Có những người ngay cả khi ở bên cạnh cha mẹ, nhưng nếu cha mẹ đối xử với con cái sai cách cũng có thể khiến cho họ không cảm nhận được tình yêu thương, thậm chí là thiếu thốn tình yêu thương.
Bài viết này chỉ ra một góc nhìn tâm lý lý giải việc một người trưởng thành đầy tích cực, vui vẻ và nhiệt tình. Ngược lại, có những sai lầm trong cách giáo dục con của cha mẹ khiến họ trưởng thành không bao giờ được như vậy.
Nếu bạn là một người trưởng thành, hãy cho phép mình quay trở về quá khứ để đối chiếu với những điều này. Nếu bạn là một bậc phụ huynh, đây là góc nhìn quan trọng cho bạn trong cách giáo dục con.
Một trong những nhu cầu cảm xúc mạnh mẽ của con người, trong đó có con trẻ là mong muốn tha thiết được yêu thương và được chấp nhận hoàn toàn như chúng ta vốn thế chứ không buộc phải cố làm thế.
Sâu thẳm tận đáy lòng, tất cả mọi người, già cũng như trẻ, đều khao khát nhận được tình yêu thương và sự chấp nhận của những người xung quanh ta, mà trước hết là những người thân trong gia đình.
Chính những điều này làm cho con người chúng ta khi lớn lên, trải qua giai đoạn còn nhỏ có động lực tham gia vào các nhóm bạn bè, tuân theo các quy tắc xã hội, phát triển tình bạn, quan hệ với bạn khác giới và bắt chước những khuôn mẫu hành xử của người khác.
Cái gì tạo nên một đứa trẻ tích cực, vui vẻ và nhiệt tình? Đó là “bể yêu thương” tràn đầy.
Nhà tâm lý học nổi tiếng, Tiến sĩ Gary Chapman, trong quyển sách của mình có tựa đề “Năm Ngôn Ngữ Yêu Thương” (The Five Love Languages), đã nói rằng mỗi người chúng ta đều có một “cái bể chứa đựng những yêu thương”. Khi đứa trẻ được ủ trong không khí dạt dào tình thương và luôn nhận được sự chấp nhận của những người xung quanh, bể yêu thương của nó sẽ luôn ĐẦY ĂM ẮP.
Những đứa trẻ với bể yêu thương ĐẦY ẮP này luôn có cảm giác tự hào về bản thân, ý thức được giá trị của mình và tin vào bản thân mình. Chính điều này sẽ giúp chúng trở nên vui vẻ, tích cực và hăng hái.
Bể yêu thương khô cạn sẽ dẫn đến những vấn đề về hành vi! Khi một đứa trẻ không cảm nhận được tình yêu thương và phải liên tục nhận những lời phản đối, la rầy hay chỉ trích, bể yêu thương trong chúng sẽ trở nên khô cạn.
Những đứa trẻ kém may mắn này dần dần có thái độ bất mãn, tiêu cực và dửng dưng với nỗi đau của người khác. Thái độ này sẽ dẫn đến đủ loại hành vi có vấn đề như kết băng đảng với lũ bạn xấu (để có cảm giác mình quan trọng hơn trước mắt người khác), chơi bời lêu lổng (để khỏa lấp cái bể khô cạn trong lòng) hoặc bàng quan với hầu hết mọi sự trong cuộc sống hàng ngày, “Sao tôi phải quan tâm? Dù sao thì cũng đâu có ai thèm biết đến tôi cơ chứ?”.
Bể yêu thương của trẻ nào có thể cạn kiệt bất kì lúc nào
Trong đời mình hầu như tôi chưa từng trao đổi với bậc cha mẹ nào mà không yêu thương con cái, chỉ là mức độ ít hơn hay nhiều hơn thôi. Oái ăm thay, dù phụ huynh cho con cả đại dương tình cảm, vậy mà cái bể nho nhỏ trong lòng con cái vẫn có thể trong tình trạng khô kiệt!
Vấn đề là ở chỗ mặc dù yêu thương con cái, cho con những điều mà mình nghĩ là tốt nhất, nhiều người không biết cách bày tỏ sự quan tâm để con mình cảm nhận được tình thương sâu đậm đó.
Sự thật thì cách cha mẹ và con cái nhận thức về thế giới rất khác nhau. Những điều mà cha mẹ cho con xuất phát từ tình yêu, nhưng dưới ánh mắt của con cái có thể không được nhìn nhận là như thế. Thực tế cho thấy, trong đa số các trường hợp thường là nhận thức trái chiều.
