác quan, và thậm chí cả trầm cảm.
Đối với những người mới được chẩn đoán mắc bệnh.
Nếu con bạn mới được chẩn đoán mắc tự kỷ, bạn nên tham khảo thêm ý kiến chuyên môn từ một bên thứ 2 – đặc biệt là nếu chẩn đó đến từ một nguồn tin nào đó chứ không phải từ một chuyên gia có kinh nghiệm tiếp xúc và điều trị tự kỷ.
Một khi bạn đã xác định chắc chắn con mình mắc bệnh, bước tiếp theo nên làm là liên hệ với Bác sĩ nhi và các giáo viên ở trường nơi bé học để có những can thiệp phù hợp sớm. Bạn cũng có thể tham khảo các nhóm mẫu giáo và chương trình trị liệu trước khi bé nhập học. Khi tìm hiểu thông tin về căn bệnh, hãy chắc chắn rằng bạn đang tìm đến một nguồn đáng tin cậy, vì hiện tại có khá nhiều các thông tin sai lệch đăng tải trên Internet và những tin đồn nhảm.
Người lớn cũng bị chẩn đoán mắc tự kỷ, mặc dù khá hạn chế do bởi những triệu chứng của họ tương đối nhẹ. Trong thực tế, ta cũng không cần can thiệp gì cả khi bị chẩn đoán mắc; tự kỷ là một căn bệnh không thể chữa khỏi, vì vậy các liệu pháp và thuốc điều trị là tùy chọn.
Tuy nhiên, nhiều người trưởng thành vẫn cố gắng cải thiện tình hình thông qua các nhóm hỗ trợ và tự lực, chuyên gia trị liệu có kinh nghiệm, tìm đến các phương thức hỗ trợ giải quyết những vấn đề về giác quan, hoặc đơn giản chỉ là tìm hiểu thêm về căn bệnh.
Những câu hỏi nên được đặt ra về tự kỷ.
Khi bạn bắt đầu tính đến việc nhờ bác sĩ chẩn đoán bệnh tự kỷ, có lẽ bạn nên cân nhắc một số câu hỏi cụ thể sau:
– Những liệu pháp tốt nhất cho con của tôi là gì?
– Con tôi nên được học tập trong môi trường nào là tốt nhất?
– Những hoạt động cộng đồng hay vui chơi giải trí nào là phù hợp với con tôi?
– Tôi phải xây dựng kế hoạch tương lai cho con tôi như thế nào?
Sống chung với chứng tự kỷ.
Nếu con bạn bị chẩn đoán mắc tự kỷ, căn bệnh sẽ là yếu tố chi phối hầu hết các quyết định của bạn về con mình. Những quyết định của bạn sẽ phụ thuộc vào triệu chứng của con, cách bạn phản ứng lại các triệu chứng này, môi trường sống và tình trạng tài chính.
Nhưng dù thế nào đi nữa, bạn cũng cần suy tính và lên kế hoạch cho con mình. Có thể nhiều khả năng là bạn sẽ phải phối hợp với nhà trường, các cơ quan chức năng, các nhà trị liệu và luật sư để giúp đáp ứng các nhu cầu đặc thù của trẻ.
Kết luận.
Chẩn đoán mắc tự kỷ không phải là chuyện nhỏ. Thậm chí nhiều người sẽ sợ hãi nó. Nhưng quan trọng là chúng ta vẫn có thể sống một cuộc sống lành mạnh ngay cả khi mắc bệnh.
Theo thời gian, bạn sẽ khám phá ra nhiều nguồn hỗ trợ và cơ hội cho trẻ tự kỷ và gia đình. Bạn cũng sẽ biết được khả năng ứng phó – thậm chí là vượt lên – của bản thân trước căn bệnh tự kỷ.