Khi cha mẹ vì sốt ruột trước một biểu hiện sai trái của con mà la mắng chúng thì chúng chỉ thấy một điều: sự thất vọng và giận dữ của cha mẹ, và suy luận rằng cha mẹ không yêu thương chúng, ghét bỏ chúng. Thậm chí kể cả khi cha mẹ lên tiếng nói rằng yêu thương con, chưa chắc con cái đã tin tưởng.
Chúng chỉ tin vào cái mà chúng thấy là ánh mắt giận dữ và vẻ thất vọng trên khuôn mặt cha mẹ. Tiếc thay, sự thất bại trong việc bày tỏ tình cảm của bên cho và việc giải mã ký hiệu của bên nhận thường là mấu chốt trong hầu hết những vấn đề nảy sinh trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
3 ĐIỀU LÀM CẠN KIỆT BỂ YÊU THƯƠNG CỦA MỘT ĐỨA TRẺ
Nhiều phụ huynh vô tình làm những việc hoặc nói những lời mà họ nghĩ là biểu lộ tình yêu thương quan tâm của mình. Nhưng thật không may, chính những việc này lại làm cạn bể tình yêu trong con cái, khiến chúng cảm thấy mình không được yêu thương, không được chấp nhận, thậm chí bị ghét bỏ.
1. Con cái luôn bị so sánh
“Anh con học giỏi thế mà con…”
“Sao con không giữ phòng ốc gọn gàng như chị con?”
“Bạn Tom vừa được nhận giấy khen, còn con thì sao?
Nghe những lời này, một đứa trẻ sẽ có xu hướng nghĩ rằng, “À thì ra mẹ thương chị hơn mình nhiều. Mình không phải là đứa con ngoan mà cha mẹ mong muốn. Chắc họ chỉ ước mình là một người khác. Họ không chấp nhận con người của mình”.
2. Chỉ trích và “vạch lá tìm sâu”
Nhiều cha mẹ cố gắng thay đổi hành vi của con bằng cách liên tục chỉ trích hành vi của chúng hoặc bới móc lỗi lầm của chúng.
“Con bị cái gì vậy?”
“Sao con không thể làm tốt được việc gì cả?”
“Sao con lúc nào cũng quên trước quên sau?”
Vấn đề của con là không chịu nghe lời người lớn!”
Con chẳng chịu giúp mẹ việc nhà gì cả. Sao con lúc nào cũng thế?”
3. Đánh đòn và mắng chửi
Không cần phải nói bạn cũng biết, đánh đập (thượng cẳng chân hạ cẳng tay hoặc dùng đòn roi) cũng như chửi mắng và dán cho con cái những cái nhãn tệ như “đồ vô dụng”, “đồ ngu như con heo”, “đồ hư hỏng”… là biện pháp rút kiệt bể yêu thương của con cái mạnh nhất, ví như cái máy bơm một trăm mã lực.
Khi không cảm thấy được cha mẹ yêu thương và chấp nhận, trẻ sẽ đi tìm điều đó ở nơi khác
Điều nguy hiểm nhất là khi một đứa trẻ cảm thấy chúng không được chấp nhận và yêu thương trong gia đình mình, chúng sẽ có khuynh hướng tìm kiếm những điều đó ở những nơi khác, chẳng có gì đảm bảo là tốt cho chúng.
Nhu cầu được yêu thương và chấp nhận là nhu cầu đứng thứ ba trong thang bậc nhu cầu cơ bản của con người đã được nhà tâm lý học Maslow lập ra. Nó chỉ đứng sau nhu cầu vật chất về cái ăn mặc và nhu cầu về sự an toàn.
Vì thế, một khi không được thỏa mãn cảm giác được yêu thương và chấp nhận, trẻ sẽ có khuynh hướng đi tìm điều đó ở bất cứ đâu, kể cả khi việc đó gây hại cho chúng.
Điều này là nguyên nhân lý giải cho việc tại sao có nhiều đứa trẻ bị rủ rê tham gia vào những băng nhóm xấu, trở thành nạn nhân của những tệ nạn xã hội như ma túy, quan hệ tình dục trong tuổi vị thành niên, và bị lôi kéo vào những con đường lầm lạc, tha hóa.
Như vậy, một khi đã hiểu ra tầm quan trọng của nhu cầu được yêu thương và được chấp nhận, chắc chắn mỗi người trưởng thành sẽ có góc nhìn khác và ý thức về việc thay đổi tư duy trong cách tương tác với mỗi đứa trẻ khi còn nhỏ.
Bởi lẽ, sự trưởng thành của mỗi đứa trẻ trong tương lai ảnh hưởng rất nhiều bởi sự giáo dục và nuôi dạy của những bậc phụ huynh trong hiện tại.
————————————————